Đồng Tháp có 19 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài

Thứ sáu, 11/08/2017 17:30
Hiện tỉnh Đồng Tháp có 19 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động trong và ngoài các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 4.749 tỷ đồng, tập trung chủ yếu các lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản, may mặc, xay xát, chế biến và xuất khẩu gạo...

 

Những nỗ lực trong cải cách hành chính và xúc tiến đầu tư đã khiến
nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến với Đồng Tháp. Ảnh: Báo Đầu tư.


Công ty Wenzhou Hendy Mechanism and Llastic Co.ltd với dự án Nhà máy nhựa Khải Phát – Việt Nam có số vốn đầu tư lớn nhất ở tỉnh Đồng Tháp là trên 953 tỷ đồng; tiếp đến là Công ty TNHH Liên doanh Mavin Austfeed với dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản Austfeed Mekong vốn đầu tư hơn 675 tỷ đồng…

Đa số các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều chấp hành đúng quy định pháp luật, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Những năm qua, tỉnh thường xuyên tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư để các nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu thông tin về tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương.

Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài được chú trọng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành liên quan của tỉnh. Việc giải quyết  thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng, kịp thời.

Ông Trương Hoài Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, chủ trương của tỉnh là thu hút các nhà đầu tư vào địa phương, sẵn sàng đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, đầu tư, sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư mới.

Vài năm trở lại đây, địa phương thu hút nhà đầu tư lớn đến thăm dò và đầu tư  như: Tập đoàn Austfeed (Australia) , Tập đoàn Nghi Phong, Tý Thạc QMI  của Đài Loan (Trung Quốc), Tập đoàn DiaLog(Nga), Tập đoàn In Jae (Hàn Quốc), Tập đoàn Vingroup…

Địa phương tập trung hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp; cơ chế chính sách, tạo môi trường lành mạnh, kiểm tra chất lượng dịch vụ công và cam kết làm hài lòng nhà đầu tư. Địa phương có chính sách khuyến khích và hỗ trợ  nhà đầu tư chế biến các sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt, nhãn, ớt.

Cũng theo ông Trương Hoài Châu, thông điệp của Đồng Tháp là chủ động đến với doanh nghiệp, không thụ động "ngồi chờ", tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Tỉnh Đồng Tháp đề ra giải pháp thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian tới là tăng cường xúc tiến đầu tư và quảng bá thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng.

Địa phương xây dựng danh mục, dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh bố trí quỹ đất sạch tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư.

Đồng Tháp chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến giao thông chính kết nối với các Khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá, sản phẩm của nhà đầu tư; tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tháng 11/2017 tại tỉnh Đồng Tháp.

Tỉnh định hướng quy hoạch mở rộng và thành lập mới 07 Khu công nghiệp để thu hút đầu tư gồm: Khu công nghiệp Ba sao diện tích 150 ha, Khu công nghiệp Tân Kiều diện tích 150 ha, Khu công nghiệp Trường Xuân – Hưng Thạnh diện tích 150 ha, Khu công nghiệp công nghệ cao diện tích 250 ha, Khu công nghiệp Sông Hậu 2 diện tích 150 ha, Khu công nghiệp Sa Đéc diện tích 90 ha và Khu công nghiệp Trần Quốc Toản diện tích 70 ha./.

Nguyễn Văn Trí/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực