Cảnh báo về tình trạng gấu hoang dã ở Việt Nam đang suy giảm nghiêm trọng

Thứ hai, 03/04/2017 14:45

(ĐCSVN) - Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia), Tổ chức Bảo tồn gấu (Free The Bears) và Trung tâm Môi trường và Phát triển nông thôn của Đại học Vinh đã tiến hành một dự án hợp tác khảo sát về thực trạng và sự phân bố của loài gấu ở Việt Nam. Kết quả khảo sát được thực hiện thông qua phỏng vấn hơn 1000 người sống gần 22 khu bảo tồn của Việt Nam cho thấy số lượng gấu hoang dã ở Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng trong 20 năm qua.

Cá thể gấu cần được bảo vệ (Ảnh: T.T)

Để phục vụ cho nghiên cứu này, 22 khu vực bảo tồn đã được lựa chọn làm địa điểm trọng tâm dựa trên lịch sử phân bố loài gấu, những dữ liệu vốn có về sự hiện diện của loài gấu, loại môi trường sống, khoảng cách từ khu dân cư đô thị lớn, khoảng cách từ các khu vực rừng lân cận và sự phân bố các địa điểm trên khắp Việt Nam. Từ tháng 4/2015 đến tháng 1/2016, đơn vị thực hiện khảo sát là đại học Vinh đã phỏng vấn 1,441 cá nhân ở 106 làng gần với 22 khu vực bảo tồn, kết quả chỉ ra rằng quần thể gấu đã bắt đầu suy giảm trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2005, do bị săn bắt và đánh bẫy. Đây cũng chính là giai đoạn mà ngành kinh doanh nuôi nhốt gấu lấy mật bùng nổ ở Việt Nam.

Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2005, số lượng gấu trong các trại nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam tăng hơn mười lần, từ khoảng 400 cá thể gấu lên tới hơn 4,000. Các cá thể gấu trong các trại gấu chủ yếu là gấu đen châu Á, hay còn gọi là gấu ngựa, và thường xuyên bị trích hút mật đầy đau đớn và thiếu vệ sinh để làm thuốc y học cổ truyền.

Báo cáo mới cũng công bố, hiện Việt Nam không có một khu bảo tồn nào được khảo sát có quần thể gấu khỏe mạnh. Số lượng gấu đã bị suy giảm nghiêm trọng, tuy rằng thỉnh thoảng vẫn người dân báo nhìn thấy gấu trong vài năm gần đây. Sự tồn tại của gấu ở một số khu vực đã được xác nhận bằng các bẫy ảnh và các hoạt động săn bắt gấu hoang dã. Tuy nhiên, các cá thể gấu được bẫy ảnh chụp lại hoặc bị bắt trộm trong những năm vừa qua có thể là những cá thể gấu cuối cùng còn lại trên địa bàn và quần thể gấu hầu như không có khả năng tự phục hồi nếu không có đầu tư ngay lập tức vào các công tác can thiệp bảo tồn, chẳng hạn bảo vệ rừng và dịch chuyển gấu.

Ông Brian Crudge, Trưởng Dự án và Quản lý Chương trình Nghiên cứu của Tổ chức Free the Bears, chia sẻ: "Kết quả khảo sát đã đóng góp thêm bằng chứng, chứng minh rằng việc nuôi nhốt gấu lấy mật không hề có giá trị bảo tồn đối với quần thể gấu hoang dã và nhiều khả năng là còn góp phần làm tăng nhu cầu và đẩy mạnh nạn săn bắn gấu."

Ông Matt Hunt, Tổng Giám đốc Điều Hành của Tổ chức Free the Bears, Đồng Chủ tịch Nhóm Chuyên gia về Gấu đen Châu Á  thuộc Nhóm Chuyên gia Gấu của Liên hiệp Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nhận định: "Lần đầu tiên, các kết quả khảo sát đã cho thấy rõ rằng việc nuôi nhốt gấu lấy mật là một bước đi sai lầm. Hy vọng duy nhất của chúng ta là quần thể gấu hoang dã vẫn còn khả năng tự phục hồi ở Việt Nam, và các quốc gia còn tồn tại nạn nuôi nhốt gấu lấy mật khác sẽ rút kinh nghiệm và chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật trước khi quá muộn."

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện tại Việt Nam của Tổ chức Động vật Châu Á, cho rằng: "Gấu đang phải chịu bạo hành và khổ sở trong những chiếc lồng sắt tại các trại nuôi gấu. Sự tồn tại của ngành công nghiệp tàn bạo này không mang lại kết quả gì tốt đẹp, và mọi thứ chỉ càng tệ hơn đối với gấu trên cả phương diện phúc lợi và bảo tồn. Hiện nay số lượng gấu ngựa đã ít hơn trước đây rất nhiều. Việc nuôi nhốt gấu lấy mật đã thất bại trên mọi phương diện, Việt Nam và các quốc gia châu Á cần rút ra bài học và phải quyết tâm đảm bảo tương lai cho các sinh vật này ngoài tự nhiên.”

Tổ chức Bảo tồn gấu (Free the Bears) và Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đang tài trợ và vận hành các trung tâm cứu hộ gấu tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) và Vườn Quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), để chăm sóc cho các cá thể gấu được cứu hộ từ các trại nuôi nhốt gấu lấy mật và từ các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép.

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực