Sứ giả lan tỏa giá trị văn hóa, phẩm hạnh con người Việt Nam đến với thế giới

Thứ tư, 30/08/2023 08:02
(ĐCSVN) - Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu đã được triển khai hơn 8 năm, là một sự kiện văn hóa không chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn được dư luận quốc tế đánh giá cao về sự độc đáo “có một không hai” trong việc định vị và lan tỏa giá trị văn hóa, phẩm hạnh người Việt Nam trên toàn thế giới.

Đằng sau sự thành công của một đề án văn hóa là bóng dáng âm thầm của một nhà báo - nhà văn - sứ giả ngoại giao nhân dân Nguyễn Thị Bích Yến.

Tự hào “tôi là người Việt Nam”

Chia sẻ với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến cho biết: Năm 2008, chị đã xuất bản tác phẩm “Một nửa là người” và đoạt giải Tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật; được Báo Lao động Thủ đô bình chọn là “một trong 5 gương mặt được công chúng ghi nhận”; được hầu hết các tờ báo ghi nhận là “nhà văn tri ân với quá khứ lịch sử”; là vận động viên, huấn luyện viên (huyền đai nhị đẳng của Viện Hàn lâm Kupkiwon thế giới), rồi trở thành một trong những nữ trọng tài Taekwondo đầu tiên của Việt Nam. Bích Yến đã đạt được Học bổng Quốc tế IFP (Ford Foundation International Fellowships Program)/Ford hỗ trợ bậc học Thạc sĩ báo chí và chương trình thực tập quốc tế… 

Năm 2009, Bích Yến là một trong hai nhà văn được Liên đoàn Lao động Áo, Hội hữu nghị Áo - Việt, Chính phủ Áo mời đến Áo trong chương trình giao lưu văn hoá đầu tiên giữa Áo và Việt Nam. Sau đó, chị là nhà báo châu Á duy nhất được nhận vào kiến tập và thực tập từ bậc thạc sĩ đến tiến sĩ tại Báo Wiener Zeitung (tờ báo Hoàng gia lâu đời nhất thế giới, hiện đã trở thành tập đoàn và là tờ báo duy nhất thuộc nhà nước Áo) và Đài truyền hình quốc gia Áo (ORF), Hãng Thông tấn xã Áo (APA) (đây là hai tập đoàn báo chí truyền thông lớn, uy tín hàng đầu tại Áo và châu Âu). Nhân duyên tiếp đó, chị đã ở lại nước Áo, trở thành phóng viên thường trú của Báo Văn nghệ Việt Nam (nơi chị làm việc từ khi tốt nghiệp Đại học). Tại đây, Bích Yến được cấp thẻ quốc tế và tác nghiệp trong nội các Chính phủ Áo, Văn phòng Thủ tướng, Tổng thống Áo, Quốc hội, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc. Bất cứ một đồng nghiệp quốc tế nào khi gặp Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến đều cảm nhận được một vẻ đẹp, một nét văn hóa thuần Việt, khiêm cung, đặc biệt ở tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Ở nước ngoài nhiều năm nhưng Bích Yến vẫn giữ mái tóc dài duyên dáng và tà áo dài truyền thống trong quá trình tác nghiệp cũng như trong các sự kiện mang tính quốc gia, quốc tế. Với Yến, áo dài toát lên phẩm hạnh của người Việt. Đây cũng là nét độc đáo để đồng nghiệp quốc tế dễ dàng nhận ra chị đến từ Việt Nam; cũng là cách để lan toả giá trị văn hóa Việt ở nước ngoài. 

Chị Yến kể cho chúng tôi một trong những kỷ niệm để lại dấu ấn không thể nào quên đó là khi Tổng thống Nga Putin chọn Áo là nước công du đầu tiên sau khi tái đắc cử Tổng thống Nga lần hai. Hôm đó Bích Yến mặc áo dài trắng, nhiều đồng nghiệp nữ quốc tế đã tỏ ra rất thích thú và ngỏ ý muốn mua một chiếc khi đến Việt Nam. Có lẽ chính vì sự độc đáo, truyền thống ấy mà Đài truyền hình Trung ương Nga đã mời chị trả lời phỏng vấn về cảm nhận chuyến thăm Áo của Tống thống Putin. Nhân dịp này, chị có dịp thể hiện tình cảm với đất nước Nga (chị từng tham gia đội tuyển Tiếng Nga khi còn học Phổ thông) thông qua một bài thơ do chị sáng tác khi đến thăm nước Nga (2018).

Một kỷ niệm khác là khi được trực tiếp tham dự và đưa tin về các hoạt động của nguyên thủ Việt Nam sang thăm Áo vào tháng 10/2018, được gặp lại các nhà báo, đồng nghiệp của chị trước kia tại Việt Nam và đặc biệt được trao đổi bằng Tiếng Việt (ngôn ngữ mẹ đẻ) ngay tại văn phòng của Thủ tướng Áo với một niềm tự hào khó tả. Vì đối với Tiến sĩ Nguyễn Bích Yến, “Tôi là người Việt Nam” luôn là tâm niệm để chị không ngừng trau dồi bản thân cả từ cử chỉ, ăn mặc và ứng xử sao vẫn giữ được cốt cách văn hóa dân tộc trong mọi hoạt động báo chí của chị để bè bạn quốc tế càng hiểu hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

Đồng cảm và thấu hiểu về đời sống cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Là phóng viên theo dõi mảng văn hóa, chính trị, đưa tin về những sự kiện diễn ra tại Áo, EU, Bích Yến đã thực hiện các chuyến thực tế đến Hungary, Séc, Slovakia, Italy, Đức… và nhiều quốc gia châu Âu khác. Những chuyến đi này giúp chị hiểu hơn về cuộc sống của bà con người Việt tại châu Âu, kịp thời đưa thông tin về cuộc sống, về các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu đến với người dân trong nước thông qua các hãng thông tấn báo chí, nhất là kênh truyền hình đối ngoại trong nước… 

Không đơn thuần đưa tin về các hoạt động thường nhật của cộng đồng người Việt, Bích Yến còn đi sâu phản ánh nhu cầu sinh hoạt tinh thần của họ. Chị kể: “Năm 2018, khi chúng tôi đến Đức tổ chức Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, tôi có ra chợ của người Việt – chợ Đồng Xuân, Berlin và nhìn thấy một cuốn thơ đã bị ố vàng. Tôi hỏi chị chủ cửa hàng là chị thích đọc thơ à, chị nhìn tôi vài giây rồi bảo đây là cuốn thơ của bố chị và ông đã qua đời rồi. Tôi bảo chị, hôm nay là ngày Giỗ Tổ, sẽ có buổi giao lưu văn hóa cộng đồng với các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng từ Việt Nam sang, chị có muốn đến không? Chị bảo, chị sẽ mời mẹ chị đến cùng đọc thơ nhé. Tối hôm đó, chị dẫn mẹ đến. Bà mặc áo dài, quấn khăn rất đẹp. Bà đã khóc và chia sẻ: Chồng tôi khi còn sống, ông ấy đã làm những bài thơ này để lại, ông ấy muốn bày tỏ tâm trạng của người xa xứ hướng về quê hương. Tôi không thể ngờ được trong cuộc đời này tôi lại có thể được đọc những bài thơ của ông ấy trước bà con kiều bào và các nhà thơ, nhà văn như thế này. Tôi rất cảm động. Tôi nghĩ rằng, bà con kiều bào sống xa xứ đều muốn được trao gửi, bày tỏ tình yêu đất nước, quê hương”.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng hơn 5,3 triệu kiều bào Việt đang sinh sống tại nước ngoài, trong đó, có khoảng 5.000 người Việt đang sinh sống tại Áo. Bà con chủ yếu làm việc trong các hãng xưởng, cũng có nhiều nhà trí thức làm trong các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học. Chị đi nhiều nước, gặp nhiều bà con, chị thấy, do bị tổn thương trong chiến tranh, một số người vẫn còn có cái nhìn khiên cưỡng khi nhắc về Việt Nam, thậm chí, không cho chị có cơ hội trò chuyện. Nhưng sau nhiều năm chân thành, bền bỉ tham gia các hoạt động kết nối các nhà trí thức, khoa học, chính khách quốc tế với cộng đồng người Việt - thông qua dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, dần dần bà con đã cởi mở hơn, và còn sẵn sàng hỗ trợ, cùng chị tham gia kết nối bạn bè quốc tế các nước sở tại với quê hương Việt Nam. 

Nhà báo Usama Soliman (Ai Cập), Đại diện thường trú Thông tấn xã Trung Đông tại châu Âu, nhận xét về đồng nghiệp đã làm việc cùng mình hơn một thập kỷ ở các sự kiện quốc tế quan trọng, cho biết: “Tiến sĩ Bích Yến là một chuyên gia quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu báo chí truyền thông và là một nhà báo xuất sắc. Chúng tôi rất tự hào vì có sự hiện diện của cô ấy ở Áo. Cô ấy là đại diện tốt cho Việt Nam. Cô ấy đã xây dựng mối quan hệ chân thành và rộng khắp với các nhà báo quốc tế và cộng đồng tại châu Âu”.

Sứ giả ngoại giao, gắn kết liên văn hoá Việt - Áo và châu Âu

Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, kế toán, ra trường được tuyển vào làm chuyên viên Trung tâm văn hóa Hội Nhà văn Việt Nam, Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam, rồi Báo văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Chính môi trường văn chương đó đã khơi lại ước mơ từ thủa nhỏ của Bích Yến là được “ban ngày làm văn, ban đêm luyện võ”. Và chính nhân duyên được làm việc trực tiếp với các bậc tiền bối, các cây đa, cây đề trong làng văn, làng báo ấy đã đưa Bích Yến đến với nghề viết văn, viết báo và rồi trở thành nhà văn, nhà báo, chuyên gia nghiên cứu chiến lược truyền thông liên văn hóa - chính trị tại châu Âu, Phó Tổng biên tập/Đại diện tạp chí World Alliances Journal tại Liên hợp quốc tại Vienna, Chủ nhiệm Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu. 

Sự hòa quyện kiến thức kinh tế - chính trị - văn hóa - ngoại giao và võ thuật trong con người Bích Yến; sự đồng điệu, giao thoa, cộng hưởng của hai đất nước thi ca và âm nhạc... luôn được Bích Yến “thổi hồn” gắn kết văn hóa Áo - Việt bằng hai tiếng “quê hương” trong các tác phẩm báo chí và các công trình nghiên cứu về văn hóa, chính trị truyền thông. Để văn hóa Việt Nam có thể đối thoại được với nền văn hóa của các nước trên thế giới, Bích Yến đã cùng các nhà khoa học, giáo sư, đồng nghiệp bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu triển khai những dự án mà ban đầu nhiều người gọi là “ảo tưởng” về những ý tưởng “táo bạo” của chị. 

Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, để thể hiện sự kết nối giữa hai Thủ đô Vienna và Hà Nội, Bích Yến đã đầu tư nhiều công sức cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về hai nền văn hóa Áo - Việt và đề xuất với Tiến sĩ Wolfgang Renner (Viện trưởng Wiener Zeitung) và Hội đồng lãnh đạo Wiener Zeitung xây dựng một chuyên san ngoại giao đặc biệt, đưa những hình ảnh, bài nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, chính trị, kinh tế… của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, và các bài viết về thành tựu hợp tác giữa Áo - Việt Nam lên Chuyên san ngoại giao “Dossier 1000 Jahre Ha noi - Chào Hà Nội 1000 năm” - tờ báo Hoàng gia của Cộng hòa Áo, Wiener Zeitung. Chuyên san này đã bán được hơn 50.000 bản bằng tiếng Đức tại thị trường Châu Âu; hàng nghìn bản tại thị trường Bắc Mỹ và hơn 10.000 bản bằng tiếng Anh tại Việt Nam. Đây được coi là công trình hợp tác báo chí, một ấn phẩm có giá trị văn hóa xuất bản chung đầu tiên, đánh dấu mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực báo chí truyền thông giữa Cộng hòa Áo và Việt Nam, được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, các nhà khoa học, và những người có trọng trách của hai đất nước lúc bấy giờ đánh giá cao.  

 Tiến sĩ Bích Yến tại Phòng Tổng thống Áo.

Sự thành công của “Ngày Việt Nam” đầu tiên được tổ chức tại quảng trường Nhà máy bia Ottakringer ở Wien, Áo (tháng 9/2015) trong điều kiện thời tiết mưa lạnh đã thu hút gần 3.000 lượt người tham gia với các hoạt động: Thưởng thức hương vị bia lừng danh của Áo cùng các món ăn Việt Nam; Trình diễn thời trang, mời các hoa hậu, người mẫu, ca sĩ của Áo, châu Âu để quảng bá cho sản phẩm lụa Hà Đông, áo dài Việt Nam; Trình diễn các tiết mục âm nhạc cổ điển của Áo, các tác phẩm ca nhạc hiện đại; Giới thiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đến công chúng quốc tế; Tổ chức bán đấu giá một số vật phẩm để ủng hộ đồng bào lũ lụt Quảng Ninh... đã để lại nhiều ấn tượng trong cộng đồng người Việt tại Áo và bè bạn, các nhà báo, chính khách quốc tế. Đặc biệt, sự kiện này đã được nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz (sau trở thành Thủ tướng trẻ nhất thế giới) gửi thư chúc mừng, ghi nhận: Cộng đồng người Việt đã có đóng góp tích cực vào sự hội nhập, vào nền kinh tế và văn hoá của nước Áo…

Bích Yến đã tích cực kiến tạo các chương trình giao lưu trao đổi đoàn giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam. Các chương trình học tập, các chuyến đi thực tế, các hội thảo khoa học quốc tế, các chương trình nghiên cứu khoa học xuất bản chung… đã giúp cho các nhà trí thức, khoa học, báo chí, chính khách hai bên xích lại gần nhau trong sự thấu hiểu và yêu thương chân thành. “Ngay từ những năm đầu tiên định cư tại Áo, tôi đã tìm cách kết nối các cơ sở đào tạo về báo chí giữa hai nước. Tôi thiết nghĩ, chỉ có bằng cách này, các đồng nghiệp báo chí truyền thông, giới trí thức, khoa học Áo, EU mới biết và hiểu rõ hơn về đất nước, con người, văn hoá, lịch sử… Việt Nam, từ đó, bằng ngòi bút, sự thấu hiểu của mình họ sẽ lan toả những điều tốt đẹp của Việt Nam đến với đông đảo công chúng Áo và châu Âu, cũng như góp phần gắn kết tình hữu nghị giữa Việt Nam và Áo, châu Âu ngày càng bền vững", Bích Yến chia sẻ.

Tiến sĩ Wolfgang Renner, Viện trưởng Viện Wiener Zeitung, Áo nhận xét: “Bích Yến là Đại sứ báo chí của Việt Nam tại Áo. Ngay từ những giây phút đầu tiên, tôi thực sự rất vui khi hợp tác với cô ấy, vì cô ấy rất xuất sắc khi đưa ra các giải pháp chiến lược. Tôi thực sự tin vào kiến thức khoa học và các công trình nghiên cứu của cô ấy. Vì vậy, chúng tôi có thể trao cho cô ấy mọi tài liệu mà báo Wiener Zeitung có. Trong tương lai nếu làm việc cùng nhau trong các dự án tiếp theo, Wiener Zeitung sẵn sàng hỗ trợ, bởi chúng tôi biết rằng cô ấy luôn làm việc xuất sắc cũng như mở ra sự hợp tác tích cực, củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Áo”.

Kết nối cộng đồng, lan tỏa giá trị văn hóa, phẩm hạnh người Việt Nam 

Với ý tưởng và quyết định táo bạo của một trí thức kiều bào trẻ, tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IX (Năm 2015), TS Nguyễn Thị Bích Yến đã được mời viết tham luận, trình bày ý tưởng về Dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” với các lãnh đạo và đại biểu kiều bào của Đại hội. Chị đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi người. Chị chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu chiến lược truyền thông văn hóa và chính trị tại châu Âu, cũng như có cơ hội tác nghiệp, tiếp xúc với tư tưởng của nhiều nguyên thủ, tôi đã nhận thấy rằng hầu hết các quốc gia đã định vị văn hoá thành công trên thế giới như Nhật Bản (văn hoá ẩm thực sushi, samurai), Hàn Quốc (võ đạo Taekwondo), Vương Quốc Anh (ngôn ngữ tiếng Anh), Áo (âm nhạc cổ điển)… hay nhiều nước châu Âu khác, họ đã triển khai kiệt xuất 3 chiến lược trụ cột, đó là, chiến lược ngoại giao chính trị, chiến lược ngoại giao văn hóa và chiến lược ngoại giao kinh tế, để định vị thương hiệu quốc gia trên môi trường thực tế và môi trường báo chí truyền thông quốc tế (từ xưa đến nay).

Như nhiều người nhận xét rằng, "Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu là dự án có một không hai”. Chị chia sẻ, từ năm 2015 - 2023, chị đã cùng các nhà trí thức, khoa học, lãnh đạo cộng đồng duy trì và phát triển hoạt động dự án với hình thức 3 không và 3 có: không nhân lực, không vật lực, không người chuyên trách. Chị là người kiêm nhiệm, khi nào triển khai các hoạt động cụ thể thì mời bà con kiều bào và bạn bè quốc tế ở các nước cùng tham gia. Và 3 có, đó là, lòng tự tôn/tự hào dân tộc, có trí tuệ, có ước nguyện chung sức lan tỏa, định vị văn hóa và phẩm hạnh Việt trên thế giới. 

 Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu.

Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu (2015) do một số nhà khoa học và lãnh đạo cộng đồng người Việt tại 7 nước sáng lập, dưới tâm huyết đau đáu của chị. Đó là ngày hội văn hóa chung cho người Việt trên toàn cầu, ngày để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, nguồn cội. Dự án ra đời với sứ mệnh cao cả: Lan toả Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, nhằm truyền thừa lòng biết ơn hướng về Tổ tiên, nguồn cội cho thế hệ người Việt trẻ, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và bạn bè quốc tế cùng tham gia bảo tồn các di sản văn hoá của nhân loại; Kết nối liên văn hoá giữa Việt Nam và các nền văn hoá trên thế giới; Định vị giá trị văn hoá, phẩm hạnh Việt đặt trong sự tôn trọng và tôn vinh giá trị văn hoá, phẩm hạnh của các quốc gia/dân tộc khác trên toàn cầu. 

Từ năm 2015 đến nay, Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu đã phối hợp với các nhà trí thức, khoa học, cá nhân, tổ chức hội đoàn, cộng đồng bà con kiều bào các nước, các cơ quan ban ngành của Việt Nam, chính quyền các nước sở tại và bạn bè quốc tế, thực hiện 3 nhánh (thường niên), đó là: (1) Tổ chức Lễ an vị tượng vua Hùng và Lễ giỗ Tổ tại CHLB Đức, Liên bang Nga (Moscow, Sankt Perterburg), Cộng hoà Séc, Ba Lan, Nhật Bản, CHDCND Lào, Thái Lan, Canada, Ucraina, Hungary. Đồng thời, kết nối trực tuyến Lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu cùng đại biểu trí thức kiều bào ở gần 50 quốc gia trên cả năm châu lục; (2) Phối hợp hướng dẫn, tư vấn và trực tiếp nghiên cứu hàng chục công trình liên ngành khoa học và văn hoá tín ngưỡng, đặc biệt, đào tạo các ký giả Việt Nam và quốc tế để trở thành các sứ giả, đại sứ truyền thông liên văn hóa, cùng nhau giới thiệu, đưa văn hóa Việt ra thế giới. Nhánh này đã đào tạo cho hơn 150 ký giả từ hơn 30 quốc gia trên 5 châu lục; (3) Công trình sách "Những mảnh ghép quân vương" và tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế nhằm tập hợp chân dung, tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của những phẩm hạnh người Việt và bạn bè quốc tế trên toàn cầu. Ngoài ra, còn có những hoạt động ý nghĩa khác, nhiều chương trình thiện nguyện xã hội mang tầm quốc tế như: Hỗ trợ đồng bào lũ lụt Miền Trung; quyên góp, ủng hộ phòng, chống COVID-19; tặng gạo và khẩu trang y tế cho bà con kiều bào tại Campuchia; phối hợp xây dựng cây ATM khẩu trang… 

Chính những nỗ lực đóng góp không mệt mỏi của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến và các cộng sự, ngày 7/1/2023, Ban dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu đã vinh dự được UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng bằng khen. Đây là niềm vinh dự lớn lao và là sự ghi nhận đối với các nhà trí thức, khoa học, doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài và các chuyên gia quốc tế của Ban dự án đến từ gần 50 quốc gia. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ bằng văn bản (2018). Đặc biệt, dự án đã được dư luận xã hội, báo chí truyền thông đánh giá là "dự án văn hóa tiêu biểu lớn nhất dành cho người Việt trên toàn cầu". Bản thân chị cũng đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Áo ghi nhận, tặng khen thưởng vì những cống hiến trong hoạt động báo chí truyền thông đối ngoại, đặc biệt là các hoạt động báo chí nhân kỉ niệm 45, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Áo, các sự kiện trọng đại của đất nước, bầu cử quốc hội, đại hội Đảng, các vấn đề hợp tác hoặc tranh chấp quốc tế, các hoạt động công du nước ngoài của các nguyên thủ…

Thiết nghĩ, việc tổ chức triển khai Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, tiến tới xây dựng một di sản Ngày Quốc tổ Việt Nam cho người Việt trên toàn cầu là rất cần thiết. Đó là ngày để nhắc nhớ các thế hệ người Việt khắp năm châu bốn bể về lòng biết ơn cội nguồn, tổ tiên. Từ đó, hun đúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc, vun đắp giá trị và phẩm hạnh của người Việt, giúp chúng ta tự tin hội nhập và đối thoại với các nền văn hóa bản xứ, với các nền văn hoá trên thế giới một cách tốt nhất. “Việc phát triển Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu không chỉ là trách nhiệm của những người khởi xướng, những nhà trí thức, khoa học kiều bào mà còn là sứ mệnh của tất cả chúng ta - những người con mang dòng máu lạc hồng trên toàn cầu. Xin hãy truyền lửa cho thế hệ con cháu mai sau, chúng ta cùng nhau đoàn kết, chung sức, đồng lòng lan tỏa, định vị giá trị văn hoá và phẩm hạnh của dân tộc Việt đặt trong sự tôn trọng, tôn vinh giá trị và phẩm hạnh của các dân tộc/quốc gia khác trên toàn cầu". Đó là tâm nguyện mãi mãi khắc sâu trong sự nghiệp làm báo, làm văn, làm sứ giả ngoại giao văn hóa của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến./.

Hoàng Xuân Tám

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực