Thêm động lực thúc đẩy Hòa Vang phát triển

Thứ năm, 11/05/2023 11:17
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Sáng 11/5, Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức Toạ đàm “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng huyện Hòa Vang phát triển trong thời kỳ mới”.

Toạ đàm diễn ra trong bối cảnh cả nước hướng đến kỷ niệm, chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2023); TP Đà Nẵng và huyện Hoà Vang đang tập trung các giải pháp, quyết liệt phấn đấu triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm sớm hiện thực chủ trương đến năm 2025 Hòa Vang trở thành thị xã.

Đồng chí Hồ Kỳ Minh, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ,
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc Toạ đàm.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, đồng chí Hồ Kỳ Minh, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh: Với chủ đề “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng huyện Hòa Vang phát triển trong thời kỳ mới”, tọa đàm này là dịp để lãnh đạo TP gặp gỡ, trao đổi và cảm ơn đội ngũ chuyên nhà, nhà khoa học, trí thức trẻ TP về những đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển TP nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng. Đây còn là diễn đàn để các các chuyên gia, nhà khoa học tham gia ý kiến, hiến kế những giải pháp mang tính “sáng tạo”, “đột phá” để tạo ra các động lực mới cho phát triển Hòa Vang trong giai đoạn đến, nhất là trong bối cảnh các sở, ngành TP cùng với huyện Hòa Vang đang tập trung triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 07/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP nói riêng và đội ngũ trí thức TP nói chung trong sự phát triển chung của huyện Hòa Vang.

Trên cơ sở định hướng đó, trong đề dẫn Toạ đàm, TS.Võ Công Trí - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng nêu rõ: Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 07/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra quan điểm về định hướng và chính sách phát triển huyện Hoà Vang là phải đặt trong tổng thể phát triển của TP; có sự kết nối chặt chẽ với khu vực và các địa phương lân cận; dựa trên việc sử dụng và khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của huyện, nhất là về đất đai, vị trí chiến lược, điều kiện địa hình, thổ nhưỡng và văn hoá địa phương. Đầu tư xây dựng Hào Vang phát triển bền vững, có bản sắc riêng, phù hợp với quy hoạch chung TP; nâng chất lượng sống của người dân huyện đạt ở mức cao, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc và địa phương. Phát triển đô thị đặt trong mối quan hệ hài hoà của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với giữ gìn hình ảnh nông nghiệp, nông thôn truyền thống, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn.

TS.Võ Công Trí - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng báo cáo đề dẫn Tọa đàm

“Tọa đàm hướng đến mục đích đánh giá các thành tựu và hạn chế, thuận lợi và khó khăn trong xây dựng và phát triển Hoà Vang những năm qua; lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về nhiệm vụ, giải pháp phát triển Hoà Vang trong thời kỳ mới- thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 07/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đặt ra; trong đó coi việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ là đột phá để thúc đẩy huyện Hoà Vang phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của TP; phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; thương mại, dịch vụ, logistics; nông nghiệp chất lượng cao.

Nhấn mạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng, TS.Võ Công Trí cho biết, đến nay Hoà Vang đã huy động trên 1.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện quy hoạch, giải toả, đền bù, tái định cư hơn 150 dự án; phối hợp xây dựng các dự án trọng điểm về hạ tầng như đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đường Vành đai phía Nam, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin; tuyến đường vành đai phía Tây; Nhà máy nước Hoà Liên…

Cùng với những tiềm năng, lợi thế và những dự báo về thời cơ trong quá trình hội nhập, TS.Võ Công Trí cũng cho biết, đến nay Hoà Vang xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phát để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; là đồn bẩy, giải pháp mạnh mang lại hiệu quả trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. UBND huyện cũng ban hành Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ đô thị”; Huyện uỷ, HĐND huyện ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết về quy định chính sách khuyến khích đầu tu phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. “Đây là những căn cứ pháp lý rất quan trọng, là nguồn động lực để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Hoà Vang”- TS.Võ Công Trí nhấn mạnh thêm.

Quang cảnh Tọa đàm “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng huyện Hòa Vang phát triển trong thời kỳ mới”. 

Tuy nhiên, qua trao đổi tại Tọa đàm, nhiều đại biểu sau khi phân tích, đánh giá thực trạng, kết quả quá trình lãnh chỉ đạo, đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển Hoà Vang cho đến nay cũng như những khó khăn, tồn tại cần nhìn nhận, đặt ra các giải pháp để khắc phục, tiếp tục thúc đẩy địa phương phát triển…. cũng thống nhất cho rằng: Quy mô kinh tế của Hoà Vang có tăng nhưng còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của TP; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; ứng dụng khoa học và công nghệ nhìn chung còn nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung một số ngành, lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, quản lý hành chính, giáo dục, y tế… Năng lực, nguồn lực dành cho việc triển khai và ứng dụng KH&CN còn hạn chế; nguồn nhân lực hoạt động KH&CN còn ít, thiếu cán bộ đầu ngành trên tất cả các lĩnh vực; khả năng tiếp nhận kết quả tiến bộ KH&CN của các chủ thể trong nền kinh tế còn hạn chế; huyện chưa có chính sách đủ mạnh nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KH&CN….

Trong 15 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi tại Tọa đàm lần này cũng thông tin về các kết quả cơ bản khác trong xây dựng nông thôn mới; trong đón nhận xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 tại Hoà Vang. Đồng thời cũng nêu ra nhiều bài học, kinh nghiệm bước đầu trong lãnh chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đẩy mạnh ứng dụng CH&KH vào sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống người dân; ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội; trong quản lý hành chính và phát triển, đưa các nguồn lực thành động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh cho địa phương. Trong đó, nhiều kiến nghị, hiến kế trên các lĩnh vực cũng được Tọa đàm đánh giá cao./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực