112 bức tranh tham gia cuộc thi “Cùng loại bỏ bạo lực với trẻ em”
Thứ tư, 14/12/2016 17:59 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ngày 14/12, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD), phối hợp cùng tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children International) tổ chức lễ trao giải cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông “Cùng loại bỏ bạo lực với trẻ em”.
Chia sẻ về ý tưởng tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông “Cùng loại bỏ bạo lực với trẻ em”, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD cho biết, bạo lực với trẻ em tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào và đang trở thành vấn đề rất nghiêm trọng tại Việt Nam. Tuy nhiên, những vụ bạo lực với trẻ em được biết đến thường là những vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Những vụ việc bạo lực với trẻ em ít nghiệm trọng hơn tại gia đình và nhà trường vẫn còn vô hình, ít được nói đến hoặc ít được báo cáo. Những vụ việc như vậy thường được coi là bình thường, là truyền thống văn hoá “thương cho roi cho vọt” hoặc vì mục tiêu giáo dục. “Chúng tôi tin rằng, bạo lực với trẻ em không phải là hình thức giáo dục tốt nhất. Cuộc thi “Cùng loại bỏ bạo lực với trẻ em” được tổ chức nhằm thể hiện quan điểm của trẻ em về chính vấn đề của mình, và thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng về vấn đề này. Qua các tác phẩm được gửi đến, chúng tôi nhận thấy, trẻ em hiện đang tiếp xúc rất nhiều với bạo lực trong gia đình, nhà trường, giữa cha mẹ và con cái thông qua “thương cho roi cho vọt”, giữa bạn bè với nhau. Chính vì thế, nâng cao nhận thức về bạo lực với trẻ em trong các bên liên quan là cần thiết.” – bà Linh nhấn mạnh.
Giải Nhì là tác phẩm "Hãy bảo vệ trẻ em khỏi đòn roi" của tác giả Lương Thị Sinh, sinh năm 2001 đến từ Điện Biên Phủ, nói về thông điệp cần có những người bảo vệ cho trẻ em khỏi bạo lực (Ảnh: PV)
Diễn ra trong vòng 2 tháng, từ tháng 11 đến tháng 12, Ban tổ chức đã nhận được 112 sản phẩm gửi tới tham dự cuộc thi từ 7 tỉnh thành phía Bắc của Việt Nam. Các sản phẩm dự thi là các tác phẩm được thực hiện dưới dạng hình thức có thể in ấn, trưng bày như áp phích, tờ rơi, tranh vẽ, ảnh... Mỗi tác phẩm là môt câu chuyện, là một thông điệp vừa sâu sắc, vừa độc đáo, mới lạ, sáng tạo. Đặc biệt, chiếm phần lớn số lượng bài thi là tác phẩm của các em nhỏ, những bức tranh vẽ tay với muôn màu muôn vẻ đã nói lên ước muốn của các em về một thế giới hòa bình, không còn bạo lực, không còn tổn thương. Một điểm đặc biệt khác trong cuộc thi là thành phần Ban giám khảo tham gia chấm điểm, trong đó, ngoài 7 chuyên gia về trẻ em và truyền thông cộng đồng tham gia chấm giải còn có sự tham gia của hơn 200 giám khảo nhí. Ban tổ chức đã tổ chức riêng một sự kiện giáo dục và vui chơi cho hơn 200 trẻ em ngày 11/12 trước đó với tên gọi “Công bằng cho bạn, công bằng cho tôi” để tạo cơ hội cho các em đóng vai trò là thành viên Ban giám khảo chọn ra các sản phẩm truyền thông phù hợp nhất theo tiêu chí của các em. Đây cũng là quy tắc để đảm bảo quyền tham gia và quyền quyết định của trẻ em với các sản phẩm truyền thông liên quan đến mình và tác động tới mình.
Lê Anh