|
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi các biện pháp, quy trình phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi (Ảnh minh họa: B.T) |
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi trong năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp.
Cụ thể, đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi nước lợ, xảy ra tại 148 xã của 46 huyện, thị xã thuộc 18 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích tôm bị bệnh trên 1.919 ha. So với cùng kỳ năm 2021, bệnh xảy ra ở phạm vi hẹp hơn 3,3% và diện tích có tôm mắc bệnh giảm 8,8%.
Đối với bệnh đốm trắng trên tôm nuôi nước lợ, xảy ra tại 177 xã của 52 huyện, thị xã thuộc 19 tỉnh, thành phố; tổng diện tích thiệt hại do bệnh 2.374 ha. So với cùng kỳ năm 2021, bệnh xảy ra rộng hơn 14,2% về phạm vi và 31% về diện tích có tôm mắc bệnh.
Với bệnh trên cá tra, xảy ra tại 69 xã của 22 huyện của 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp với tổng diện tích bị thiệt hại 508 ha. So với cùng kỳ năm 2021, phạm vi cá tra bị mắc bệnh tăng gấp 2,2 lần, diện tích cá tra bị mắc bệnh tăng 3,7%.
Theo Cục Thú y, vẫn còn rất nhiều khó khăn và bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Đó là diễn biến thời tiết cực đoan, tiêu cực, khó dự báo tiếp tục diễn ra tại nhiều vùng nuôi gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản và thường trực nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cho các hoạt động sản xuất, trong khi đó những tác nhân gây bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành tại một số vùng nuôi.
Bên cạnh đó, việc báo cáo dịch bệnh phải qua nhiều cấp trung gian từ xã đến huyện và tỉnh nên mất nhiều thời gian; nhiều địa phương không thực hiện việc báo cáo dịch bệnh; thông tin, số liệu về thủy sản nhiễm bệnh không dựa trên kết quả xét nghiệm, chủ yếu qua quan sát dấu hiệu lâm sàng hoặc thông tin từ người nuôi nên không bảo đảm tính chính xác.
Đặc biệt, nhiều địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản không bố trí kinh phí hoặc bố trí không đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thủy sản, nhất là giám sát chủ động, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân gây thiệt hại tại một số vùng nuôi.
Công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất thủy sản sử dụng làm giống (đặc biệt là cơ sở giống tôm nước lợ) chưa được địa phương và cơ sở nuôi quan tâm đúng mức; số lượng cơ sở giống có giám sát dịch bệnh và đạt điều kiện cơ sở an toàn dịch bệnh vẫn chưa nhiều.
Thứ nữa, công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu dịch tễ học bệnh thủy sản, nghiên cứu sản xuất vắc-xin và các biện pháp phòng chống dịch chưa được quan tâm, đẩy mạnh.
Nhằm khắc phục các khó khăn và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi trong thời gian tới, Cục Thú y cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm, cá tra, một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, nuôi phổ biến,.. và có giải pháp xử lý triệt để.
Tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại vùng nguồn nước cấp, trong ao nuôi trước khi thả nuôi và trong toàn bộ mùa vụ, tập trung vào các vùng nuôi trọng điểm để chủ động xử lý khi dịch bệnh xảy ra hoặc khi thời tiết có diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của thủy sản nuôi.
Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó, tạo môi trường thuận lợi cho thủy sản phát triển, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người nuôi các biện pháp, quy trình phòng chống dịch bệnh, xử lý triệt để mầm bệnh trong nguồn nước cấp. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi sử dụng con giống sạch bệnh hoặc đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh nguy hiểm; kết hợp với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản để kiểm soát tốt các nguy cơ làm mầm bệnh xâm nhập vào cơ sở.
Ngoài ra, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác thú y, các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn chuyên môn của Cục Thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản; tuân thủ mùa vụ thả nuôi và quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững./.