Gần 8.000 tỷ đồng được VPBank chi để mua lại trái phiếu trước hạn

Thứ năm, 29/12/2022 14:32
(ĐCSVN) - Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có các thông báo về kết quả mua vào trái phiếu trước hạn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Theo đó, vào các ngày 16/12, 20/12, 21/12 và 22/12, VPBank đã tiến hành mua lại toàn bộ 6.300 tỷ đồng trái phiếu của các lô VPBL2124026, VPBL2124027, VPBL2124028 và VPBL2124029.
 Ảnh minh họa (Ảnh: PV)

Trước đó vào ngày 15/12, VPBank cũng đã tiến hành mua lại toàn bộ 1.670 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô VPBL2124025.

Như vậy, tính từ trung tuần tháng 12 đến nay, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE: VPB) đã có nhiều lần mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị lên đến 7.970 tỷ đồng.

Các lô trái phiếu này đều được phát hành vào tháng 12/2021 có thời hạn 3 năm với lãi suất 2,4%/năm; và là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền; được phát hành với mục đích bổ sung nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn bằng tiền Đồng và nâng cao năng lực tài chính của VPBank, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2022, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của VPBank tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2021 lên mức 15.858 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi chỉ tăng 35%, đẩy lãi thuần của ngân hàng trong quý III đạt hơn 10.385 tỷ đồng, tăng 39%.

Trong quý III, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 44%, chi phí dự phòng rủi ro tăng 9%, lần lượt là hơn 3.536 tỷ đồng và hơn 5.423 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, VPBank báo lãi trước thuế quý III đạt 4.514 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 19.837 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 67% kế hoạch năm 2022.

Kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng của VPBank là tích cực song vẫn có những điểm đáng chú ý. Riêng về chất lượng tài sản, tính đến thời điểm 30/9/2022, tổng nợ xấu hợp nhất của VPBank tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, hai nhóm nợ 3 và 4 không có nhiều sự thay đổi nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gấp 2,8 lần so với đầu năm lên 5.679,3 tỉ đồng. Kết quả, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay tăng từ 4,57% đầu năm lên hơn 5%.

L.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực