Cần nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút, trọng dụng trí thức, nhân tài

Thứ tư, 13/12/2023 16:53
(ĐCSVN) - Trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xây dựng đội ngũ trí thức chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII.
 

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc trò chuyện với  PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội xung quanh chủ đề này.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc trò chuyện với  PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TQ

Phóng viên (PV): ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đại học uy tín hàng đầu của Việt Nam, có lực lượng đội ngũ trí thức hùng hậu. Đồng chí có thể đánh giá một số thành tựu nổi bật mà đội ngũ trí Đại học Bách khoa Hà Nội góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước thời gian qua?

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: Trong sự nghiệp phát triển đất nước thời gian qua, đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" năm 2008, sau 15 năm thực hiện, đội ngũ trí thức ĐH Bách Khoa Hà Nội đã nhiều đóng góp nổi bật. Đầu tiên phải khẳng định quyết tâm của ĐH Bách Khoa Hà Nội luôn luôn chú trọng phát triển đội ngũ các giảng viên, các nhà khoa học. Và vào thời điểm này (tháng 12/2023) ĐH Bách khoa Hà Nội có đội ngũ giảng viên chất lượng, uy tín với khoảng hơn 70% có học vị tiến sĩ, 26% có học vị phó giáo sư và giáo sư. Đây là một chỉ số rất tốt trong hệ thống các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. ĐH Bách Khoa Hà Nội rất tự hào về con số này. Nó là sự tiếp nối truyền thống của Nhà trường từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn sau năm 1975, khi đó Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã đóng góp nhiều kỹ sư, các nhà khoa học đi khắp mọi miền của Tổ quốc tham gia, góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước.

Thứ hai, trong giai đoạn đổi mới, mở cửa hội nhập, nhiều nhà khoa học Bách Khoa Hà Nội đã phát triển nhiều bí quyết công nghệ, từ đó đã xây dựng được những doanh nghiệp lớn, nhỏ đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của nước nhà, có những doanh nghiệp quy mô lớn nghìn tỷ đồng. Và nhiều các nhà khoa học của Trường cũng đã khởi nghiệp thành công và được phong danh hiệu cao quý - Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Đóng góp thứ ba của đội ngũ trí thức Bách Khoa Hà Nội, đó là nhiều nhà quản lý, giảng viên, nhà khoa học của Trường trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Các thầy các cô đã phát huy vai trò, khả năng, góp sức hoạch định chiến lược tầm cỡ quốc gia, cả những định hướng lớn trong sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo nước nhà.

Và một thành tựu nữa, chúng tôi cho rằng, ĐH Bách Khoa Hà Nội xây dựng và tiếp nối được truyền thống vẻ vang của các thế hệ giảng viên, cựu sinh viên, đội ngũ trí thức Bách Khoa. Chúng tôi nhận thức được rằng các giảng viên, các sinh viên của Trường luôn luôn là những vốn quý, vun đắp, xây dựng để các thế hệ những người Bách Khoa sau luôn tiếp nối được với những người đi trước để làm tốt hơn, đóng góp tốt hơn, học tập tốt hơn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi mà khoa học công nghệ của thế giới thay đổi mạnh mẽ, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng học tập tốt hơn từ phía những người trẻ.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, cần phải tạo ra được những yêu cầu, những đòi hỏi và thách thức để các nhà khoa học nhận thấy được vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của họ cho xây dựng đất nước.

PV: Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu, bên cạnh những kết quả, mục tiêu cơ bản đạt được, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ hạn chế. Đội ngũ trí thức nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng chí có nhận định gì về ý kiến này?

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: Chúng tôi nghĩ rằng là một chính sách khi đi vào cuộc sống luôn luôn có hai mặt. Với góc độ là một nhà khoa học cũng như là một nhà quản lý của Đại học Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi thấy có hai vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là thu hút trọng dụng, bồi dưỡng để xây dựng nhân tài, xây dựng đội ngũ các nhà trí thức. Chúng ta đã có những chính sách rất tốt nhưng khi đi vào thực tế thực hiện thì cần phải những giải pháp cụ thể, cần tháo gỡ những khó khăn để thu hút được tốt hơn, để trọng dụng được tốt hơn và để bồi dưỡng, xây dựng những nhà khoa học được tốt hơn.

Vấn đề thứ hai, nhìn ngược lại từ kinh nghiệm quản lý ở ĐH Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi thấy rằng cũng cần phải tạo ra được những yêu cầu, những đòi hỏi và thách thức để các nhà khoa học nhận thấy được vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của họ cho xây dựng đất nước, những trí tuệ của họ được biến thành thành quả. Các nhà trí thức nhìn chung không đòi hỏi quá nhiều về tài chính. Cái họ cần là một cơ chế để biến những tri thức của họ trở thành giải pháp trên thực tế đưa được vào cuộc sống. Đấy là niềm vui của các nhà khoa học và từ cái niềm vui đấy chúng ta phải tạo dựng niềm tin cho họ.

Tôi nghĩ rằng là từ hai phía, chúng ta rất cần những cơ chế chính sách trọng dụng, những giải pháp để tháo gỡ thủ tục hành chính, thủ tục về tài chính cho các nhà khoa học. Nhưng ngược lại cần phải có những cái đòi hỏi nhà khoa học phải đóng góp, đó là trách nhiệm của họ, đấy là vai trò, vị trí của họ đối với đất nước. Tôi nghĩ cả hai phía như thế thì giải pháp mới thành công.

PV: Có thể thấy, hiện nay đội ngũ trí thức chủ yếu tập trung ở các đơn vị lớn, một số trường đại học trọng điểm hay Viện Hàn lâm và ở các thành phố lớn. Điều này đặt ra đối với các địa phương, đặc biệt là với các vùng sâu, vùng xa sẽ khó thu hút được đội ngũ trí thức về phục vụ phát triển ở địa phương. Đồng chí có suy nghĩ gì về vấn đề này?

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: Từ kinh nghiệm phía ĐH Bách Khoa Hà Nội, trong suốt giai đoạn vừa qua chúng tôi cũng thấy rằng đó là một vấn đề lớn. Cá nhân tôi, với kinh nghiệm quản lý và triển khai tại ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng tôi nhận thấy có ba điểm sau:

Thứ nhất, để các nhà khoa học, các nhà trí thức có thể phát triển được, có thể đóng góp được, có thể sáng tạo được, họ rất cần môi trường làm việc và cần một cái liên kết giữa các nhà khoa học, để những sáng kiến của họ, những tri thức của họ, thậm chí là những phát minh của họ đưa vào thực tế mới có thể làm việc được. Một nhà khoa học thì có thể là không mạnh nhưng một tập thể các nhà khoa học có liên kết với nhau để giải quyết cùng một vấn đề gì đó thì nó sẽ trở nên rất mạnh và hiệu quả. Các nhà khoa học họ rất cần môi trường làm việc, và tôi nghĩ ví dụ như hiện nay ĐH Bách Khoa Hà Nội đang liên kết với 28 trường đại học khoa học kỹ thuật khác ở khắp mọi miền Tổ quốc, tạo thành mạng lưới khoa học và công nghệ các trường Đại học Kỹ thuật giúp liên kết các nhà khoa học. Một ví dụ khác, là ĐH Bách Khoa Hà Nội liên kết với ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, liên kết với ĐH Quốc gia Hà Nội, liên kết với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Đây là một cái bài toán đúng đắn, đã tạo được sức mạnh trong nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, chúng ta nói cần đội ngũ trí thức phục vụ địa phương, đặc biệt là với các vùng sâu, vùng xa. Đúng là như vậy. Một đội ngũ những nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về các vùng sâu, vùng xa đến các nhà máy, các doanh nghiệp làm việc ở các nơi đó. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu như tập trung nhiều nhà khoa học ở vùng sâu, vùng xa nếu không phát triển sức mạnh thì sẽ lãng phí. Khi mà giờ đây chúng ta có thể tạo dựng ra một hệ liên kết hay gọi là hệ sinh thái những nhà khoa học, các chuyên gia về kỹ thuật ở các địa phương. Có thể những nơi đó không cần tới các kiến thức cao siêu, nhưng cái họ cần là phát hiện được những “bài toán” cụ thể, những vấn đề đặt ra của địa phương, từ đó có thể “đặt hàng” các nhà khoa học ở các trường đại học, các viện nghiên cứu giải quyết và chuyển giao về địa phương. Bài toán đánh giá hiệu quả của sự hợp tác đấy sẽ là nguồn phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, quan điểm của chúng tôi là Nhà nước cần phải đầu tư ngân sách cho địa phương để giải quyết bài toán quan trọng ở những vùng sâu, vùng xa bằng cách kêu gọi chất xám ở các trường đại học, các viện nghiên cứu để giải quyết vấn đề đó. Đấy chính là bài toán cần phải giải quyết, chứ không phải chúng ta đưa các nhà khoa học về các vùng sâu, vùng xa mới giải quyết được vấn đề.

 Đội ngũ trí thức ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn luôn hằng ngày miệt mài, nghiên cứu sáng tạo đóng góp cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh minh họa: VA

PV: Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII đã xác định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có lộ trình và bước đi phù hợp, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các hội nghề nghiệp của trí thức và toàn xã hội. Vậy theo đồng chí, Đảng, Nhà nước cần có chính sách mang tính đột phá gì để có thể thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức sao cho xứng tầm?

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: Thực tế hiện nay thì trong xu thế phát triển của khoa công nghệ của thế giới và trong xu thế mà đánh giá các chỉ số về giáo dục đại học của Việt Nam thì chúng ta thấy Việt Nam có một số các chỉ số là tụt hậu so với khu vực và thế giới. Ví dụ như tụt hậu về mặt số lượng người học đại học, tốt nghiệp đại học so với khu vực ASEAN và châu Á; tụt hậu về mặt số lượng các nhà khoa học và các giảng viên đại học so với lại thế giới. Tôi nghĩ rằng là Đảng và Chính phủ đã nhìn nhận ra cái vấn đề này từ rất sớm và có những chiến lược, nhưng chiến lược đấy cần phải đi vào thực tế và đưa vào cuộc sống.

Thứ nhất, là chúng ta cần phải thu hút trọng dụng nhân tài. Chúng ta có một đội ngũ trí thức làm việc khắp nơi trên thế giới và đặc biệt như ĐH Bách Khoa Hà Nội chúng tôi nhận thấy đó là một hệ thống mạng lưới các em sinh viên đã tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội một số năm trước đây, ví dụ như 10, 20 năm và hiện nay đang sung sức làm việc, trở thành các chuyên gia rất giỏi tại nhiều hãng nước ngoài, đang là giảng viên, các nhà khoa học rất giỏi đại học trên thế giới. Vậy thì câu hỏi là làm thế nào để bình diện quốc gia, làm thế nào chúng ta thu hút được họ, mời họ phối hợp, kết hợp làm việc với các chuyên gia trong nước. Đấy cũng là một giải pháp chúng ta sẽ tiết kiệm được rất là nhiều công sức, tiền bạc. Và kinh nghiệm đó trên thực tế là rất nhiều nước thế giới đã làm. Người Việt Nam chúng ta cũng rất thông minh, đã thành đạt, đã thành công trên thế giới. Đấy là cái chính sách đầu tiên chúng ta phải cần có là hút và trọng dụng các nhà khoa học, các chuyên gia là Việt kiều hoặc là người gốc Việt để về làm việc, giúp đỡ nước nhà. Họ không cần phải về Việt Nam mà chỉ cần có mối liên hệ mật thiết với các nhóm, các nhà khoa học ở trong nước.

Thứ hai, một chính sách cũng rất quan trọng, đó là nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể mạnh khi chúng ta có những doanh nghiệp mạnh và những doanh nghiệp mạnh đấy phải phát triển trên nền tảng là có những công nghệ mạnh và bí quyết công nghệ mạnh. Vậy thì Nhà nước cần có những chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam phát triển chiều sâu, nghiên cứu về khoa học công nghệ, thông qua các chính sách như: ưu đãi về thuế, ưu đãi về chính sách đầu tư, ưu đãi về chính sách phát triển khoa công nghệ ở các doanh nghiệp. Từ các chính sách ưu đãi đấy, các doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để phát triển, thu hút chi trả cho các nhà khoa học trong nước, các nhà khoa quốc tế đến để làm việc cho Việt Nam. Tôi nghĩ đây rất quan trọng và nó sẽ giúp chúng ta có những doanh nghiệp lớn. Trên đây là hai chính sách thu hút, trọng dụng vào thời điểm hiện tại.

Nhưng như vậy cũng chưa đủ mà cần phải có chính sách là vun đắp và nuôi dưỡng. Một thế hệ lớp trẻ người Việt Nam hiện nay cũng rất giỏi. Vậy thì chúng ta phải thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo cũng như là cái khát vọng tạo ra tri thức của các em sinh viên, của các em học sinh cuối phổ thông. Và khi các em ra trường, các em sẽ những trở thành những doanh nghiệp Start-up. Một số doanh nghiệp trong số này sẽ trở thành những doanh nghiệp dạng “kỳ lân”. Đó là một trong những chính sách nuôi dưỡng của Nhà nước cần phải tạo dựng cho thế hệ trẻ một niềm tin là em làm được; cần phải tạo dựng cho một thế hệ trẻ là các em có được những kiến thức về công nghệ, về khát vọng tạo dựng doanh nghiệp thì khi đó đất nước có thể phát triển theo hướng bền vững.

Và cuối cùng cũng rất quan trọng vào thời điểm này, là các trường đại học hiện nay đang có xu thế là trở thành các đại học tự chủ, thì nhận thức về việc phát triển một hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam phải được hoạch định một cách rất khoa học, được thúc đẩy các chiến lược phát triển, được Nhà nước đầu tư một cách có chiều sâu và bài bản. Bởi vì nếu như chúng ta không đầu tư chiều sâu thì về mặt khoa học, công nghệ cơ bản thì bài học một số quốc gia lớn trên thế giới sẽ là đánh mất đi năng lực sáng tạo và năng lực nghiên cứu về chiều sâu, về khoa công nghệ và cũng đánh mất luôn cả năng lực, khả năng để tạo ra tri thức. Như vậy thì chúng ta sẽ không phát triển được. Do đó, cần những nghiên cứu để tạo ra sản phẩm nhanh, ngay trước mắt nhưng cũng cần những đầu tư về chiều sâu để chúng ta tiếp tục có những cái gọi là mặt bằng về khoa học công nghệ trong vòng 5 năm, 10 năm, 20 năm tới, tiếp tục phát triển vươn lên ngang tầm khu vực, ngang tầm thế giới thì Việt Nam mới phát triển mạnh được. Tóm lại, Đảng, Nhà nước cần có hai chính sách về thu hút, một là chính sách về “nuôi dưỡng” và một là chính sách về đầu tư mới có thể thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức mạnh cả về số lượng và chất lượng.

 Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng luôn luôn có phương châm, gọi là bệ đỡ, nguyên lý phát triển đó là nhà trường là nền tảng, người thầy là động lực và là chủ thể để phát triển nhà trường, còn em sinh viên sẽ là trung tâm để tạo ra thế hệ mới. Ảnh: TQ

PV: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sau khi chuyển thành Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách “đòn bẩy” gì để đội ngũ trí thức của Đại học Bách khoa Hà Nội đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển của Nhà trường cũng như nước nhà, thưa đồng chí?

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: ĐH Bách Khoa Hà Nội luôn luôn có phương châm, gọi là bệ đỡ, nguyên lý phát triển đó là nhà trường là nền tảng, người thầy là động lực và là chủ thể để phát triển nhà trường, còn em sinh viên sẽ là trung tâm để tạo ra thế hệ mới. Chúng tôi luôn luôn nhận thức rằng, người thầy và sinh viên rất quan trọng. Chúng tôi phải có thầy giỏi, có các nhà khoa học, các giảng viên giỏi thì mới là phát triển mới được nhà trường.

Các chính sách “đòn bẩy” của Nhà trường có thể liệt kê như sau: Thứ nhất, với đội ngũ các nhà khoa học, các giảng viên thì lãnh đạo nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa về mặt chuyên môn để các thầy cô có đủ năng lực sáng tạo, đủ năng lực tạo ra tri thức và phát triển bản thân. Vì thế, Nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện môi trường để có thể nghiên cứu, tạo ra được các nhóm nghiên cứu, cơ sở vật chất để các thầy phát triển được thông qua hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. ĐH Bách khoa Hà Nội tạo điều kiện môi trường các thầy, bên cạnh những chính sách về tài chính để các thầy có thu nhập mức độ là ổn định.

Thứ hai, là đánh giá hiệu quả. Nhà trường luôn có những chính sách, những phương pháp đánh giá hiệu quả công việc thông qua các chỉ số (KPI) để tạo ra các định mức, gọi là chỉ số để đo lường, đánh giá công việc của các thầy. Ví dụ như các thầy phải có các bài báo khoa học tốt, các thầy phải hợp tác doanh nghiệp tốt… như thế thì mới đảm bảo sự phát triển năng lực của các thầy cô giáo.

Thứ ba, cũng rất quan trọng đối với Nhà trường, đó là thời gian gần đây chúng tôi mới nhận thấy một điều là công tác hướng nghiệp, công tác truyền thông về sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo sau rất quan trọng. Tôi lấy ví dụ, chúng ta có nghị quyết của Bộ Chính trị về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, kèm theo đó phát triển rất nhiều công nghệ để phù hợp xây dựng đất nước. Nhưng nếu như thế hệ trẻ Việt Nam không quan tâm tới khoa học công nghệ thì lúc đó sẽ rất khó khăn cho đất nước. Do vậy, trách nhiệm của ĐH Bách Khoa Hà Nội là một trong những trường ĐH hàng đầu về khoa học kỹ thuật cần phải hướng cho lớp trẻ Việt Nam phải nghiên cứu về mặt khoa học công nghệ, nghiên cứu về kỹ thuật nhiều hơn, học thêm nhiều STEM, sáng tạo ra được những bí quyết, cái gọi là sản phẩm quốc gia thì lúc đó đất nước mới phát triển bền vững được.

Vì vậy Nhà trường, từ thầy cô giáo tới các em sinh viên và công tác tuyển sinh luôn chú trọng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nghiên cứu về chiều sâu hoặc các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng tới hợp tác quốc tế tốt để có thể nâng được năng lực nghiên cứu của mình và tạo dựng được các em sinh viên giỏi, ham thích đổi mới sáng tạo, và cảm thấy rằng được vào ĐH Bách Khoa Hà Nội là một môi trường để em phát triển năng lực bản thân, phát triển được nghề nghiệp, có một tương lai vững chắc. Lúc đó, ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ trở thành một môi trường phát triển bền vững cho cả thầy và trò. Chúng tôi nghĩ rằng, đấy là sự đóng góp của ĐH Bách Khoa Hà Nội cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội chung của nước nhà./.

PV: Xin trân trọng cám ơn PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng!

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực