Gia tăng về lượng khách du lịch quốc tế
Theo dữ liệu mới của UNWTO, hơn 900 triệu khách du lịch đã đi du lịch quốc tế vào năm 2022, gấp đôi con số được ghi nhận vào năm 2021 mặc dù vẫn bằng 63% so với mức trước đại dịch năm 2019. Mọi khu vực trên toàn cầu đều ghi nhận sự gia tăng đáng chú ý về số lượng khách du lịch quốc tế. Trung Đông có mức tăng mạnh nhất khi lượng khách đến tăng 83% so với trước đại dịch. Châu Âu đạt gần 80% mức trước đại dịch khi đón 585 triệu lượt khách vào năm 2022. Châu Phi và châu Mỹ đều phục hồi khoảng 65% lượng khách trước đại dịch, trong khi châu Á và Thái Bình Dương chỉ đạt 23% do các hạn chế liên quan đến đại dịch mới bắt đầu được gỡ bỏ chỉ trong những tháng gần đây.
UNWTO dự báo sự phục hồi sẽ tiếp tục trong suốt năm 2023. Trong đó, việc Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 là một bước quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới bởi đây là thị trường khách du lịch ra nước ngoài (outbound) lớn nhất thế giới trong năm 2019. Ngoài ra, nhu cầu từ du khách Mỹ sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các điểm đến trong khu vực. Châu Âu sẽ tiếp tục tận hưởng dòng du lịch mạnh mẽ từ Mỹ.
|
Du khách quốc tế thăm Cung điện Hoàng gia Thái Lan. (Ảnh: Reuters) |
Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhận định, năm 2023 mang lại nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan đối với ngành du lịch toàn cầu. UNWTO dự đoán, du lịch thế giới sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ ngay cả khi đối mặt với nhiều thách thức bao gồm tình hình kinh tế và sự bất ổn địa chính trị tiếp diễn. Các yếu tố kinh tế có thể ảnh hưởng tới cách mọi người đi du lịch vào năm 2023. Tuy nhiên, UNWTO vẫn cảnh báo, tình hình kinh tế có thể khiến khách du lịch có thái độ thận trọng hơn vào năm 2023, với việc giảm chi tiêu, ưu tiên cho các chuyến đi ngắn hơn và du lịch gần nhà hơn.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác, cũng như những thách thức về sức khỏe liên quan đến COVID-19 cũng là những rủi ro tiêu cực và có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành du lịch trong những tháng tới.
Chỉ số niềm tin mới nhất của UNWTO cho thấy, sự lạc quan (nhưng vẫn duy trì thận trọng) đối với du lịch trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Du khách đã lạc quan hơn nhờ việc châu Á mở cửa và lượng chi tiêu mạnh vào năm 2022 từ cả thị trường nguồn du lịch truyền thống và mới nổi.
Du lịch Việt Nam thu hút khách từ thị trường các nước đối tác
Năm 2022, ngay khi Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3, ngành Du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, dù hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc và thành công đáng kể, nhất là du lịch nội địa, nhưng với thị trường quốc tế, ngành Du lịch vẫn chưa đạt được như kế hoạch.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,66 triệu lượt, tương ứng trên 70% so với mục tiêu.
|
Năm 2023, Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế. (Ảnh: H.T) |
Dù hoạt động đón khách quốc tế chưa như kỳ vọng, năm 2023, Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đây là thách thức lớn nhưng với đà phát triển của năm 2022 cùng những dự báo khởi sắc của du lịch quốc tế, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Hiện tại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó châu Á chiếm tỷ lệ lớn, nhất là sự gia tăng khách của những thị trường mới nổi là Ấn Độ, Campuchia. Dù còn gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để tăng lượng khách du lịch, đặc biệt, thị trường khách lớn nhất là Trung Quốc sẽ trở lại trong năm nay, khi Chính phủ nước này đã mở các cửa khẩu quốc tế vào ngày 8/1/2023.
Theo UNWTO, Trung Quốc vốn là thị trường khách du lịch ra nước ngoài (outbound) lớn nhất thế giới trong năm 2019. Việc Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 là một bước quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam đã tích cực xúc tiến quảng bá du lịch và đặc biệt hướng tới thị trường khách nội khối ASEAN. Theo Tổng cục Du lịch, ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nếu tính cả các nước đối tác chính (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga) thì thị trường nguồn ASEAN và các nước đối tác chính chiếm khoảng 77,5% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam năm 2019.
Riêng năm 2022, Việt Nam đã đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó có 920 nghìn lượt khách từ ASEAN, số khách từ ASEAN đã phục hồi được khoảng 45% so với trước đại dịch.
Trong năm 2023, du lịch Việt Nam mong muốn sẽ sớm được đón tiếp các đoàn ASEAN tham dự các sự kiện lớn về du lịch tại Việt Nam trong năm 2023, như Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM tại Hà Nội và ITE-HCMC tại TP. Hồ Chí Minh, chuỗi sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2023 tại tỉnh Bình Thuận với chủ đề “Hội tụ xanh”, Festival Huế 2023... Đây sẽ là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về du lịch địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung đến đông đảo bạn bè quốc tế. Đồng thời mở ra giai đoạn mới trong hợp tác du lịch với các quốc gia, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy mở rộng thị trường khách du lịch trong khu vực và trên thế giới.