Bài 4: Sơn La cùng đồng vốn tín dụng trên đường thành “thủ phủ” trái cây phía Bắc

Hành trính tín dụng chính sách 20 năm trên đất Sơn La
Thứ sáu, 09/09/2022 11:09
(ĐCSVN) - Chuyến công tác dài ngày theo chân cán bộ tín dụng chính sách tỉnh Sơn La đã đưa chúng tôi đến với Mai Sơn, Bắc Yên và Phù Yên những ngày cuối hè chớm thu của năm 2022. Đây cũng là khoảng thời gian khí hậu và thời tiết khá chiều lòng người.

Bài 1: Mai Sơn mùa quả ngọt

Bài 2: Khúc reo ca trên rẻo cao Bắc Yên

Bài 3: Ngày nắng mới, xanh mát rừng nơi đất Phù Yên

Điều vui mừng hơn nữa là tới mỗi vùng đất, chúng tôi lại cảm nhận được sự no đủ, ấm êm hiện hữu một cách rõ ràng và sinh động hơn bao giờ hết.

Tín dụng chính sách củng cố lòng tin của dân với Đảng, với Nhà nước

Phiên giao dịch định kỳ tại điểm xã Hồng Ngài, Bắc Yên (Ảnh: HNV)

Là một tỉnh miền núi, biên giới, có 12 dân tộc cùng chung sống. Tỉnh có 12 huyện, thành phố, 204 đơn vị hành chính cấp xã, 2.509 tổ, bản, tiểu khu (trong đó có 1.449 bản đặc biệt khó khăn; 17 xã biên giới, 126 xã khu vực III, 10 xã khu vực II và 68 xã khu vực I), tỉnh có hơn 274 km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của nước CHDCND Lào, địa hình nhiều đồi núi hiểm trở, chia cắt, phân hóa phức tạp, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn, dễ gây sạt lở, lũ lụt về mùa mưa. Tỉnh cũng có 2 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 gồm các huyện Thuận Châu và Sốp Cộp; các huyện nghèo có địa hình phức tạp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sơn La được thành lập theo Quyết định số 32/NHCS-HĐQT 14/01/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2003 để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

Qua 20 năm tổ chức triển khai thực hiện, đến nay chi nhánh đang thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách với màng lưới hoạt động của chi nhánh có 11 phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, 01 Hội sở tỉnh và 204/204 điểm giao dịch lưu động tại xã với 3.847 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) có dư nợ của NHCSXH. Hoạt động tín dụng của chi nhánh NHCSXH giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, đã tạo dựng được lòng tin trước Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân, bước đầu tạo thế và lực cho chi nhánh NHCSXH Sơn La vững bước đi lên.

Đặc biệt, việc tổ chức hoạt động giao dịch tại các xã, phường, thị trấn theo lịch cố định vào một ngày trong tháng (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật) nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay vốn tín dụng chính sách. Thông qua mạng lưới Điểm giao dịch xã rộng khắp đặt tại 204/204 xã, phường, thị trấn, dưới sự giám sát, quản lý của 841 Hội đoàn thể nhận ủy thác cấp tỉnh, huyện, xã và 3.847 Tổ TK&VV, giúp cho NHCSXH đã tập trung được nguồn lực và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách an toàn và tiết kiệm. Tại các buổi giao dịch xã Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội được trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân. Tại đây, các chính sách tín dụng của Nhà nước, các quy trình thủ tục, dư nợ của hộ vay được niêm yết công khai, là nơi người nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng các dịch vụ và các chính sách tín dụng ưu đãi. Đây là mô hình đặc thù phương thức cho vay thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH. Thông qua việc tổ chức các hoạt động giao dịch ngay tại trụ sở UBND cấp xã đã tiết giảm được chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho người dân trong việc vay vốn, trả nợ ngân hàng.

 Cán bộ tín dụng chính sách huyện Mai Sơn thăm và động viên hộ vay vốn trên địa bàn
(Ảnh: HNV)

Đáng chú ý, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có tác động lớn đến thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của người dân, nâng cao khả năng thực hành tiết kiệm để đầu tư vào sản xuất. Có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã phát huy hiệu quả. Điển hình như: Gia đình bà Tòng Thị Muôn, cư trú tại Bản Pát, xã Chiềng ngần, Thành Phố Sơn La vay vốn chương trình hộ nghèo; gia đình ông Lù Văn Vui, cư trú tại bản Có Mòn, xã Chiềng Xôm, Thành Phố Sơn La vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; gia đình ông Mòng Văn Biên, cư trú tại bản Huổi Co, xã Mường Cai, huyện Sông Mã vay vốn chương trình Hộ nghèo; gia đình bà Lò Thị Hà, cư trú tại Bản Tưn, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ vay vốn chương trình Hộ Cận nghèo; gia đình ông Triệu Tiến Thịnh, cư trú tại bản suối cốc xã Mường Cơi vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo; gia đình ông Hoàng Như Hiển, cư trú tại bản Văn Ban, thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên, vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn...

Trong hành trình tín dụng chính sách ấy, có nhiều mô hình vốn vay đang góp phần vào quá trình “thay da đổi thịt” của Sơn La trên con đường trở thành vựa nông sản lớn nhất miền Bắc với rất nhiều loại trái cây nổi bật. Với tổng diện tích cây ăn quả các loại 82.805 ha, sản lượng hàng năm trên 450.000 tấn/năm, Sơn La xứng đáng trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc. Có thể kể đến các loại trái cây nổi bật của Sơn La như: xoài, nhãn, mận, bơ, bưởi, hồng giòn... Năm 2021, sản lượng nhãn của tỉnh Sơn La đạt trên 107.390 tấn; mận 80.852 tấn (lớn nhất cả nước); cà phê nhân 29.180 tấn (đứng thứ 2 cả nước)...Ngày 21/5 mới đây, 3 sản phẩm của Sơn La gồm: Mận, chanh leo, bơ đã được công bố sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cùng thời điểm này, Sơn La cũng khai trương Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường khẳng định, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong những năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh qua các giai đoạn 2001-2005 từ 15,5% năm 2003 xuống còn 11% vào năm 2005; giai đoạn 2006-2010 từ 41% năm 2006 xuống còn 25% năm 2010; giai đoạn 2011-2015 từ 31,91% năm 2011 xuống còn 21,47% năm; giai đoạn 2016-2020 giảm từ 31,91% năm 2016 xuống còn 18,38% năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 năm 2021 của tỉnh còn 21,66%.

 Khen thưởng cán bộ tín dụng chính sách tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La vì những đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội địa phương (Ảnh: PV)

Đổi mới, ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách

Gặp gỡ cán bộ lãnh đạo tỉnh Sơn La, vị này cũng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đoàn kết, tâm huyết yêu ngành, yêu nghề, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành nhiệm vụ. Chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng của chi nhánh được nâng lên, trong những năm gần đây chi nhánh luôn được NHCSXH Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng ghi nhận, đánh giá là đơn vị hoạt động an toàn, hiệu quả trong hệ thống NHCSXH.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường cho biết thêm: 6 tháng qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiệm vụ truyền tải nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng và hiện nay, phát huy hiệu quả rất tích cực, từ đầu năm đến giờ đã giải ngân trên 800 tỷ với gần 20.000 lượt khách hàng được vay vốn, trong đó đặc biệt chương trình phục hồi phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 đã giải ngân trên 120 tỷ đồng cho bà con vay vốn để giải quyết việc làm cho các trường mầm non ngoài công lập, cho vay nhà ở xã hội, các cháu học sinh vay mua máy tính. Thời gian tới, tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, NHCSXH Sơn La cũng đã chuẩn bị các điều kiện, hiện được Trung ương giao vốn 219,5 tỷ đồng để thực hiện cho vay mua đất ở, làm nhà ở, mua đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, sản xuất kinh doanh theo các chuỗi giá trị và cho vay với nguyên vật liệu và hiện nay trên đã chỉ đạo các huyện, phối hợp với Phòng Dân tộc các huyện, bước đầu rà soát các đối tượng thụ  hưởng cũng như đang chờ hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc cùng Quyết định của UBND tỉnh giao cho các cấp có thẩm quyền thì chúng tôi sẽ thực hiện giải ngân ngay khi có quyết định phê duyệt đảm bảo các chính sách thực hiện một cách kịp thời nhất.

Cán bộ tín dụng chính sách Sơn La có mặt ở khắp địa bàn: khi thì tại Phiên giao dịch xã định kỳ, khi thì tại kỳ họp của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, khi thì thăm và động viên hộ vay vốn....
(Ảnh: HNV) 

Hiện nay, tổng dư nợ đang là 5.430 tỷ đồng với 137.000 lượt khách hàng vay vốn. Trong quá trình dịch bệnh căng thẳng và giãn cách thậm chí, chúng tôi thực hiện hướng dẫn của Trung ương, ưu tiên, động viên các Tổ trưởng hướng dẫn thanh toán qua chuyển khoản và thực hiện giao ban với Tổ trưởng thông qua hình thức trực tuyến (zalo) đảm bảo người dân tiếp cận vốn. Hoạt động tín dụng chính sách không bị dừng, không bị ngừng mặc dù xã hội giãn cách.

Với hoạt động dùng app mobile thì địa bàn tỉnh triển khai phần mềm Mobile banking, bước đầu thí điểm trong cán bộ ngân hàng, tổ chức xã hội đang làm ủy thác và các đồng chí thành viên các cấp, nhận phản hồi tích cực, giúp bà con giao dịch nhanh, thuận tiện và có thể theo dõi lịch sử giao dịch ngay. Sơn La triển khai ngay từ cuối 2021 và cũng là địa bàn triển khai ứng dụng KHCN vào tín dụng chính sách nhanh nhạy, cũng đồng thời thực hiện giao dịch thông qua phần mềm.

Giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, với những kết quả mà các chương trình tín dụng chính sách xã hội mang lại trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua, cùng với sự quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân về hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, là những minh chứng rõ nét để khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi với thực tiễn kinh tế - xã hội và nhu cầu vay vốn của Nhân dân nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; ghi nhận vai trò của tín dụng chính sách có tác động tích cực, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh; qua đó thúc đẩy sự vào cuộc, tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo toàn diện hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, số lượng, chất lượng và hiệu quả đầu tư tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng và nâng lên.

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực