Thăng trầm những làng nghề truyền thống ở Ân Thi

Thứ tư, 13/01/2010 10:47
 

(ĐCSVN) -Huyện Ân Thi nằm ở phía đông của tỉnh Hưng Yên, không chỉ nổi tiếng với vựa lúa dồi dào, với di tích đền Ủng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão mà còn nổi tiếng bởi những làng nghề truyền thống. Trong từng giai đoạn, làng nghề góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây những làng nghề truyền thống có tiếng của huyện như: Nón lá Mão Cầu, chạm bạc Phù Ủng… đang phải đối mặt với không ít những khó khăn và thách thức.

Đã tồn tại hơn 60 năm trên mảnh đất này, nghề làm nón lá cũng có lúc thịnh lúc suy, nhưng dù thịnh hay suy, làng nghề Mão Cầu (xã Hồ Tùng Mậu) hình như không bao giờ vắng bóng người khâu nón. Trong nhà, ngoài cổng, trước cổng đình, thậm chí trước cổng chợ thật dễ dàng bắt gặp dăm bảy bà, cô, chị hay các cô cậu học sinh đang khâu nón. Tay làm, miệng nói, câu chuyện của họ luôn rôm rả. Tiếng xoèn xoẹt của kéo cắt lá lẫn trong tiếng kim khâu nón. Chừng ấy âm thanh, màu sắc đã mang hết đặc trưng của vùng đất này và có lẽ ta cũng chỉ có thể tìm thấy chúng ở “quê nón” mà thôi. Tỉ mẩn, cẩn thận trong từng đường khâu là bí quyết khiến nón lá Mão Cầu bền, đẹp, chắc. Nón bán chạy nhất vào những tháng hè, còn vào mùa mưa, tuy bán chậm hơn nhưng người dân ở đây quanh năm không khi nào hết việc, cứ rời tay cày tay cuốc là họ lại ngồi quây quần bên nhau, vừa trò chuyện vừa đan nón. Nhiều hộ được thương lái đến đặt hàng và thu mua tại chỗ, số hộ còn lại mang bán ở các chợ trong tỉnh. Nón đẹp thường được chủ thu mua gom lại, bán vào tận miền Nam và các tỉnh lân cận. Nón lá Mão Cầu có các mức giá cơ bản từ 15.000 đến 40.000 đồng/chiếc. Vành nón làm bằng nứa, sau khi lên vành, lên nón người ta bắt đầu khâu, sau đó nức và đính nóc. Chiếc nón cơ bản hoàn thiện. Trừ chi phí nguyên vật liệu (lá, nứa, cước và một số phụ kiện) từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/chiếc, người làm nón thu được số tiền lãi từ 10.000 đến 20.000 đồng, người thạo việc có thể thu nhập từ 30.000 đến 50.000 đồng/ngày. Toàn thôn Mão Cầu có hơn 3000 nhân khẩu thì có tới hơn 2.000 người chuyên làm nón, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ và phụ nữ. Ngoài ra, những lúc nông nhàn hay rỗi việc, số người làm nón có thể lên đến gần 3.000 người. Năm 2008, thu nhập từ nghề nón của thôn đạt hơn 1 tỷ đồng. Con số ấy đã và đang góp phần đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và vươn lên khá giả cho nhiều hộ trong thôn Mão Cầu, đồng thời góp phần xây dựng cơ sở vật chất nhằm thay đổi diện mạo vùng quê này.

Thôn Huệ Lai, xã Phù Ủng (Ân Thi) những năm gần đây có nhiều đổi thay chính là nhờ nghề chạm bạc, sản xuất các sản phẩm trang sức bằng bạc, vàng tây phục vụ nhu cầu thị trường khắp trong Nam ngoài Bắc. Để có một vị thế trên thị trường cũng như uy tín về sản phẩm như hôm nay, người thợ chạm bạc thôn Huệ Lai đã phải trải qua nhiều vất vả khó khăn. Ban đầu nghề phát triển chỉ là hình thức tự phát với quy mô nhỏ lẻ ở một số gia đình, dần dần mọi người thấy được hiệu quả của nghề, giải quyết việc làm cho số lao động dư thừa của thôn, nên có nhu cầu học nghề và làm việc tại các xưởng sản xuất vàng bạc thủ công trong thôn. Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cho ngành nghề phát triển. Sản phẩm của làng nghề bao gồm các mặt hàng trang sức vàng bạc trên thị trường như: dây chuyền, xuyến, nhẫn... Tuy tổ chức sản xuất vẫn mang tính thủ công đơn giản, nhưng mỗi sản phẩm có quy trình riêng, sự bố trí từng khâu công việc khá nhịp nhàng, linh hoạt và khoa học, đòi hỏi ở người thợ đôi bàn tay khéo léo và sự thuần thục trong từng sản phẩm. Năm 1998, do xu thế ngày càng phát triển của nghề, HTX chạm bạc Phù Ủng được thành lập, do ông Đỗ Xuân Chuyển làm chủ nhiệm. Sự ra đời của HTX đã tạo điều kiện tốt để thu hút thành viên tham gia, bảo đảm bao tiêu sản phẩm. Hiện HTX có 48 thành viên với tổng số 192 lao động, với doanh thu một năm đạt gần 2 tỷ đồng. Thợ tay nghề cao có thu nhập 1,3 – 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định, đồng thời giúp giải quyết nguồn lao động tại chỗ vốn khá đông của địa phương.

Tuy nhiên, những người làm nón Mão Cầu và chạm bạc Phù Ủng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Hiện nay, trong xu thế chung cả hai làng nghề đều bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế, đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Ông Phạm Như Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Tùng Mậu, cho biết: Sản phẩm nón lá vẫn chủ yếu được tiêu thụ theo lối nhỏ lẻ, giá cả lên xuống theo mùa trong khi nón làm ra lại khó bảo quản. Còn khi kể về bước tiến, thành tựu của làng nghề chạm bạc, ông Đỗ Xuân Chuyển, Chủ nhiệm Hợp tác xã chạm bạc Phù Ủng vẫn không giấu được những trăn trở. Theo ông, làng nghề hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn. Trước hết là về mặt nguyên liệu: nguồn vàng, bạc, đồng thu mua trôi nổi trên thị trường, không ổn định, xăng ga tăng cao ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm. Đây lại là mặt hàng lưu niệm, không phải là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, tiếp cận thị trường khó khăn nên đơn đặt hàng không đều, dẫn đến việc không chủ động trong sản xuất. Vốn "mỏng", chủ yếu là huy động các xã viên, ít được các chính sách ưu đãi vay vốn do sản xuất còn manh mún. Mặt khác sản xuất vàng bạc thường có những hóa chất khó phân huỷ như axit, muội vàng bạc không chỉ ô nhiễm môi trường không khí mà còn rất nguy hiểm đối với sức khỏe người lao động.

Để tháo gỡ những khó khăn cho những làng nghề, các cấp, các ngành và địa phương cần có những giải pháp phù hợp như hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, giúp các làng nghề tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực quản lý với hy vọng các làng nghề sẽ có được nguồn lực và sức sống mới.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực