Ngày 28/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hợp tác với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp ở Việt Nam.
|
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: PV) |
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau khi hứng chịu những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Song song với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đang đề ra những định hướng, chủ trương chính sách nhằm cụ thể hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, thông qua nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Việt Nam đã có các Nghị quyết quan trọng của Đảng về phát triển công nghiệp. Cụ thể, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tư duy về phát triển công nghiệp cũng đã được lồng ghép trong các Nghị quyết của Đảng về tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0, phát triển vùng,… Trên cơ sở các Nghị quyết ấy, một yêu cầu là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ để định hướng mà còn tạo thuận lợi, tạo khung khổ pháp lý ổn định cho phát triển công nghiệp ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo,TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau khi hứng chịu những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Chúng ta đang chứng kiến những điểm sáng trong việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế thông qua việc đề ra nhiều giải pháp tạo động lực cho nền kinh tế; phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cùng với việc nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ cải cách, chúng ta cũng phải đối mặt với rủi ro về nhiều cải cách mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm. Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn. Trong bối cảnh ấy, tư duy phát triển theo hướng trọng tâm hơn lại càng cần thiết. Một trọng tâm quan trọng là làm thế nào để tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp của đất nước.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chia sẻ các tư duy, định hướng về phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Các nội dung cụ thể bao gồm xây dựng pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp, thúc đẩy các ngành công nghiệp trọng điểm như ô tô, điện tử. Hội thảo cũng thảo luận định hướng phát triển công nghiệp gắn với chuyển đổi số, và các định hướng, kiến nghị phát triển công nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2045.
|
Công nghiệp Việt Nam có tiềm năng phát triển xa hơn (Ảnh: PV) |
Các chuyên gia, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề, thực trạng phát triển công nghiệp ở Việt Nam thời gian qua, cơ hội và thách thức đối với phát triển công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, FDI dẫn dắt, định hướng xuất khẩu, cạnh tranh toàn cầu và đầy đủ nhưng phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu, tỷ trọng giá trị gia tăng trong nước thấp và ngày càng giảm. Các bộ phận cốt lõi đều là công nghệ cao, lưỡng dụng, chỉ do các doanh nghiệp Mỹ, EU và Nhật Bản sản xuất nên không dễ thay thế; các doanh nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp các bộ phận đơn giản, phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ kinh doanh không ổn định và không lành mạnh. Do đó, bà Thúy khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung xây dựng quan hệ đối tác tin cậy trong ngành điện tử ở tầm vĩ mô và vi mô, thu hút thêm vốn FDI vào lĩnh vực điện tử để tạo chuỗi cung ứng nội địa, liên kết doanh nghiệp FDI-địa phương, nâng cao kỹ năng, năng lực của doanh nghiệp địa phương về công nghệ sản xuất, nhất là hài hòa khung pháp lý với các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là liên quan đến tính bền vững; nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy, chính sách chiến lược củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, CIEM, thế giới đã và đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhất là từ sự đột phá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có số hóa các ngành sản xuất. Việt Nam đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, bao gồm thông qua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và cũng không nhất thiết sẽ bị tụt hậu trong chuyển đổi số so với các nền kinh tế ở trình độ phát triển cao hơn. Hơn nữa, sự gián đoạn của các hoạt động kinh tế theo phương thức truyền thống buộc các doanh nghiệp và cơ quan Việt Nam phải tăng cường nỗ lực hướng tới CMCN 4.0, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Dịp này, ông Nguyễn Anh Dương đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cho ứng dụng CMCN 4.0, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, quan tâm đầy đủ đến việc triển khai các chính sách phát triển CMCN 4.0, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bao gồm việc bố trí đủ thời gian, nhân sự và nguồn lực tài chính để thực hiện. Rà soát, phổ biến các mô hình tốt trong nước ở cả cấp độ chính sách và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và ứng dụng CMCN 4.0, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghiên cứu, tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong việc ứng dụng CMCN 4.0, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo dõi chặt chẽ khoảng cách số giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, giữa các tập đoàn lớn và DNNVV, giữa các vùng địa lý và giữa các nhóm xã hội.