Thúc đẩy hoạt động chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài tại tỉnh Thái Nguyên

Thứ bảy, 26/08/2023 12:57
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cùng đoàn công tác vừa có cuộc làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về thúc đẩy hoạt động chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài và kết nối đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi tiếp và làm việc, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, tỉnh luôn xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Bởi vậy, buổi làm việc lần này giữa địa phương và Bộ KH&CN có ý nghĩa rất lớn.

Tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ KH&CN quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí để tỉnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH nói chung và lĩnh vực KH&CN nói riêng, nhất là việc phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong ngành công nghiệp, nông nghiệp để ngày càng đáp ứng tốt hơn, phù hợp với xu thế phát triển. Đồng chí cũng đề nghị Bộ KH&CN quan tâm, giới thiệu các doanh nghiệp về đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên, phát triển và ứng dụng khoa học, kỹ thuật cao vào các vùng sản xuất tập trung, các khu công, nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch để phát triển; đồng thời thúc đẩy Thái Nguyên làm chủ và phát triển thành công công nghệ nước ngoài vào địa bàn.

Quang cảnh buổi làm việc 

Theo báo cáo, giai đoạn từ năm 2020 đến 7 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có 84 nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tổ chức nghiệm thu được 36 nhiệm vụ; tiến hành 6 đợt kiểm tra tiến độ định kỳ đối với 80 nhiệm vụ KH&CN. Thông qua các nhiệm vụ KH&CN, nhiều doanh nghiệp có điều kiện hoàn thiện, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và bảo vệ môi trường. Công tác quản lý công nghệ, thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, ứng dụng và đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân đều được tăng cường, đẩy mạnh.

Nhìn chung, hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến được áp dụng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Mặc dù trong 3 năm qua, điều kiện sản xuất khó khăn, tốc độ tăng GRDP của tỉnh không đạt như kỳ vọng, tuy nhiên đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), trong đó có nhân tố đổi mới công nghệ vẫn đạt giá trị dương và đóng góp khoảng 43% vào tăng GRDP của tỉnh.

Đối với việc chuyển giao công nghệ nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, cơ bản việc ứng dụng công nghệ từ nước ngoài thời gian qua được thực hiện theo các dự án FDI đầu tư vào địa bàn, với hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao. Ngoài ra, còn có một số dự án trong nước đã đầu tư và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Qua quá trình khảo sát, hiện nay các doanh nghiệp của tỉnh có nhu cầu về đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: Cơ khí, chế tạo; công nghệ đúc, luyện kim, cán, kéo thép; chế biến nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế đó là: Hầu hết các doanh nghiệp FDI có hoạt động chuyển giao công nghệ đều là các doanh nghiệp có đại diện theo pháp luật là người nước ngoài, nắm toàn bộ quy trình sản xuất của dự án hoặc doanh nghiệp. Đây là trở ngại lớn cho việc làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh và các hoạt động lan tỏa công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ mới từ các doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước. Đội ngũ nhân lực phát triển đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp còn mỏng. Doanh nghiệp vẫn chưa thực sự có các chiến lược dài hạn về đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như xây dựng thương hiệu mạnh trong thời kỳ hội nhập…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh tính đặc thù của Thái Nguyên trong việc thu hút, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài thông qua các dự án FDI và lợi thế về ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm chè; đồng thời, khẳng định sẽ đồng hành cùng địa phương để thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng định hướng một số nội dung để hoạt động gắn với Đề án 1851 của Chính phủ về “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phù hợp triển khai tại tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí mong muốn sau buổi làm việc này, việc cụ thể hóa những định hướng phát triển đã được trao đổi, thống nhất sẽ được đẩy mạnh, thông qua các chương trình làm việc trực tiếp, hướng tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực sự có nhu cầu tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và kết nối đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN đã giải đáp một số vướng mắc của tỉnh trong hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực