Nguy cơ tổn thất lớn từ thị trường EU nếu để phạt “thẻ đỏ”

Thứ tư, 11/08/2021 16:03
(ĐCSVN) - Từ khi Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, nếu để chuyển sang “thẻ đỏ”, nguy cơ tổn thất lớn từ thị trường EU sẽ là hiện hữu đối với ngành thủy sản của Việt Nam.
 Ảnh minh họa. (Nguồn: KV)

Xuất khẩu thủy sản sang EU giảm rõ rệt từ khi có thẻ vàng

Báo cáo mới đây nhất do Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố cho thấy, việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị ảnh hưởng rõ rệt sau khi bị EC rút thẻ vàng.

Theo đó, trong năm 2018- năm đầu tiên sau khi bị phạt thẻ vàng, kết quả xuất khẩu của tất cả các sản phẩm thủy sản sang thị trường EU chưa cho thấy tác động tiêu cực rõ ràng. Nhìn chung, kết quả xuất khẩu thủy sản sang EU năm 2018 chỉ giảm nhẹ 1% so với năm 2017.

Tuy nhiên, trong năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU có xu hướng giảm sút rõ ràng. Tổng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12% so với năm 2018, trong đó, tổng xuất khẩu hải sản khai thác tiếp tục giảm 5%, xuất khẩu thủy sản nuôi giảm sâu hơn với 15%. Đặc biệt, 3 mặt hàng thủy sản chính sang thị trường EU đều giảm mạnh: bạch tuộc tiếp tục giảm 19%, cá ngừ quay đầu tăng trưởng âm 12%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm mạnh 119%, trong khi các sản phẩm hải sản khác tăng 14%.

So sánh kết quả xuất khẩu 2017 - 2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm rõ rệt, giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD, trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019. Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như chứng nhận khai thác đối với nguyên liệu hải sản xuất khẩu sang EU.

Theo kết quả tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2019, EU từ vị trí thứ nhất với 17,8% tỷ trọng, tụt xuống vị trí thứ 4 với 11,9% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sau Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu sang EU giảm do các yếu tố khác nhau gây ra, trong đó có cảnh báo thẻ vàng.

Nguy cơ tổn thất lớn từ thị trường EU trong trường hợp bị phạt “thẻ đỏ”

Ủy ban châu Âu đã cảnh báo thẻ vàng đối với ngành thủy sản khai thác của Việt Nam từ tháng 10/2017. Với bước đầu tiên của quy trình này, được gọi là xác định trước, Ủy ban châu Âu cảnh báo Việt Nam về nguy cơ bị xác định là quốc gia không hợp tác. Thẻ vàng bắt đầu một cuộc đối thoại chính thức trong đó Ủy ban châu Âu và Việt Nam phối hợp cùng nhau để giải quyết tất cả các vấn đề quan tâm. Ủy ban châu Âu đã thực hiện hai cuộc đối thoại, kiểm tra và tiếp tục gia hạn cho Việt Nam thêm 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020) để tìm cách gỡ thẻ vàng. Trường hợp đối thoại hiệu quả, thẻ vàng có thể được gỡ bỏ và nhận lại thẻ xanh nếu thể hiện sự tiến bộ. Tuy nhiên, nếu tiến độ vẫn chưa đủ, Ủy ban châu Âu sẽ xác định quốc gia không hợp tác, có nghĩa là áp dụng thẻ đỏ.

Tác động trước mắt và ngắn hạn của thẻ đỏ là mất nguồn thu từ thị trường EU đối với cả sản phẩm khai thác và nuôi trồng. Trong đó, ước tính mức độ tổn thất xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong trường hợp bị thẻ đỏ từ thị trường EU là 480 triệu USD.

Bản báo cáo được công bố cho thấy, nếu Ủy ban châu Âu đưa ra thẻ đỏ, hậu quả sẽ giống như trường hợp của Sri Lanka, tất cả các sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam đều bị cấm vào thị trường EU. Các sản phẩm nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp nếu thẻ đỏ được áp dụng.

Trong đó, các tác động bao gồm rủi ro đối với danh tiếng, kiểm soát hải quan nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý nhập khẩu, và đặc biệt, không tận dụng được thuế quan ưu đãi của EVFTA.

Về tác động trung hạn, nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2 đến 3 năm, toàn bộ ngành thủy sản sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, ngành khai thác và chế biến thủy sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. Điều này dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.

Lệnh cấm sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm thủy sản Việt Nam nói chung. Các thị trường khác như Mỹ hoặc Nhật Bản có thể làm theo Quy định IUU của EU. Mặc dù nhập khẩu vào Trung Quốc đang tăng nhanh, nhưng thị trường của nước này rất bấp bênh và khó dự đoán.

Với báo cáo trên cho thấy, Đây là những khó khăn có thể lường trước nếu như Ủy ban châu Âu đưa ra thẻ đỏ, buộc ngành thủy sản của Việt Nam cần thực sự nỗ lực để tháo gỡ được thẻ vàng và không để xảy ra việc phạt thẻ đỏ.

Đồng thời, cần xác định chống khai thác IUU trước hết là vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam, cũng như đáp ứng các xu hướng và quy định của thị trường để thuỷ sản Việt Nam duy trì uy tín và chỗ đứng trên thị trường./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực