|
Ảnh minh họa (Ảnh: TL) |
Tiến độ giải ngân 3 chương trình MTQG rất chậm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), về kết quả phân bổ vốn đầu tư: dự toán NSTW năm 2022 giao cho 03 Chương trình MTQG là 24.000 tỷ đồng (Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 9.000 tỷ đồng, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 9.000 tỷ đồng, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 6.000 tỷ đồng). Tính đến hết ngày 30/11/2022, Bộ Tài chính đã nhận được 52/52 tỉnh đã giao kế hoạch vốn thực hiện cho các cơ quan, đơn vị cấp trực thuộc là 23.981.023 triệu đồng, còn lại 18.977 triệu đồng chưa giao của tỉnh Khánh Hòa (8.480 triệu đồng kế hoạch vốn CTMTQG Giảm nghèo bền vững, 10.497 triệu đồng kế hoạch vốn CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
Về giải ngân: đến hết tháng 10/2022 là 1.868,68 tỷ đồng, đạt 7,79% kế hoạch; trong đó: Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 297.472 triệu đồng, đạt 3,3%, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 1.156.480 triệu đồng, đạt 12,8%, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 414.731 triệu đồng, đạt 7%). Tỷ lệ giải ngân nêu trên, thấp hơn trung bình giải ngân vốn NSTW của cả nước là 45,5%.
Ước lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 là 4.094,7 tỷ đồng, đạt 17,06% kế hoạch, trong đó Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 964.616 triệu đồng, đạt 10,7%, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 2.112.006 triệu đồng, đạt 23,5%, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 1.018.085 triệu đồng, đạt 17%). Ước tỷ lệ giải ngân nêu trên, thấp hơn ước trung bình giải ngân vốn NSTW của cả nước là 54%.
Phân bổ vốn đầu tư chậm, do đâu?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, một số nguyên nhân được chỉ ra đối với việc phân bổ vốn đầu tư chậm như: Kế hoạch vốn NSTW năm 2022 do Trung ương giao chậm (đến cuối tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ mới giao), dẫn tới các địa phương giao chậm cho các dự án; Một số bộ, ngành trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn chậm, thậm chí có một số nội dung chi đến nay còn chưa ban hành hướng dẫn, như: (i). Hướng về đơn giá, định mức về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung của dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (ii). Hướng dẫn về nội dung "Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự" tại tiểu dự án 2 dự án 10 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.
Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa ban hành quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ (bằng hiện vật hoặc bằng tiền) theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cần sớm hoàn thiện cơ chế trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công
Trình Thủ tướng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho rằng các chủ Chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông) và địa phương cần ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục thanh toán; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, để tìm ra nguyên nhân thực hiện và giải ngân chậm ở từng dự án. Rà soát và quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án có khả năng thực hiện để phấn đấu giải ngân hết kế hoạch được giao.
Thường xuyên tổ chức giao ban với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư của các dự án, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền sớm có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Có chế tài xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án không thực hiện hết kế hoạch vốn đã được giao theo quy định.