Định hướng phát triển thị trường châu Âu trong năm mới

Thứ ba, 17/01/2023 17:27
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, năm 2022, tình hình quốc tế và châu Âu có nhiều diễn biến phức tạp, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều nước, rủi ro về suy thoái kinh tế tại các nước khu vực châu Âu và tiêu dùng có xu hướng giảm, nhưng công tác phát triển thị trường châu Âu đã đạt được những kết quả tích cực.
 Hội nghị tổng kết công tác phát triển thị trường châu Âu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 (Ảnh: A.N)

Đó phát biểu của Thứ trưởng Đặng Hoàng An tại Hội nghị tổng kết công tác phát triển thị trường châu Âu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vừa được Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức.

Theo báo cáo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước châu Âu trong năm 2022 đạt khoảng 76,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 56 tỷ USD, tăng 10,2%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu đạt 35,5 tỷ USD. Đây là những kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và kinh tế của cả nước. Trong đó, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giảm pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường châu Âu.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Đặng Hoàng An biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực trong việc phát triển thị trường châu Âu năm 2022. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác phát triển thị trường châu Âu như: chưa chú trọng phát triển các thị trường tiềm năng, là các thị trường có quy mô nhỏ nhưng mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao; hoạt động của Thương vụ tại một số địa bàn kiêm nhiệm chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Ngoài ra, trên thực tế nhiều mặt hàng của Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao do EU đặt ra từ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc đến các vấn đề môi trường, phát triển bền vững… dẫn đến khó khăn trong tiếp cận sâu hơn vào khu vực thị trường này; các doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng phát triển thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu, hiện vẫn đang tập trung nhiều vào xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu, gia công có giá trị gia tăng chưa cao. 

Bước sang năm 2023, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: các Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác khu vực châu Âu (EVFTA, VN-EAEU FTA, UKVFTA,...) tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam; nhu cầu các mặt hàng nông sản đảm bảo an ninh lương thực tăng cao lại là mặt hàng xuất khẩu thể mạnh của Việt Nam; v.v…, công tác phát triển thị trường châu Âu sẽ đối diện với một số khó khăn thách thức. Cụ thể, xung đột Nga – Ucraina tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu làm trầm trọng hơn tình trạng tăng giá năng lượng; Chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, tăng lãi suất và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; Xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa của Việt Nam, khiến một số ngành xuất khẩu đứng trước nguy cơ khó khăn khi tiếp cận thị trường; các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu...

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng chỉ đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ lưu ý một số nội dung trong công tác phát triển thị trường châu Âu năm 2023 như sau:

Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp duy trì và phát triển thị trường châu Âu. Tập trung xây dựng chiến lược phát triển thị trường các nước EU, SNG. Phát huy tốt hơn vai trò tư vấn trong việc định hướng tổ chức sản xuất trong nước phù hợp với thay đổi của thị trường, chú trọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đối với các thị trường chủ chốt, thị trường truyền thống và đẩy mạnh việc phát triển các thị trường ngách, thị trường tiềm năng. Phải tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa thị trường thông qua việc: (i) phối hợp với các đơn vị trong Bộ thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, các khung hợp tác kinh tế thương mại; (ii) thúc đẩy phát triển những thị trường tiềm năng tại khu vực Đông Âu, Nam Âu, khu vực Á – Âu (Eurasia); (iii) nghiên cứu, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, địa phương phát triển những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng mới…

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực thi các FTA và các khung khổ hợp tác Ủy ban liên chính phủ (UBLCP), Ủy ban hỗn hợp (UBHH)... Cụ thể, đẩy mạnh công tác triển khai thực thi, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các đối tác khu vực châu Âu (EVFTA, UKVFTA, VN-EAEUFTA v.v…) để phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh. Thông qua các cơ chế Ủy ban liên Chính phủ/hỗn hợp, xây dựng cách tiếp cận mới để tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hợp tác kinh tế - thương mại song phương, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hai bên tận dụng mọi cơ hội để phát triển thị trường, và tối đa hóa lợi ích của các Hiệp định, các khung khổ hợp tác.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường. (i) Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng, tập trung vào những điểm còn hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thông tin thị trường; khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu… (ii) Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ doanh nghiệp; (iii) Tiếp tục triển khai mạnh mẽ “Đề án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối ở ngoài nước tới năm 2030”; (iv) tận dụng nguồn lực các chuyên gia nước ngoài và các doanh nghiệp Việt bào (thông qua hoạt động với cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài) hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và từng bước xây dựng thương hiệu của mình; (v) Xúc tiến mạnh mẽ việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, có tính chất nền tảng với công nghệ lõi; nghiên cứu thêm các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực đầu tư ra thị trường nước ngoài để từ đó có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước trong khu vực Âu - Mỹ.

Thứ năm, chỉ đạo và phối hợp tốt với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu triển khai hiệu quả các mảng công việc tại địa bàn sở tại và kiêm nhiệm.

Thứ sáu, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, các địa phương các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực