1.090 nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ được triển khai tại vùng Đông Nam bộ

Thứ năm, 26/10/2017 19:25
(ĐCSVN) – Giai đoạn 2015 - 2017, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ đã đạt được những kết quả ấn tượng, với 1.090 nhiệm vụ, dự án KH&CN cấp tỉnh được triển khai.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết

Con số trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ lần thứ XIV do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức trong hai ngày 25-26/10, tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội nghị là dịp đánh giá kết quả hoạt động KH&CN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2015 – 2017 và đề xuất những định hướng, giải pháp hoạt động KH&CN trong giai đoạn tới có tính chất liên tỉnh, có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả hơn.

Theo báo cáo, Đông Nam bộ là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nơi đây hội tụ đầy đủ các điều kiện, lợi thế nổi trội để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, điện tử - tin học, dầu khí, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng, triển khai KH&CN; đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Phát huy những lợi thế sẵn có, các tỉnh, thành phố trong Vùng đã tập trung vào đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ cao như: chíp điện tử, vật liệu nano, robot, công nghệ tạo mẫu nhanh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y - dược, xử lý môi trường và một số lĩnh vực mũi nhọn như: thủy - hải sản; khảo nghiệm các loại giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hoá, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, quy mô công nghiệp và trang trại, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cụ thể, tỉ lệ các đề tài ở lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 32,3%; Y - dược 20%; Khoa học nông nghiệp 19%; Khoa học xã hội 15,7%; Khoa học nhân văn 6,6%; Khoa học tự nhiên 6,4%. Các địa phương trong Vùng đã dành khoảng 65-70% kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%.

Đông Nam bộ đang là vùng đứng thứ hai cả nước về số doanh nghiệp mới thành lập, trong đó số doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước. Hoạt động KH&CN của vùng luôn xác định doanh nghiệp là đối tượng trung tâm, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là yếu tố cốt lõi nên đã tạo được những bứt phá về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại thành công cho các doanh nghiệp. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất được chú trọng và triển khai mạnh mẽ tại một số địa phương, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, đã đánh giá cao các kết quả KH&CN các tỉnh, thành phố trong Vùng đã đạt được.

Thứ trưởng cho biết, Đông Nam bộ là khu vực phát triển năng động nhất ở Việt Nam. Đây cũng là khu vực tập trung lực lượng lao động có trình độ cao, trung tâm thu hút đầu tư của nước ngoài. Đồng thời, là khu vực mà tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu rất lớn. Do vậy, Bộ KH&CN đã có một số quyết sách cũng như đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và doanh nghiệp trong vùng. Ví dụ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) ở TP. Hồ Chí Minh là đơn vị được đầu tư lớn về trang thiết bị là minh chứng cụ thể về sự đồng hành của Bộ KH&CN đối với sự phát triển của Vùng.

Chủ đề khởi nghiệp và ĐMST là một chủ trương sáng suốt của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Bộ KH&CN cũng bắt đầu đẩy mạnh hoạt động này từ năm 2016. Sau Đề án 844, chúng ta đang có những liên kết với các chuyên gia nước ngoài và các quốc gia hàng đầu thế giới về khởi nghiệp. Chúng ta đang vừa làm, vừa học, vừa trao đổi, vừa tổng kết và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Quyết định 844 và là một trong những địa phương đã ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành hệ sinh thái ĐMST và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.

Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức sự kiện tuần lễ Đổi mới sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú. Một số địa phương khác như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước,… cũng đã có các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả. Đây là môi trường chúng ta có thể đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, và chỉ như thế thì khu vực Đông Nam bộ cũng như Việt Nam sẽ trở thành nơi sáng tạo từ nghiên cứu, triển khai và đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm tổ chức quản lý hoạt động KH&CN, các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động KH&CN; những giải pháp phát triển các loại hình vườn ươm công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Vùng cũng như ở từng tỉnh thành theo tinh thần Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; gắn các hoạt động khởi nghiệp, ĐMST với phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương.../.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực