Đổi mới phong cách lãnh đạo của Chính trị viên ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp

Thứ hai, 27/02/2023 22:01
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Phong cách lãnh đạo (PCLĐ) của chính trị viên (CTV) phản ánh phong cách lãnh đạo của Đảng, của chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm tổng hòa thái độ, phương pháp, cách thức giải quyết công việc, sinh hoạt và ứng xử các mối quan hệ công tác trở thành nề nếp ổn định, nhất quán, riêng biệt của chính trị viên được sử dụng để hiện thực hóa chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và cấp mình, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Một buổi huấn luyện tại Trường Sỹ quan Tăng, Thiết giáp. 

Đội ngũ chính trị viên ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay là người chủ trì về chính trị, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức tiến hành và chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Cùng với người chỉ huy, CTV là người trực tiếp quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; xây dựng và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, phát huy bản chất giai cấp công nhân và truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội ngay từ cơ sở. Vì thế, năng lực công tác và PCLĐ của CTV quyết định đến chất lượng, hiệu quả của đơn vị. Do đó, đổi mới PCLĐ của CTV ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu khách quan của quá trình xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đảng, công tác chính trị. Nghị quyết Đại hội đại biểu Quân đội lần thứ XI chỉ rõ “Tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp, tác phong công tác khoa học, hiệu quả” (1) góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Để nâng cao chất lượng PCLĐ của CTV ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay cần thực hiện tốt những nội dung, biện pháp sau:

Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, tổ chức, lực lượng đối với đổi mới PCLĐ của CTV ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hoạt động đổi mới PCLĐ của CTV ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị, các tổ chức đoàn, hội đồng quân nhân, cán bộ đảng viên trong quân đội. Vì thế, các chủ thể, tổ chức, lực lượng tham gia cần quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng và sự cần thiết, tính tất yếu khách quan phải đổi mới PCLĐ của CTV. Các chủ thể, lực lượng cần nhận thức đầy đủ những thuật lợi, khó khăn của quá trình đổi mới, nâng cao để phát huy vai trò trách nhiệm của mình đối với hoạt động này. Hơn nữa, nâng cao năng lực của các chủ thể, lực lượng trong tổ chức hoạt động đổi mới PCLĐ của CTV; thường xuyên kiên quyết đấu tranh khắc phục những nhận thức đơn giản, hành vi lệch lạc của các chủ thể, lực lượng đối với hoạt động đổi mới PCLĐ của CTV.

Hai là, xác định nội dung phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp đổi mới PCLĐ của CTV ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nội dung đổi mới PCLĐ của CTV cần tập trung vào: sử dụng phương pháp, cách thức giải quyết công việc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo đúng chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định và quyền hạn được giao; đổi mới cung cách làm việc khoa học, sáng tạo đảm bảo đúng nguyên tắc, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, có tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm chính trị cao, quyết đoán, cụ thể, sâu sát trong công tác. Thường xuyên đổi mới thực hành dân chủ, phương pháp vận động thuyết phục, trách nhiệm nêu gương, nói đi đôi với làm; đổi mới văn hóa ứng xử đúng mực, linh hoạt và mềm dẻo trong giải quyết các mối quan hệ công tác và sinh hoạt của chính trị viên trong mọi hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Thường xuyên kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, duy ý chí, nói không đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, dân chủ hình thức, bệnh thành tích, chủ nghĩa cá nhân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp đổi mới PCLĐ của CTV, nhất là thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; phải có quy chế làm việc rõ rang, đúng nguyên tắc; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị ở các đại đội, tiểu đoàn; tổ chức hội thi, hội thao, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Thông qua các hoạt động thực tiễn công tác đảng, công tác chính trị đòi hỏi các chính trị viên phải theo sát phương châm “… sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ đánh giá kết quả”.

Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng đối với đổi mới phong cách lãnh đạo của chính trị viên ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đổi mới PCLĐ của CTV không chỉ bó hẹp trong một chủ thể nhất định mà cần tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát huy thế mạnh của các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài đơn vị. Trước hết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần có chủ trương, biện pháp lãnh đạo “Đổi mới phương pháp, PCLĐ theo hướng tập trung, sâu sát, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả” (2); phát huy dân chủ phải đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đổi mới PCLĐ của CTV; chỉ đạo tự phê bình và phê bình nghiêm túc và rút kinh nghiệm lãnh đạo hoạt động đổi mới kịp thời. Người chỉ huy các cấp phải thường xuyên thông báo, bàn bạc và trao đổi công việc với CTV theo đúng quy định và chức trách nhiệm vụ được phân công; trao đổi, góp ý với chính trị viên về những hạn chế, bất cập trong phương pháp, cách thức, thái độ ứng xử; đồng thời phải thể hiện trách nhiệm, tình cảm, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau trong công tác, sinh hoạt. Qua đó, mỗi CTV thấy rõ việc trao đổi, tham gia góp ý của người chỉ huy là nhu cầu, nguyện vọng của bản thân cùng giúp đỡ nhau tiến bộ. Từ đó, CTV chủ động, tự giác điều chỉnh, hoàn thiện PCLĐ, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cung cách làm việc, sinh hoạt nhất là trong giải quyết các mối quan hệ công tác giữa lãnh đạo với quản lý, chỉ huy, điều hành; giữa tập thể và cá nhân. Đồng thời, thông qua việc chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân thực hiện nhiệm vụ hoặc liên hệ phối hợp công tác với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị bạn đòi hỏi CTV phải mềm dẻo, linh hoạt, cần lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh để hoàn thiện PCLĐ của bản thân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của chính trị viên trong tự bồi dưỡng, đổi mới phong cách lãnh đạo.

Kết quả đổi mới PCLĐ của CTV ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam xét đến cùng, có tính quyết định đến chất lượng, hiệu quả là sự nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để phong cách lãnh đạo ổn định trở thành đặc trưng tiêu biểu của chính trị viên. Do đó, chính trị viên phải đặt ra nhu cầu tất yếu của bản thân để từ đó vận động, phát triển, tự học, tự rèn, xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn, có khát vọng, có niềm tin vươn lên trong mọi điều kiện hoàn cảnh khó khăn, tập trung mọi nỗ lực cao nhất với thái độ nghiêm túc, cầu thị để tự bồi đắp những yếu tố cấu thành và phẩm chất để hoàn thiện phong cách lãnh đạo của bản thân mình. Muốn vậy, mỗi chính trị viên cần xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự nghiên cứu, rèn luyện phong cách lãnh đạo trong hoạt động thực tiễn ở đơn vị; phải thường xuyên “tự phê bình và phê bình”, phải thận trọng trong từng lời nói, việc làm, kiên quyết khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của bản thân, tự đánh giá, tự rút kinh nghiệm để hoàn thiện PCLĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, tránh tư tưởng thỏa mãn dừng lại hoặc tự ti, bảo thủ, trì trệ.

Năm là, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách đối với chính trị viên ở các Lữ đoàn Tăng, Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thường xuyên bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước, quân đội, đơn vị và nguyện vọng chính đáng của đội ngũ chính trị viên sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy bên trong và phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm các chủ thể, tổ chức, lực lượng tham gia đổi mới và sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện PCLĐ của CTV. Vì thế, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp cần bổ sung, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách đối với chính trị viên; đặc biệt quan tâm, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của đội ngũ chính trị viên và chính sách hậu phương quân đội, nhất là đội ngũ chính trị viên ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, hoặc khi thực hiện các nhiệm vụ đặc thù, phức tạp trong điều kiện khó khăn gian khổ để chính trị viên yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến cho đơn vị, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

Thượng tá, ThS Phan Tất Đạt, Giảng viên Khoa CTĐ, CTCT - Học viện Chính trị

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục chính trị, Học tập và làm theo phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.

2. Tổng cục Chính trị, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực