"Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng" tôn vinh những điển hình trong học tập và làm theo Bác

Thứ hai, 19/08/2019 21:18
(ĐCSVN) - Những tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác sẽ tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, để đất nước sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.

Tạo sức lan tỏa rộng khắp, mạnh mẽ trong toàn xã hội

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2019 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 19/8, tại Hà Nội.

Tại chương trình, các đại biểu đã được nghe anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Đại học Funix kể về 2 lần đặc biệt được “gặp" Bác Hồ. Anh Nam nhớ lại lần đầu tiên vào năm 1976 khi đang học lớp 8, anh làm quản ca của lớp và cùng bạn bè học bài hát “Nhớ ơn cụ Hồ” - bài hát đã theo anh suốt cả thời niên thiếu.

Anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Đại học Funix kể về 2 lần đặc biệt
được “gặp" Bác Hồ - Ảnh: Minh Châu

Lần thứ 2 được “gặp" Người là vào năm 2002 khi công ty anh mở thị trường xuất khẩu phần mềm vào Mỹ. Nhận thấy đây là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn vì người Việt thời điểm đó không giỏi ngoại ngữ và công nghệ thông tin nhưng đúng lúc đó anh Nguyễn Thành Nam đã được đọc cuốn sách của nhà sử học người Mỹ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên “Hồ Chí Minh a life”. “Tôi đã đọc một mạch cuốn sách và thấy khó khăn của tôi lúc đó không là gì so với khó khăn của Bác”, anh Nam bày tỏ.

Nhận thấy giá trị của cuốn sách, anh Nguyễn Thành Nam đã dành 2 năm để dịch sang tiếng Việt, đúc kết lại 5 bài học để bạn bè dễ dàng tiếp cận. Đó là: phải có mục tiêu rõ ràng; tuyệt đối tin tưởng vào nhân dân; thời và thế; học đi đôi với hành và quyền lực mềm. Nhờ nắm bắt và thực hành những bài học này, anh đã vượt qua những thách thức và gặt hái được thành công trong cuộc sống.

Được mệnh danh là một nhà Thái học với nhiều tâm huyết trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái, nhà nghiên cứu văn hóa Sầm Văn Bình, bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã chia sẻ động lực để ông theo đuổi con đường này.

“Năm 2004 dù là người Thái nhưng nhìn chữ Thái chính tôi cũng không biết. Sự thật này khiến tôi phải tìm hiểu về chữ viết của dân tộc mình. Đến năm 2017, tôi đã hoàn thành từ điển Thái – Việt gồm 14 nghìn từ”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Sầm Văn Bình cho biết nhà ông cũng như rất nhiều gia đình trong bản
đều dành vị trí trang trọng nhất trong nhà để treo ảnh Bác Hồ - Ảnh: Minh Châu

Nói về Bác Hồ, nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình còn nhớ như in từ nhỏ gia đình ông đã treo ảnh Bác Hồ. Không riêng gì nhà ông, trong bản, nhiều gia đình cũng chọn vị trí trang trọng nhất trong nhà để treo ảnh Bác. Cũng nhờ nghiên cứu về chữ Thái, ông đã phát hiện ra chi tiết rất thú vị khi có dòng chữ Thái thay vì ghi năm theo cách thông thường đã lựa chọn cách ghi “niên đại Hồ Chí Minh năm thứ 2 ” – tức năm 1946 để lưu dấu.

Dành trên 40 năm nghiên cứu cuộc đời, tư tưởng sự nghiệp của Bác, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã kể hàng nghìn câu chuyện về Người. Tại buổi giao lưu, GS.TS Hoàng Chí Bảo một lần nữa khẳng định, cả cuộc đời của Bác sống vì dân, vì nước. Chỉ riêng cái tên của Bác là Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Ái Dân đã thể hiện lẽ sống, tấm lòng yêu nước, thương dân của Người.

GS cho biết, trong số 700 lần đến với dân, riêng dịp giao thừa, ngày Tết của dân tộc, Bác luôn dành sự quan tâm đến hai đối tượng đó là những trí thức danh tiếng vì Bác trọng người tài và người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đến phút lâm chung Bác đã khóc, vì Bác không nỡ bỏ dân mà đi được.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao bằng khen cho điển hình đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ảnh: Minh Châu

Đến từ ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, học Bác với tấm lòng yêu thương bao la, người nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi Ngô Văn Đậu đã dành số tiền tích cóp được để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Từ việc tặng gạo, tặng tiền tới xây nghĩa trang, hiến đất mua xe cứu thương cho bà con bị bệnh đến viện được thuận lợi. Tất cả những việc làm ấy, anh làm với tất cả cái tâm và tấm lòng chân thành vì: "Tôi thấy mình cần noi gương Bác nên thấy bà con hoạn nạn là mình hết lòng giúp".

Khán giả có mặt tại chương trình cũng được gặp Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”. “Tôi học ở những tấm gương người tốt việc tốt quanh tôi. Tôi thi đua với chính tôi. Hôm nay làm việc này đã tốt, ngày mai tôi phải làm tốt hơn. Với tinh thần, nhiệt huyết chiến thắng chính mình”, người thầy giáo sinh năm 1940 tâm sự.

Mắc bệnh phong ở tuổi 30, giờ đây, đôi bàn tay của nhà giáo Nguyễn Đức Thìn đã hoàn toàn không có cảm giác, không còn xòe ra được. Ông vẫn cầm bút gõ máy tính và tiếp tục sáng tác thơ, văn, viết báo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương.

Việc làm của những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc góp phần quan trọng vào việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, củng cố nền tảng tư tưởng và đạo đức cho toàn xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về việc tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái phấn đấu, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực