Hỗ trợ lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã 1,8 triệu đồng/người/tháng

Thứ hai, 01/07/2024 19:45
(ĐCSVN) - Mức hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng Cảnh sát khu vực, lực lượng Công an xã trên địa bàn TP Hà Nội này là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng áp dụng quy định tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. 

Dự kiến kinh phí chi hỗ trợ khoảng 97 tỷ đồng/năm

Ngày 1/7, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc quy định nội dung, mức chi hỗ trợ lực lượng Cảnh sát khu vực, lực lượng Công an xã trên địa bàn thành phố.

Đối tượng áp dụng là cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã thuộc Công an thành phố Hà Nội được giao trong chỉ tiêu biên chế. Mức hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng này là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng áp dụng quy định tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, dự kiến kinh phí chi hỗ trợ lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã trên địa bàn thành phố khoảng 97 tỷ đồng/năm (4.487 đồng chí được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng/người/tháng), trong khả năng cân đối của ngân sách thành phố.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Duy Hoàng Dương cho biết, hiện nay, lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã được bố trí tại công an xã, phường, thị trấn với tổng số 4.487 người. Đây là lực lượng đặc thù, mũi nhọn, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.

Lực lượng cảnh sát khu vực có 19 nhiệm vụ, là cánh tay nối dài của lực lượng công an xuống dưới địa bàn, cơ sở; được xác định là lực lượng luôn bám sát địa bàn, gần dân, sát dân nhất, đóng vai trò nòng cốt, điểm tựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.

Công an xã cũng là lực lượng thường xuyên có mặt tại địa bàn cơ sở, có nhiều điều kiện, khả năng tìm hiểu, nắm rõ về vị trí địa lý, đặc điểm dân cư, các đối tượng nổi lên ở địa bàn về chính trị, hình sự, kinh tế, ma túy...

100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội trình bày tờ trình.

Cũng tại kỳ họp, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP đã trình bày tờ trình xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan thành phố, học sinh các cấp, bậc học được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn.

Cùng với đó, 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải mở lối thoát nạn thứ 2; vận động cá nhân tình nguyện, đăng ký tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đạt 2% so với tổng số hộ gia đình trên địa bàn; 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Đội dân phòng bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong đó, Đề án cũng xác định mục tiêu di dời các cơ sở hóa chất trong khu dân cư đến khu/cụm công nghiệp, phù hợp quy hoạch của ngành Công Thương; đôn đốc 100% cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và công trình vi phạm chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy; không để phát sinh công trình vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng liên quan phòng cháy, chữa cháy và công trình vi phạm chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy; không để phát sinh công trình vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng liên quan phòng cháy, chữa cháy.

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thành phố được trang bị phương tiện hiện đại, phục vụ chữa cháy các loại hình cơ sở đặc thù, phức tạp dưới hầm sâu, trong ngõ nhỏ, hẹp, cháy rừng; đến năm 2030, quy hoạch và xây dựng mới 33 vị trí trụ sở, doanh trại, đảm bảo bán kính chạy cháy, đáp ứng công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Lực lượng Công an cấp xã, dân phòng được trang bị bổ sung xe mô tô và phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”. Đến năm 2030, thành phố hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước.

Thành phố hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng, 4 bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ. Sơ bộ khái toán kinh phí tổ chức thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật./.

 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực