Tháng Năm nhớ Bác!

Chủ nhật, 14/05/2017 18:32
(ĐCSVN) – Nhân dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017), chúng ta có dịp ôn lại những kỷ niệm sâu sắc mà Bác Hồ dành cho Hải Phòng. Đó là sự quan tâm đặc biệt với 9 lần về thăm, đồng thời Người thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi, khen ngợi, động viên Đảng bộ, quân và dân Thành phố.

 

Ngày 30-3-1959, Bác thăm Hải Phòng lần 4. 
Người nói chuyện thân mật với nhân dân huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng - ảnh: Tư liệu.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Vào những năm 20 thế kỷ trước, với lợi thế có cảng biển, một cửa ngõ giao lưu quan trọng giữa nước ta với nước ngoài, nên Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên được người chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Ái Quốc truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Người đã dựa vào các thủy thủ yêu nước như: Hoàng Độc (già Một), Bùi Lâm… để gửi báo Người Cùng khổ (Le Paria) (do Người làm chủ nhiệm kiêm chủ bút), sách Bản án chế độ thực dân Pháp (viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Paris), vở hài kịch "Con rồng tre" lên án vua bù nhìn Khải Định… Bác rất am hiểu tình hình Hải Phòng. Trong các tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Ban Phương Đông, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương”…, Người đã có những nhận xét khá sâu sắc với những dẫn chứng cụ thể, đầy sức thuyết phục về tình trạng công nghiệp, về chế độ bóc lột của tư bản Pháp, về các cuộc đấu tranh của thợ thuyền và lao động Hải Phòng.

Từ đầu năm 1926 đến tháng 4/1927, được sự giúp đỡ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ cách mạng ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam. Những bài giảng của Người được tập hợp trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" - văn kiện lý luận cách mạng đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho việc thành lập Đảng. "Đường Kách mệnh" được đồng chí Nguyễn Lương Bằng, biệt hiệu Sao đỏ mang về giấu ở ngõ Gạo, phố Baty (nay là phố Lý Thường Kiệt, quận Hồng Bàng) và được bí mật nhân bản gửi đi nhiều nơi trong cả nước.

Dù còn đang hoạt động ở nước ngoài, Người vẫn theo dõi sát sao tình hình và chỉ đạo phong trào cách mạng chung của cả nước, trong đó có phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nhân dân lao động Hải Phòng. Nhiều bài viết của Người trong thời gian này đã có những nhận định chính xác về phong trào đấu tranh của công nhân, thuỷ thủ và các tầng lớp lao động thành phố để chống lại áp bức bóc lột của chế độ thực dân Pháp.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và khi trực tiếp về nước lãnh đạo cuộc cách mạng của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho Hải Phòng một sự quan tâm sâu sắc. Người đánh giá cao thắng lợi cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi Hải Phòng, đó chính là nguồn cổ vũ, động viên nhiều phong trào yêu nước của nhân dân Hải Phòng trong các cao trào cách mạng: 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945.

Trong kháng chiến chống Pháp

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hải Phòng cùng cả nước bước vào thời kỳ cách mạng mới: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Trong khi vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, trước bộn bề công việc phải lo toan trong những ngày đầu độc lập, Bác vẫn dành sự quan tâm sâu sắc cho Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng. Ngày 24/12/1945, Người tiếp đoàn đại biểu phụ lão Hải Phòng do cụ Thi Sơn dẫn đầu, thay mặt các tầng lớp nhân dân Hải Phòng lên Thủ đô “Xin yết kiến Cụ Hồ”. Trong buổi nói chuyện thân tình với các cụ về vận nước, chính sách đại đoàn kết dân tộc, vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc nước, Người mong các cụ “làm gương cho con cháu” noi theo. 

Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường thăm chính thức nước Pháp, Người giao trách nhiệm cho đồng chí Đỗ Trọng Giang - phóng viên báo Dân Chủ, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh miền biển - chuyển lại cho nhân dân Hải Phòng lời căn dặn: “Đoàn kết, kỷ luật, công tác” . Lời căn dặn ngắn gọn nhưng gói trọn những nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu đối với đồng bào Hải Phòng, cũng như nhân dân miền biển Bắc bộ khi ấy.

Ngày 20/10/1946, sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Bác Hồ trở về nước, đặt chân lên bến Ngự - Cảng Hải Phòng. Trước khi về Thủ đô Hà Nội vào ngày hôm sau để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo đất nước bước vào cuộc chiến đấu, Người dành thời gian làm việc, chỉ đạo và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thành phố. Đây cũng là lần thứ nhất, Hải Phòng được đón Bác về thăm.

Nói chuyện với đồng bào tại cuộc mít tinh do Ủy ban hành chính Thành phố tổ chức tại vườn hoa bên sông Lấp, Bác nói: “Trong 4 tháng 20 ngày, đồng bào nhớ tôi và tôi cũng trong 4 tháng 20 ngày tôi nhớ đồng bào”. Người bày tỏ sự hài lòng và biểu dương đồng bào đất Cảng đã hết sức đoàn kết, giữ vững kỷ luật, ra sức ủng hộ Chính phủ, ủng hộ khối liên hiệp quốc dân, giữ vững đê điều, hăng hái theo đời sống mới… Người động viên, căn dặn: “Hải Phòng có nhiều công việc khó khăn, song nhờ các cụ, các anh chị em tự vệ, công an chịu khó đoàn kết nên đã qua cơn sóng gió, đồng thời giúp vào việc kiến thiết, giúp Chính phủ, giúp nước như thế là rất quý. Vì vậy, nhờ các cụ đi trước làm gương, anh chị em đồng tâm hiệp lực thì chắc chắn thành phố Hải Phòng sẽ trở thành thành phố gương mẫu của nước ta”. Những lời căn dặn của Bác đã tiếp thêm sức mạnh và chỉ ra những nhiệm vụ cần kíp mà Đảng bộ, quân và dân thành phố phải làm để chống lại âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Đúng một tháng sau khi Hồ Chủ tịch thăm nước Pháp về đến Hải Phòng, ngày 20/11/1946, quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành phố. Quân và dân Hải Phòng kiên cường chiến đấu để bảo vệ đất Cảng, tiêu biểu là trận đánh ở Nhà hát lớn thành phố ngày 20/11/1946... Với tinh thần quyết tử, các chiến sỹ do Trung đội trưởng Đặng Kim Nở chỉ huy đã chiến đấu kiên cường, làm nên bản anh hùng ca bất diệt, tiêu biểu cho khí phách và truyền thống anh dũng của người dân đất Cảng. Trận chiến đấu ngày 20/11/1946 tại Nhà hát thành phố mãi mãi đi vào lịch sử, là mốc son chói lọi và trở thành ngày truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang Hải Phòng hôm nay. 

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “...Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!...”. Lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch là mệnh lệnh chiến đấu của Tổ quốc. Quân và dân Liên tỉnh Hải - Kiến cùng với cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, Hải Phòng luôn là chiến trường nóng bỏng, nơi đọ sức quyết liệt với kẻ thù xâm lược. Từ thành thị đến nông thôn, mỗi khu phố, mỗi làng xã thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ anh dũng chiến đấu ngay trong lòng địch. 

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Người theo dõi sát sao từng trận đánh, thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi khen ngợi mỗi chiến công, biểu dương mỗi gương chiến đấu dũng cảm, chia sẻ và động viên kịp thời trước mỗi khó khăn, định hướng cho mỗi bước đi lên của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng. Ngày 21/10/1947, Bác viết thư khen ngợi hai cụ già du kích Kiến An có thành tích giết giặc: “Hai cụ thật xứng đáng với tổ tiên oanh liệt của ta, các phụ lão đời Trần, đời Lê, chẳng những kêu gọi con cháu, mà tự mình hǎng hái tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước”. Khi biết tin du kích thiếu niên Đỗ Văn Sinh (xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) dũng cảm, quên mình, mưu trí bảo vệ cán bộ, Bác Hồ viết tặng cậu bé dũng cảm bài thơ “Giữ bí mật bảo vệ cán bộ” (đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 29/5/1952, sau đó được Đài Tiếng nói Việt Nam phát lại nhiều lần).

Cuối những năm kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang thành phố đã cùng nhân dân tổ chức các trận chống càn oanh liệt ở Tiên Lãng; nhiều trận tập kích lớn vào thị xã Kiến An, Sở Dầu, sân bay Đồ Sơn, sân bay Cát Bi. Đặc biệt là trận tập kích sân bay Cát Bi, đã phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Ngày 29/9/1953, Bác gửi thư thăm hỏi và động viên đồng bào, chiến sĩ và cán bộ huyện Tiên Lãng. Ngày 01/10/1953, Bác gửi thư khen Trung đoàn 42, Trung đoàn 50 cùng các đơn vị bộ đội và dân quân du kích Tả Ngạn; Bác gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân bay danh hiệu “Đoàn dũng sỹ Cát Bi”. Mỗi lá thư, mỗi lời động viên và nhắc nhở kịp thời của Bác đã tiếp thêm ý chí, niềm tin và sức mạnh, thôi thúc quân dân Hải Phòng lập thêm nhiều chiến công tiến tới ngày toàn thắng.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng lại bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến đấu “300 ngày giải phóng quê hương”. 300 ngày đêm oanh liệt chống mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân Hải Phòng đã đập tan ý đồ phá hoại thành phố Cảng, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ của thực dân Pháp và bọn tay sai, bảo vệ vững chắc thành phố.

Ngày 13/5/1955, thành phố Hải Phòng đã được giải phóng hoàn toàn, góp phần quan trọng vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng và khen tặng quân, dân Hải Phòng lá cờ thêu hai chữ “Trung dũng”.

Chia sẻ niềm vui lớn lao với đồng bào, Người viết: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, nay Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa Xuân. Hàng vạn đồng bào già trẻ gái trai, đủ các tầng lớp, tủa ra hoan nghênh bộ đội, cán bộ. Nét mặt mọi người sung sướng vui mừng như mùa Xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu, đã kết quả vẻ vang: Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, Hải Phòng đã giải phóng hoàn toàn”.

Trong kháng chiến chống Mỹ

Trong niềm vui giải phóng, Hải Phòng tiếp tục bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ mới. Ngày 18/5/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài đăng trên báo Nhân Dân, nói về nhiệm vụ của Hải Phòng sau khi được giải phóng “Mọi người, mọi ngành phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, để khôi phục kinh tế miền Bắc và giúp đỡ đồng bào miền Nam đấu tranh… Mọi người phải giúp sức vào việc củng cố quốc phòng; mọi người không được thoả mãn, tự kiêu, mà phải tỉnh táo ngăn ngừa kẻ địch phá hoại”. Và chưa đầy 20 ngày sau khi thành phố được giải phóng, ngày 2/6/1955, Bác Hồ về thăm, động viên quân dân Hải Phòng lần thứ hai. Sau khi thăm một đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, Bác gặp gỡ và nói chuyện với 300 đại biểu, cán bộ, đảng viên, quân và dân Hải Phòng tại Nhà hát thành phố. 

Người chỉ rõ: “Bây giờ trong hòa bình, chúng ta đoàn kết, cố gắng, chúng ta có sức, có vốn và có quyết tâm chúng ta lại có bạn giúp, cho nên chúng ta nhất định vượt được khó khăn, đi đến thắng lợi”. Người căn dặn bộ đội và công an “phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, khinh địch, phải dựa vào lực lượng nhân dân, phải làm cho mỗi người dân hiểu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”. Người căn dặn trí thức phải “thi đua xây dựng lại nền văn hóa dân tộc của ta, tẩy trừ văn hóa trụy lạc của đế quốc, giáo dục con em trở thành những công dân tốt ”. Người căn dặn công nhân “phải ra sức thi đua tăng năng suất... thi hành đúng kỷ luật lao động. Đó là con đường đi đến cải thiện đời sống cho nhân dân và cho giai cấp mình”. Người khuyên các cháu nhi đồng “nên ngoan ngoãn, chăm học, siêng làm, giúp đỡ cha mẹ, thương yêu bạn bè”. Người mong các cụ phụ lão “dạy bảo, khuyến khích con cháu thi đua làm trọn nghĩa vụ”…

Từ sau năm 1955 đến 1963, Bác Hồ còn 7 lần về thăm, làm việc, động viên đảng bộ, quân và dân thành phố. Bác đến thăm các đơn vị Cảng Hải Phòng, Nhà máy xi măng, Nhà máy Cơ khí Duyên hải, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, huyện đảo Cát Bà, đón Việt kiều về nước… Bác quan tâm, phát động và cổ vũ phong trào thi đua xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, cải tiến kỹ thuật, “Sóng Duyên hải”, “Tổ đá nhỏ ca A”… Bác dành thời gian thăm các cụ già, em nhỏ, nhắc nhở mọi người đoàn kết phấn đấu, phát huy truyền thống “Trung dũng”, quyết thắng trong các nhiệm vụ mới, xây dựng Hải Phòng thành “Thành phố gương mẫu của nước ta”.

Sau này, dù không có điều kiện trực tiếp về thăm Hải Phòng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi, khen ngợi cán bộ và bộ đội Hải Phòng đã chiến đấu dũng cảm, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Ngày 20/4/1967, Bác gửi thư khen: “Quân và dân Hải Phòng đã đánh thắng vẻ vang, trừng trị đích đáng bước leo thang mới đầy tội ác của đế quốc Mỹ. Quân và dân thành phố Cảng đã đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, giữ gìn trật tự trị an tốt. Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, cán bộ và bộ đội Hải Phòng”. Người cũng nhắc nhở đồng bào, cán bộ và bộ đội không được vì thắng lợi mà chủ quan, phải làm tốt hơn nữa công tác phòng không nhân dân, đánh giỏi, thắng lớn hơn nữa “Giặc Mỹ hung ác, chúng còn âm mưu đánh phá Hải Phòng nhiều nữa. Quân và dân Hải Phòng cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, chiến đấu giỏi hơn nữa, sản xuất giỏi hơn nữa, bảo vệ trật tự trị an tốt hơn nữa và lập nhiều thành tích hơn nữa”.

Ngày 29/4/1967, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng vinh dự được Bác ký lệnh thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Toàn Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng tổ chức học tập thư của Bác. Thư của Bác được chuyền tay tới các chiến sĩ trên mâm pháo, đến với công nhân trong xưởng máy, với nông dân trên cánh đồng 5 tấn. Mọi người, mọi ngành quyết tâm sản xuất, công tác, đánh giỏi thắng lớn, lập công dâng Bác, mừng ngày sinh lần thứ 77 của Người.

Ngày 15/3/1968, sau cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân, quân dân Hải Phòng lại được Bác gửi thư khen: “...Ngày 06/3/1968, quân dân Hải Phòng đã bắn rơi 200 máy bay Mỹ, góp phần vào chiến công bắn rơi gần 2.800 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Thành tích đó rất vẻ vang. Quân và dân Hải Phòng đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, chiến đấu dũng cảm, làm tốt công tác giao thông vận tải, trật tự trị an và phòng không nhân dân. Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ khen ngợi các đồng chí và đồng bào Hải Phòng.. .Quân và dân Hải Phòng hãy ra sức thi đua với quân và dân miền Nam anh hùng, nâng cao cảnh giác, sản xuất tốt hơn nữa, chiến đấu giỏi hơn nữa, sát cánh cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Hải Phòng vinh dự được Bác tặng lá cờ mang dòng chữ vẻ vang “Trung dũng quyết thắng”…

Sau ngày thống nhất đất nước

 Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng bộ Hải Phòng đã lãnh đạo quân và dân thành phố nhanh chóng bắt tay khắc phục vết thương chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới. Chỉ trong một thời gian không dài, từ một thành phố bị tàn phá nặng nề, Hải Phòng đã khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng khôi phục sản xuất, mở rộng giao lưu kinh tế với các địa phương trong nước và giao lưu quốc tế. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hải Phòng đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, từng bước ổn định và phát triển đi lên, xây dựng thành phố “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trên cơ sở nhận thức ngày càng đầy đủ hơn vị thế, các tiềm năng, lợi thế, vận dụng và thực hiện sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, cùng với việc đi đầu và thực hiện thành công khoán sản phẩm trong nông nghiệp, một trong những cơ sở quan trọng để Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100, sau đó Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, mở ra bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã giành được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng tự tin và phát triển.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, với sự nỗ lực cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, Hải Phòng đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhiều lĩnh vực có sự đột phá. Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GDP) tăng 11%, mức cao nhất trong nhiều năm qua, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Hải Phòng vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 2,7 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển vượt bậc với nhiều công trình lớn: đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được đưa vào sử dụng. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu đường bộ Tân Vũ - Lạch Huyện đang được tập trung cao để hoàn thành đúng kế hoạch…

Hải Phòng đang trên đường trở thành thành phố trung tâm, một đầu mối giao thương của cả nước và quốc tế. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được quan tâm, chỉ đạo với cách làm mới, sáng tạo theo phương châm thiết thực, hiệu quả. Công tác quân sự quốc phòng trên địa bàn thành phố được bảo đảm, chủ quyền biển, đảo được tăng cường. Trật tự trị an xã hội có nhiều tiến bộ. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội được quan tâm. Công tác xây dựng đảng, chính quyền có nhiều đổi mới. Những kết quả nổi bật trên đã nâng cao hình ảnh và uy tín của thành phố Hải Phòng, tạo niềm tin và phấn khởi trong nhân dân thành phố. Một Hải Phòng năng động, sáng tạo, cởi mở, thân thiện đang dần được khẳng định.

Hiện nay, Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng đang tích cực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách cùng tình cảm và những lời căn dặn của Bác là nguồn động lực tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên, quân và dân Hải Phòng thêm vững vàng bản lĩnh, tăng thêm nghị lực, phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng, đoàn kết phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành “thành phố gương mẫu của nước ta”, “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác dặn./.
___________________

Tài liệu tham khảo;

1. Bác Hồ với Hải Phòng - Nxb Hải Phòng, năm 2001,

2. Lịch sử Đảng bộ TP. Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, năm 1994,

3. Kỷ yếu Hội thảo "Bác Hồ với Hải Phòng" do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng tổ chức - năm 2014.

Nguyễn Hữu Doãn - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực