Thực tế, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị, gia tăng dân số cùng với những BĐKH trên toàn cầu đã đang và sẽ tác động rất lớn đến sự thay đổi về khí hậu, môi trường, hệ sinh thái... cũng như cảnh báo con người cần có những ứng xử thân thiện với môi trường tự nhiên, cần quan tâm đến chất lượng môi trường sống, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do đó, nhiều xu hướng kiến trúc liên quan đến khí hậu, sinh thái, môi trường xuất hiện, nhằm góp phần tạo lập môi trường sống có chất lượng ngày càng cao cho con người, như: Kiến trúc khí hậu; Kiến trúc môi trường; Kiến trúc sinh thái; Kiến trúc hiệu quả và tiết kiệm năng lượng; Kiến trúc thích ứng; KTX; Kiến trúc bền vững.
Xu hướng hiện nay là các công trình xanh, thân thiện với môi trường (Ảnh: T.L)
Ở Việt Nam, để thúc đẩy xu hướng KTX, Hội kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã, đang và sẽ không ngừng vận động cộng đồng, xã hội và giới KTS phấn đấu cho việc này với rất nhiều hoạt động thiết thực: Tuyên ngôn KTX của Hội KTS Việt Nam được công bố ngày 27/4/2011; Xây dựng hệ thống tiêu chí KTX Việt Nam làm cơ sở xét chọn các giải thưởng KTX ( 2 năm một lần) và Giải thưởng KTX- Spec Go Green Internation Awards 2017 dành cho sinh viên kiến trúc và kiến trúc sư trẻ hàng năm. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo thường kỳ; hội thảo; diễn đàn, tọa đàm, cung cấp thông tin… chuyển tải thông điệp KTX ở Việt Nam đến với giới kiến trúc sư và cộng đồng xã hội.
Theo kết quả khảo sát một số bộ tiêu chí công nhận Công trình xanh (CTX) điển hình như (LEED (Mỹ), BREEAM (Anh), Green Star (Australia), Green Mark (Singapore), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09:2013/BXD, các tiêu chí đánh giá CTX chỉ quan tâm đến các yếu tố liên quan đến địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả; chất lượng môi trường trong nhà đối với công trình xây dựng. Các yếu tố tiên tiến, sáng tạo, nhân văn và xã hội hầu như không được đề cập, nếu có chỉ là yếu tố phụ.
Bởi thế, Hội KTS Việt Nam đã nghiên cứu, khảo sát để có thể xác định rõ tiêu chí về KTX Việt Nam (KTXVN), xác định những nội dung, yêu cầu đối với kiến trúc nhằm thúc đẩy và tạo lập môi trường - cảnh quan kiến trúc bền vững; đảm bảo chất lượng sống cho không gian trong nhà; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; phát triển bền vững môi trường xã hội nhân văn và kiến trúc tiên tiến, bản sắc hướng tới tương lai.
Theo đó, tiêu chí KTXVN nhằm: thực hiện nghiên cứu, thiết kế, phát triển kiến trúc theo nguyên tắc KTX; Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về KTX cho kiến trúc sư và cộng đồng; Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về KTX; thực hiện tư vấn, phản biện xã hội theo nguyên tắc KTX; Đánh giá, tôn vinh tác giả và tác phẩm KTX.
Tiêu chí KTXVN được áp dụng đối với các công trình kiến trúc, khu đô thị xây mới, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang; Các đồ án thiết kế kiến trúc, quy hoạch đô thị nông thôn được cấp thẩm quyền phê duyệt, đã và đang được thực hiện. Mọi tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến phát triển kiến trúc, đô thị bền vững có thể áp dụng các tiêu chí KTXVN mà không kèm theo bất cứ điều kiện hoặc cam kết nào.
Thực tế, việc phát triển các công trình xanh hiện nay cũng mới chỉ manh nha, nhưng trong giai đoạn hội nhập thì nhân rộng các công trình xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững sẽ là xu hướng chính. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự mở rộng cũng như phổ biến của xu hướng này.
Kiến trúc là ngành nghệ thuật tạo dựng môi trường - không gian sống của con người, cộng đồng, và bản thân kiến trúc cũng đang chịu những tác động to lớn của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và của biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì thế, việc không ngừng thúc đẩy xu hướng KTX với nhiều hình thức tiếp cận cũng như các hoạt động từ nhận thức đến chuyển hóa thành các hành động là cần thiết và không chỉ bó hẹp trong giới kiến trúc sư mà còn phải lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.