(ĐCSVN) - Theo Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Việt Nam có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề nuôi cá biển. Sau 20 năm nghiên cứu, đến nay, nghề nuôi cá biển ở Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: KV) |
Cụ thể, về sản xuất giống, đến năm 2012, Việt Nam đã nghiên cứu thành công và nhập công nghệ sản xuất giống khoảng 10 loài cá biển nuôi, gồm: cá vược, cá giò, cá hồng mỹ, cá hồng bạc,...Đồng thời, về công nghệ nuôi, hiện nay, chúng ta đã hoàn thiện công nghệ nuôi bán thâm canh, thâm canh cá biển ở quy mô nuôi ao, nuôi lồng nhỏ, lồng lớn.
Đặc biệt, trong sản xuất giống cá biển, các nghiên cứu về công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi một số loài đã được đầu tư nghiên cứu. Đến nay, đã nghiên cứu thành công và chủ động được công nghệ sản xuất giống nhiều loài cá biển; sản xuất giống các loài cá biển đã và đang đạt được nhiều kết quả tốt.
Bên cạnh đó, đã chủ động được kỹ thuật nuôi vỗ và cho sinh sản cá bố mẹ, trong khi trước đây, hầu hết đều dựa vào nguồn cá bố mẹ đánh bắt từ tự nhiên. Trong nuôi vỗ, thức ăn chủ yếu là cá tạp, tuy nhiên, thức ăn nhân tạo chất lượng cao đang dần được phát triển để thay thế hoặc kết hợp với cá tạp nhằm cải thiện chất lượng trứng và cá bột.
Thêm vào đó, đã chủ động được kỹ thuật ương nuôi ấu trùng trong điều kiện ương bể trong nhà hay ao ngoài trời. Việc ương trong bể trong nhà có thể kiểm soát môi trường và tỷ lệ sống tốt hơn. Tuy nhiên, ưu điểm của ương nuôi cá ở ao ngoài trời có thể sản xuất với số lượng con giống lớn và giá thành hạ. Vì vậy, việc kết hợp kỹ thụât ương cá giai đoạn đầu ở trên bể trong nhà, giai đoạn sau ương ngòai ao đã đem lại hiệu quả cao.
Đối với nuôi cá biển, song song với việc nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, chúng ta đã có công nghệ nuôi những đối tượng như: cá vược, cá giò, cá song, cá chim,... Những công nghệ nuôi thương phẩm trong ao, lồng bè cỡ nhỏ, nuôi ven bờ trong eo vịnh, lồng bè kiểu Nauy quy mô lớn ngoài biển khơi đã được nghiên cứu và giới thiệu vào sản xuất. Các kết quả nuôi ở những quy mô khác nhau đã giúp các nông-ngư dân, các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp nhận và ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất. Những trang trại, công ty ứng dụng các công nghệ có thể thấy được ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang.
Mặt khác, công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (KCHN) về thiết bị nuôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, với đề tài nghiên cứu, ứng dụng hệ thống thiết bị đồng bộ và quy trình vận hành trang trại nuôi cá lồng vùng biển mở, thực hiện từ 2007-2010 đã mở ra một hướng cho nuôi trồng cá biển có giá trị kinh tế cao. Cấu trúc lồng nuôi được nghiên cứu cải tiến theo hướng tăng cường khả năng chịu sóng và có thể điều khiển chìm sâu tránh bão tại chỗ. Giá thành các sản phẩm thấp hơn so với giá nhập ngoại từ 20-25%, mô hình nuôi cá lồng biển mở được đánh giá là một đề tài có nhiều tiềm năng ứng dụng.
Về nghiên cứu KHCN trong thức ăn sản xuất giống và nuôi cá biển, hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ nuôi lưu giữ và nuôi sinh khối một số loài tảo hiển vi phục vụ cho sản xuất giống cá biển. Một số thành tựu đạt được về nghiên cứu về lưu giữ và nuôi sinh khối một số loài động vật phù du làm thức ăn cho ấu trùng cá biển đã đáp ứng được nhu cầu thức ăn cho ương giống cá biển ở tất cả các giai đoạn ấu trùng.
Về dịch bệnh, xu huớng hiện nay trong phát triển nuôi cá biển theo hướng thâm canh tăng năng suất, bởi vậy nghề nuôi cá biển rất dễ gặp phải các vấn đề về bệnh gây ra bởi virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,...Những nghiên cứu gần đây đã xác định được một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên cá biển như bệnh do virus VNN, bệnh do vi khuẩn thường xuất hiện trên cá biển, đặc biệt là loài cá song. Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu tạo vắc xin phòng trừ loại bệnh này.
Về quản lý vùng nuôi, đã có những dự án đưa vào thực tiễn các mô hình nuôi GAP đồng thời tích cực áp dụng các kinh nghiệm thực tiễn quản lý tốt trong nuôi trồng thủy sản như GlobalGAP, BMP,...; thực hiện các chương trình giám sát quốc gia đối với thông số môi trường nước, trầm tích, các vùng nuôi.
Nhằm tiếp tục phát triển ngành nuôi cá biển tại Việt Nam, theo Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, thời gian tới, ngành cần phát triển tổng thể về công tác sản xuất giống, tiến hành đồng bộ hóa các vấn đề từ công nghệ, hệ thống thiết bị và chính sách.
Cụ thể, đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghệ sản xuất giống và nuôi, tiến hành nghiên cứu tất cả các khâu công nghệ từ nuôi vỗ bố mẹ, cho đẻ, ương nuôi ấu trùng, nuôi thương phẩm, thức ăn và phòng trị bệnh trên một số đối tượng tiềm năng. Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi phải phục vụ phương châm nuôi đa loài có trọng điểm. Ưu tiên các loài có thị phần lớn, giá trị cao, sớm đưa ra công nghệ để sản xuất một lượng lớn sản phẩm nhanh chóng chiếm thị phần. Triển khai nghiên cứu chọn giống, nâng cao chất lượng di truyền theo hướng sinh trưởng nhanh sạch bệnh.
Đồng thời, xã hội hóa việc nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, phát huy kinh nghiệm phối hợp với các doanh nghiệp lớn để nhanh chóng nâng cao năng lực nghiên cứu trên quy mô lớn; nhanh chóng đưa từng phần kết quả nghiên cứu tiếp cận với sản xuất để chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu hòan thiện quy trình công nghệ.
Bên cạnh đó, chủ động và kiểm soát chất lượng đàn cá bố mẹ của các lòai có giá trị cao. Triển khai nghiên cứu gia hóa nâng cao chất lượng đàn cá bố mẹ; phát huy năng lực hiện có, tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi của từng vùng, miền. Sớm triển khai nghiên cứu công nghệ sản xuất giống cá biển sạch bệnh, nghiên cứu áp dụng các loại vắc xin phòng trị bệnh cho một số lòai cá biển là đối tượng nuôi chủ lực.
Mặt khác, nhanh chóng chuyển giao tòan bộ hoặc từng khâu của quy trình công nghệ sản xuất giống nhằm tạo ra một mạng lưới sản xuất ở các khâu: ương cá bột lên cá hương, ương cá hương lên cá giống, sản xuất thức ăn sống, thức ăn tổng hợp. Tận dụng tối đa các trại tôm giống không còn hoặc ít họat động để ương cá giống nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các trại này và sản xuất ra một lượng cá giống lớn. Đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ giống và sản phẩm nuôi, ưu tiên cho thị trường xuất khẩu nhưng cũng quan tâm, chú trọng đến thị trường nội địa./.