Bắc Kạn: Khai thác tiềm năng, phát huy bản sắc, liên kết phát triển bền vững

*Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 –2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ hai, 05/12/2022 10:56
(ĐCSVN) – Tỉnh Bắc Kạn xác định, đến năm 2030, trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước, hệ thống không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quan điểm phát triển

Xác định du lịch là ngành mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh (Ảnh: PV) 

Bản quy hoạch của tỉnh đưa Hội đồng quy hoạch thẩm định đề cập tới các quan điểm phát triển, trong đó ghi nhận: Quy hoạch bám sát các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng, phù hợp với các chiến lược phát triển KT-XH cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

Phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững, nâng cao chất lượng, năng suất sức cạnh tranh nền kinh tế, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển, phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế với nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển, tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng – kinh tế xã hội.

Tập trung đầu tư có trọng điểm vào ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh với Nông, lâm nghiệp là nền tảng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và công nghiệp là động lực phát triển.

Phát huy yếu tố con người, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và khát vọng phát triển của tỉnh Bắc Kạn.

Phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, tạo việc làm ổn định để giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống của nhân dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế xanh và thân thiện với môi trường.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, khắc phục các tác động tiêu cực của các xu thế kinh tế quốc tế và khu vực; đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

 Khu công nghiệp Thanh Bình, Bắc Kạn (Ảnh: PV)

Tầm nhìn đến 2030 và 2050

Quy hoạch tỉnh cũng xác định, tầm nhìn đến năm 2030: Đến năm 2030, Bắc Kạn sẽ trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước, hệ thống không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Còn tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, tỉnh Bắc Kạn có nền kinh tế năng động; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trườngđáng sống; mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước. Xây dựng chiến lược phát triển với tư tưởng “Phát triển từ cội nguồn và nỗ lực tạo ra những thành tựu mới” từ đó hoạch định các chiến lược phát triển bao gồm: “Khai thác tiềm năng - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển bền vững”.

Các đột phá phát triển

Thứ nhất, xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên nền tảng thế mạnh về môi trường sinh thái, cảnh quan và văn hóa của tỉnh gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, tập trung đầu tư vào các tổ hợp dự án du lịch với phạm vi, quy mô lớn, chất lượng dịch vụ cao, đảm bảo bền vững và chuyên nghiệp, đồng bộ hiện đại; xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu đối với các loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf; du lịch thể thao mạo hiệm, vui chơi giải trí... Đưa hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia với các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng, liên kết với các khu du lịch trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

 Phát triển nông nghiệp gắn du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh (Ảnh: PV)

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh

Tập trung tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, giải phóng các nguồn lực để phát triển du lịch và công nghiệp. Trọng tâm là phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đưa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng (second home) nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và kim loại màu.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội

Tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khai phá tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với trọng tâm là hệ thống giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc. Ưu tiên triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch gồm tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn - Cao Bằng; tuyến QL3B; tuyến đường trục Đông - Tây (Tuyên Quang – Bắc Kạn- Lạng Sơn) kết nối tuyến cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giangvà tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; tuyến Bắc Kạn - Ba Bể - Na Hang (Tuyên Quang) và một số tuyến đường tỉnh, đường huyện khác. Bên cạnh đó,đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại thành phố Bắc Kạn, các thị trấn, đô thị trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với trọng tâm là chế biến nông, lâm sản, chế biến sâu khoáng sản và một số ngành có lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thứ tư, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số

Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất, nghiên cứu triển khai các chương trình khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của địa phương.Đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt ứng dụng công nghệ số vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, hình thành các phương thức sản xuất, tiêu thụ và quản lý mới.

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh. Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển và phát huy giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội.

Định hướng phát triển không gian, các hành lang kinh tế và hệ thống đô thị 1

Về định hướng phát triển không gian, bản Quy hoạch đề cập tới sự phát triển đa dạng, phát huy bản sắc, tăng cường liên kết nội vùng và ngoại vùng.

Theo đó, phân vùng tổ chức lãnh thổ kinh tế - xã hội thành: 1 Vùng trung tâm và 4 tiểu vùng gồm có:

Vùng trung tâm động lực: Gồm TP Bắc Kạn, huyện Chợ Mới và huyện Bạch Thông với trung tâm là TP Bắc Kạn là đầu tàu cho sự phát triển của toàn tỉnhgắn với hành lang phát triển QL3 và tuyến cao tốc.

Các tiểu vùng: Tiểu vùng phía Tây gồm huyện Chợ Đồn; Tiểu vùng phía Tây Bắc gồm huyện Ba Bể, Pác Nặm; Tiểu vùng phía Bắc gồm huyện Ngân Sơn; Tiểu vùng phía Đông gồm huyện Na Rì.

Các trục phát triển chính:

Trục động lực: Trục liên vùng tạo đột phá phát triển, tăng cường liên kết vùng thủ đô và vùng cửa khẩu, thúc đẩy giao lưu kinh tế với trong và ngoài nước. 

Trục bản sắc: Trục liên kết các trọng điểm đô thị, các tài nguyên văn hoá, lịch sử, thiên nhiên đầy bản sắc và tiềm năng để phát triển du lịch của vùng phía Tây tỉnh Bắc Kạn và liên kết với vùng thủ đô và các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng.

Trục lan toả phát triển: Trục liên kết Đông Tây tỉnh Bắc Kạn, liên kết các tiểu vùng với trục và vùng trung tâm động lực, tăng cường giao lưu kinh tế nhằm lan toả sự phát triển ra khắp tỉnh.

 Tập trung chế biến nông lâm sản đặc trưng của vùng (Ảnh: PV)

Bản quy hoạch cũng phân bổ các hành lang kinh tế với:

Hành lang kinh tế gắn với trục động lực bao gồm hành lang tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng và tuyến đường QL3, hành lang này phát triển tạo đột phá tăng cường liên kết vùng thủ đô và vùng cửa khẩu, thúc đẩy giao lưu kinh tế với trong và ngoài nước. Trên hành lang này tập trung phát triển đa dạng như đô thị, dịch vụ, công nghiệp, logistics.

Hành lang kinh tế gắn với trục bản sắc, tập trung phát triển đô thị, du lịch trọng điểm của tỉnh. Cải tạo nâng cấp trục QL3C liên kết tỉnh Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng đi qua huyện Chợ Đồn, huyện Ba Bể, huyện Pác Nặm.

Hàng lang kinh tế gắn với các trục lan tỏa phát triển, phát triển trục lan tỏa trên cơ sở nâng cấp QL279, QL3B kết nối Lạng Sơn – Bắc Kạn – Tuyên Quang. Đặc biệt phát triển hành lang kinh tế gắn với trục đường Ba Bể - TP Bắc Kạn, đây được coi là hành lang kinh tế quan trọng của tỉnh với việc kết nối trực tiếp trung tâm đô thịlà thành phố Bắc Kạn với trung tâm du lịch hồ Ba Bể của tỉnh tạo ra động lực phát triển chung cho cả tỉnh và phát triển thêm các trục Đông Tây kết nối với Tuyên Quang và Lạng Sơn.

Liên quan tới định hướng phát triển hệ thống đô thị, Quy hoạch chỉ rõ, Thành phố Bắc Kạn: Từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II.

Hoàn thành một số tiêu chí của đô thị loại IV đối với 04 đô thị, gồm: Thị trấn Đồng Tâm; Thị trấn Chợ Rã; Thị trấn Bằng Lũng; Thị trấn Yến Lạc.

Các đô thị loại V: có 06 đô thị, trong đó phát triển mới 4 đô thị loại V

Phương hướng phát triển các ngành lĩnh vực quan trọng

Bản Quy hoạch của tỉnh nêu rõ định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tập trung vào 04 ngành kinh tế, lĩnh vực quan trọng, trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn, gồm: Du lịch; Nông, lâm nghiệp; Công nghệ thông tin (trọng tâm là chuyển đổi số); Công nghiệp.

Đáng chú ý, tập trung hàng đầu vào phát triển du lịch, trong đó, ghi nhận, đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Khu du lịch Ba Bể được công nhận là khu du lịch quốc gia; Phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù của tỉnh. Tổng lượt khách du lịch khoảng 3 triệu lượt người; đóng GRDP 8%. Hình thành 4 cụm du lịch gồm: (1) Cụm du lịch Ba Bể và phụ cận; (2) Cụm du lịch thành phố Bắc Kạn và phụ cận; (3) Cụm du lịch Chợ Đồn và phụ cận;  (4) Cụm du lịch Na Rì, Ngân Sơn.

Về phát triển ngành nông, lâm nghiệp, xác định phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với rừng sản xuất; phát triển các vùng sản xuất tập trung. Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển các dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Với phát triển công nghệ thông tin (trọng tâm là chuyển đổi số), hoàn thiện hạ tầng phục vụ cho nhu cầu kết nối của toàn dân cũng như công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Đẩy nhanh xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

Về phát triển ngành công nghiệp, công nghiệp sản xuất chế biến nông, lâm sản và dược liệu: Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản và dược liệu gắn với vùng nguyên liệu, đưa Bắc Kạn trở thành một trong những trung tâm chế biến nông, lâm sản và dược liệu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Công nghiệp sản xuất và phân phối điện: Thu hút phát triển điện gió, điện sinh khối, thủy điện tích năng, phát triển điện mặt trời áp mái và trên nước tại những địa điểm, khu vực phù hợp.

Công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng: Khai thác các khoáng sản có giá trị kinh tế mà tỉnh Bắc Kạn đang có lợi thế để đưa vào chế biến sâu, chế biến tinh.

Công nghiệp hỗ trợ, tiêu dùng: Khuyến khích đầu tư các dự án công nghiệp sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, công nghiệp phụ trợ cho các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của đồng bằng Bắc Bộ./.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực