Bộ Tài chính nỗ lực trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Thứ tư, 19/02/2020 16:17
(ĐCSVN) – ​ Thời gian qua, với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Gọi là Ủy ban 1899), Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ giao, có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
 Ảnh minh họa (Ảnh: MP)

Tích cực phối hợp với các bộ, ngành

Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) mới, mở rộng phạm vi, số lượng doanh nghiệp tham gia đối với các TTHC đã triển khai thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia để đảm bảo đáp ứng mục tiêu và tiến độ Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020.

Theo Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban 1899 (Thông báo số 292/TB-VPCP), năm 2019, các Bộ ngành phải hoàn thành triển khai 61 thủ tục hành chính mới. Trong tổng số 61 thủ tục hành chính cần triển khai mới của năm 2019, các Bộ, ngành đề xuất điều chỉnh số lượng triển khai 10 thủ tục. Như vậy, thủ tục phải triển khai năm 2019 là 51 thủ tục.

Sau cuộc họp lần thứ năm của Ủy ban 1899 (tháng 7/2019), Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ để triển khai chính thức thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với 15 TTHC mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2 thủ tục); Bộ Y tế (10 thủ tục); Bộ Thông tin và Truyền thông (3 thủ tục). Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng mới và đang trong quá trình kiểm thử đối với 22 TTHC mới của Bộ Quốc phòng (6 thủ tục); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (10 thủ tục); Bộ Công Thương (6 thủ tục).

Đến nay, các Bộ đã triển khai chính thức và thực hiện kết nối 37/51 thủ tục chiếm 72,5% (trong đó triển khai được 15/51 thủ tục chiếm 29,4%; đang kết nối và kiểm thử 22/51 thủ tục chiếm 43,1%); chưa khởi động thực hiện 14 thủ tục của Bộ Y tế chiếm 27,5% (14/51). Dự kiến các Bộ có thể hoàn thành triển khai các thủ tục trong Quý I/2020. Một số bộ, ngành đã hoàn thành Cơ chế một cửa quốc gia. Đơn cử như các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải.

Tính đến cuối năm 2019 đã có 188 TTHC của 13 Bộ, ngành được kết nối chính thức trên Cơ chế một cửa quốc gia (tăng 15 thủ tục so với năm 2018) và 22 thủ tục thực hiện kết nối để chuẩn bị triển khai chính thức. Số lượng hồ sơ tham gia Cơ chế một cửa quốc gia là  trên 2,8 triệu với sự tham gia của hơn 35 ngàn doanh nghiệp.

Được biết, trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ và các đơn vị liên quan tổ chức 12 đợt tập huấn triển khai các thủ tục mới, tuyên truyền về công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và cổng thông tin, báo điện tử của Tổng cục Hải quan.

Đồng thời, đơn vị này cũng tích cực hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia thông qua bộ phận hỗ trợ thường trực (Helpdesk) của Tổng cục Hải quan; phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch triển khai các thủ tục hành chính mới thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN

Hiện tại, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 08 nước ASEAN gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar và Lào. Tính đến ngày 31/01/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 165.061 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 201.652 C/O.

Việt Nam dự kiến sẽ kết nối chính thức thêm Philippin và kết nối thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (dự kiến tháng 01/2020) và chứng nhận kiểm dịch thực vật (dự kiến tháng 04/2020).

Liên quan đến kết nối với đối tác ngoài ASEAN,  Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu song song với việc thiết lập kênh kết nối an toàn; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu về đề xuất trao đổi chứng nhận kiểm dịch điện tử của Niu-di-lân; phối hợp thử nghiệm công nghệ Chuỗi khối trong tiếp nhận thông tin chứng nhận xuất xứ từ Hải quan Hàn Quốc…

Đáng chú ý, trong năm 2019, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về thực hiện các TTHC theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020). Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chương trình triển khai Nghị định số 85/2019/NĐ-CP để chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện thống nhất.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung; triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không theo Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg ngày 26/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện theo Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, tổng hợp, xây dựng Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TT; đánh giá, đo lường chỉ số hoạt động của các TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Nỗ lực hoàn thành kế hoạch

Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp nhịp nhàng trong công tác tham mưu, điều phối trong công tác chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.

Dựa trên Kế hoạch hành động chi tiết các Bộ, ngành đã xây dựng và thực hiện chỉ đạo tại Thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã văn bản gửi 13 Bộ, ngành đề nghị các Bộ tích cực, chủ động và phân công các đơn vị đầu mối để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đặt ra tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và các Thông báo kết luận. Đồng thời, Bộ đã chuẩn bị chu đáo để tổ chức các phiên họp của Ủy ban 1899. Trên cơ sở mục đích, yêu cầu của các phiên họp này, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chuẩn bị các nội dung có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh, phát huy những kết quả đạt được, phối hợp khẩn trương cùng các Bộ, ngành tập trung nhân lực và công nghệ để hoàn thành triển khai các thủ tục theo kế hoạch.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại thời gian qua đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận trong công tác cải cách hành chính. Các doanh nghiệp không phải đến trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, do đó giúp làm giảm chi phí, thời gian thông quan, từ đó góp phần xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước góp phần xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay.

Bên cạnh đó, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN, đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại đã góp phần hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phát triển. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt nam những năm gần đây đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2017 đạt mốc trên 400 tỷ USD và đến năm 2019 đã vượt 500 tỷ USD./.

M.P (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực