Cửa hàng được xây dựng trên diện tích hơn 240 m2 (tại số 6A Nguyễn Thị Minh Khai, phường 1, thành phố Trà Vinh), với tổng mức đầu tư gần 1,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh.
Được biết, để cửa hàng đi vào hoạt động, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ký gửi 94 sản phẩm OCOP để trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Trong số 94 sản phẩm nêu trên được sản xuất tại 37 doanh nghiệp bao gồm 40 sản phẩm đạt chứng nhận 04 sao, 50 sản phẩm đạt chứng nhận 03 sao và các sản phẩm đặc sản, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của Trà Vinh.
Cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP hình thành nhằm kết nối người sản xuất với người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa của tỉnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là đặc sản, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu chất lượng cao… Bên cạnh đó, đây cũng là địa điểm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch khi đến Trà Vinh, giúp du khách dễ dàng chọn mua những loại đặc sản uy tín, chất lượng có thương hiệu của địa phương để sử dụng hoặc làm quà biếu, quà lưu niệm.
Qua đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, đặc sản Trà Vinh có thêm kênh quảng bá; tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, tăng lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
|
Cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP hình thành nhằm kết nối người sản xuất với người tiêu dùng. (Ảnh: baotravinh) |
Trước đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh) hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh xây dựng 3 cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP tại Khu di tích Ao Bà Om (phường 8, thành phố Trà Vinh); ấp Cồn Chim (xã Hoà Minh, huyện Châu Thành) và Khu du lịch Biển Ba Động (thị xã Duyên Hải).
Tỉnh Trà Vinh hiện có 104 sản phẩm OCOP. UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP với mục tiêu từ nay đến năm 2025 có ít nhất 165 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Theo đó, mục tiêu cụ thể được tỉnh đề ra là củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, cho các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh sẽ hỗ trợ có khoảng 30% chủ thể OCOP của hợp tác xã, 50% chủ thể OCOP của doanh nghiệp, công ty và hộ kinh doanh.
Đến năm 2025, tổng sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ có khoảng 30% xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 10% làng nghề trong tỉnh có sản phẩm OCOP và khoảng 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho sản phẩm OCOP hạng 3 sao được nâng lên hạng 4 sao; hỗ trợ 10 triệu đồng cho sản phẩm OCOP từ hạng 3 hoặc 4 sao lên hạng 5 sao; trường hợp sản phẩm đạt dưới 3 sao nhưng được nâng lên hạng 5 sao ngay từ lần xét duyệt đầu tiên được hỗ trợ 20 triệu đông/sản phẩm.
UBND tỉnh Trà Vinh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình OCOP; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực. Chương trình OCOP thực hiện bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo nội dung, nhiệm vụ và thường xuyên được tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh.