Phẩm chất cao đẹp của Người là nguồn động lực để phấn đấu rèn luyện

Thứ sáu, 24/08/2012 14:18

Đã 43 năm kể từ ngày được vinh dự gặp Bác Hồ nhưng những hình ảnh và câu nói của Bác vẫn luôn in đậm trong trái tim của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Phước Liệu. Chính phẩm chất cao đẹp của Người đã truyền cho ông động lực để phấn đấu rèn luyện trong suốt những năm tháng gian khổ nhất của cuộc chiến tranh cũng như trong cuộc sống đời thường hiện nay.

Sinh năm 1950 ở một miền quê thuộc xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ông đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng. Năm 14 tuổi, chàng thiếu niên Mai Phước Liệu đã nổi tiếng cả vùng không chỉ vì là du kích nhỏ tuổi nhất của xã mà còn vì đã tự tay bắn rơi 1 chiếc máy bay của giặc Mỹ và tiêu diệt 40 tên địch khi chúng tổ chức đi càn qua đây. Đầu năm 1967, ông tham gia lực lượng quân đội địa phương và đã trực tiếp chỉ huy trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 vào quận lỵ Điện Bàn, giáng một đòn mạnh mẽ vào lực lượng quân địch. Với những thành tích xuất sắc, năm 1968 ông Liệu được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được cử ra Bắc học tại Trường Văn hoá Nguyễn Văn Trỗi, đây cũng là thời điểm ông có cơ hội được vinh dự gặp Bác Hồ.

Ông Liệu vẫn còn nhớ như in vào một buổi chiều tháng 4/1969, đồng chí lớp trưởng đã đề nghị 6 đồng chí là những dũng sĩ diệt Mỹ ở miền Nam đang theo học ở trường chuẩn bị xuống Hà Nội gặp cấp trên. Chiếc xe trở các học viên chạy thẳng tới Phủ Chủ tịch, trong không gian rộng lớn của phòng khách lúc đó có đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Vũ Kỳ. Một lúc sau Bác Hồ bước vào phòng với bộ quần áo kaki giản dị. Bác vẫy tay chào và hỏi thăm từng người. Mọi người rất ngạc nhiên vì lần đầu được gặp Bác nhưng Bác biết rất rõ thông tin về từng người. “Khi bác tới tôi, Bác ân cần hỏi: cháu có phải là Mai Phước Liệu không? Tại sao cháu đánh giặc giỏi thế? Tôi trả lời: thưa Bác, cháu không đánh Mỹ thì nó giết hết đồng bào mình bác ạ. Bác lại hỏi: Quê cháu ở đâu? Tôi đáp: Quê cháu ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bác nói: Quê cháu là anh hùng lắm, có anh hùng Trần Thị Lý, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi cháu phải phát huy truyền thống của quê hương” - ông Liệu nhớ lại. Sau buổi nói chuyện, đoàn được đi thăm nhà sàn và ăn cơm cùng với Bác. Khi ra về Bác Hồ đã tặng mỗi học viên một cây bút mực và gửi bánh kẹo về cho các bạn trong lớp. Đồng thời Bác căn dặn, “Bác cháu ta phải đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào để nước nhà sớm thống nhất Bác còn vào thăm miền Nam .”

Mặc dù, chỉ được gặp Bác trong một thời gian ngắn nhưng đọng lại trong ông rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ phải ra sức học tập theo lời Bác dạy. Sau khi học xong văn hóa, tháng 4/1972 ông Liệu xung phong vào chiến trường Quảng Trị trực tiếp tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông Liệu đã lập nên nhiều chiến công trong đó đã tiêu diệt 1 xe tăng M148 của Mỹ. Sau đó, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam. Khi nước nhà thống nhất ông đã qua nhiều chức vụ khác nhau trong quân đội và có 10 năm tham gia quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia, ở vị trí công tác nào ông vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ.

Năm 2009, ông nghỉ công tác và dành thời gian để tham gia các hoạt động xã hội. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Từ thiện TP. Đà Nẵng để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Từ năm 2005 đến nay ông Liệu đã thực hiện nhiều chuyến hành trình về các chiến trường xưa để tìm kiếm và cất bốc 14 bộ hài cốt của đồng đội đưa về quê hương. Tuy đã bước sang tuổi 62, là thương binh loại 3/4 và thường xuyên chịu những cơn đau do di chứng của chất độc da cam để lại nhưng ông vẫn luôn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của quê hương. Ông chia sẻ, “học tập và làm theo tấm gương của Bác phải bắt đầu từ những công việc nhỏ hàng ngày và đó là một qua trình rèn luyện suốt đời để tự hoàn thiện bản thân.” Năm 2012, ông Mai Phước Liệu đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng theo người cựu chiến binh này phần thưởng cao quý nhất đối với cuộc đời ông chính là lần được vinh dự gặp Bác Hồ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực