Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về phát triển và chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo

Thứ tư, 23/10/2024 19:37
(ĐCSVN) - Bộ Công Thương và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam vừa đồng tổ chức Hội thảo: “Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về phát triển và chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo” ngày 23/10/2024, tại Hà Nội.
Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng ngành năng lượng tái tạo (Nguồn: S.T)

Hội thảo nhằm chia sẻ về định hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, kinh nghiệm của Vương quốc Anh về việc phát triển dự án, triển khai chuỗi cung ứng và xây dựng chính sách cho các ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam như điện gió ngoài khơi, hydrogen, lưu trữ năng lượng, lưới điện thông minh…

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã nêu một số thông tin về định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam: Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào cho phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện mặt trời, điện gió bao gồm gió trên bờ và gió ngoài khơi. Theo tính toán tại Quy hoạch điện VIII, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW, trong đó: mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW, tổng tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ khoảng 221.000 MW, điện gió ngoài khơi khoảng 600.000 MW.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển đáng nghi nhận của các nguồn điện năng lượng tái tạo. Đến thời điểm hiện tại, công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo là 22.370 MW, chiếm 27,1% tổng công suất đặt của hệ thống điện là 82.617 MW, trong đó: nguồn điện gió là 5.345 MW (điện gió trên bờ), chiếm tỷ trọng 6,47%, điện mặt trời là 16.630 MW, chiếm tỷ trọng 20,13%, điện sinh khối là 395 MW, chiếm tỷ trọng 0,48% hệ thống điện. Sản lượng điện từ NLTT đạt 43,96 tỷ kWh chiếm 20,52% so với sản lượng điện toàn hệ thống.

Ngày 14 tháng 12 năm 2022, Việt Nam đã trở thành quốc gia tham gia Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia phát triển và tổ chức tài chính hàng đầu nhằm huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư nhân trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Các Đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Để đảm bảo triển khai hiệu quả JETP, Bộ Công Thương đã được phân công làm Cơ quan thường trực Ban Thư ký thực hiện JETP và chủ trì Nhóm Công nghệ và Năng lượng triển khai JETP. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực làm việc với các Bên liên quan thành lập 09 Tiểu nhóm công tác trong khuôn khổ Nhóm Công nghệ và Năng lượng bao gồm: Điện gió ngoài khơi; Trung tâm công nghiệp dịch vụ NLTT; Hệ thống lưu trữ năng lượng; Lưới điện thông minh; Chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than; Đào tạo, nâng cao năng lực; Hydrogen; Hiệu quả năng lượng và Tổng hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, Bộ Công Thương  sẵn sàng hợp tác với các Bộ, ngành, đối tác liên quan của Vương quốc Anh, với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam để thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ JETP, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi mà Vương quốc Anh có thế mạnh.

Đại diện tổ chức ORE Catapult cùng đại diện Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam, tập đoàn BP Vương quốc Anh cũng lần lượt chia sẻ về các bước triển khai chi tiết các dự án năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, cùng với đó là các thực trạng và kinh nghiệm triển khai chi tiết từ Vương quốc Anh. Hội thảo kéo dài cả ngày, mang lại thông tin chi tiết hữu ích về đầu tư, kỹ thuật cần thiết cho các dự án năng lượng tại Việt Nam. Hội thảo cung cấp thông tin đầu vào hữu ích giúp các nhà đầu tư là các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài nắm bắt, nghiên cứu, áp dụng vào kế hoạch triển khai dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực