Nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: vietnamplus.vn)
Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành yếu tố quyết định phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển để nhanh chóng rút ngắn chênh lệch phát triển với các quốc gia khác trên thế giới.
Theo đó, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao được thể hiện ở những khía cạnh sau:
Một là, nhân lực chất lượng cao là điều kiện quyết định đến trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Các lý thuyết tăng trưởng đã chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và bền vững ít nhất phải dựa vào khoa học công nghệ hiện đại, kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, nhân tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là những con người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức tay nghề, kinh nghiệm và năng lực sáng tạo nhằm trở thành "vốn con người", "vốn nhân lực".
Nhân lực chất lượng cao quyết định đến trình độ phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của quốc gia. Nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế và lao động (từ lao động phổ thông sang lao động lành nghề và lao động có tay nghề cao), là động lực thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Nhân lực chất lượng cao cho phép phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Vì vậy, nhân lực chất lượng cao giúp làm thay đổi cơ cấu kinh tế quốc gia theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP.
Một quốc gia có thể không giàu về tài nguyên, điều kiện thiên nhiên không mấy thuận lợi song nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững nếu hội tụ được 3 điều kiện cơ bản sau: có đường lối kinh tế đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó; có đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao và đông đảo; có các nhà doanh nghiệp tài giỏi. Cả 3 điều kiện này đều gắn với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai là, nhân lực chất lượng cao là điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện những bước nhảy vọt và rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế, lạc hậu về khoa học công nghệ. Nếu như trước đây, một trong những nguyên nhân chủ yếu ngăn cản tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế của các quốc gia là do tình trạng nghèo nàn về cơ sở vật chất, sự thiếu hụt nguồn vốn... thì ngày nay, trở ngại chủ yếu nhất được xác định chính là sự hạn chế về trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người. Chất lượng nguồn nhân lực đã và đang chứng tỏ sức mạnh chi phối, quyết định bước tiến của các nền kinh tế. Sức bật của nền kinh tế được quyết định quan trọng bởi chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong việc thực hiện những bước nhảy vọt, giúp các quốc gia có thể rút ngắn về thời gian, kết hợp với những bước nhảy vọt, ứng dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ của thế giới. Trên cơ sở đó hướng đến phát triển nền kinh tế tri thức.
Kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Á và các nền kinh tế công nghiệp mới (NICs) ở châu Á cho thấy sự phát triển "thần kỳ" có được là nhờ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hội nhập quốc tế thành công nhờ vào sự đóng góp của nhiều nhân tố, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là một nhân tố quan trọng nhất.
Ba là, nhân lực chất lượng cao là động lực thúc đẩy CNH, HĐH. Nhân lực chất lượng cao đảm bảo có hiệu quả cho mục tiêu phát triển CNH, HĐH đồng thời cũng là động lực của công cuộc CNH, HĐH bởi quá trình CNH, HĐH yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tốc độ phát triển cao của lực lượng sản xuất xã hội. Các nguồn lực khác (ngoại trừ nguồn nhân lực) có thể rất phong phú dồi dào, nhưng nếu khai thác và sử dụng không hợp lý thì chúng sẽ trở nên cạn kiệt. Chỉ có nguồn lực con người với tiềm năng trí tuệ, chất xám luôn sinh sôi và phát triển không ngừng. Hơn nữa, trí tuệ con người là vô tận. Nhờ có trí tuệ con người mà xã hội không ngừng phát triển, thế giới tự nhiên không ngừng được khám phá, cải tạo. Sự sinh tồn và vận hành của nhân loại đều do con người quyết định, số lượng của cải vật chất và chất lượng cuộc sống đều do chất lượng nguồn nhân lực quyết định. Bởi chỉ có nguồn nhân lực có chất lượng mới đủ "sức" tạo nên sự bứt phá về năng suất, chất lượng vận động kinh tế xã hội. Điều đó thực sự thiết thực đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế bền vững.
Bốn là, nhân lực chất lượng cao quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và cuộc cạnh tranh quốc tế khác biệt trên nhiều lĩnh vực (bao gồm cạnh tranh về nguồn nhân lực) thì phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư và môi trường chính trị xã hội ổn định. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2012 đánh giá nhân lực chất lượng cao là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong tổng các nhân tố xác định năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng nhất bởi các nguồn lực tự nhiên chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng, nếu không được con người khai thác trong quá trình lao động thì sẽ trở thành vô dụng, lao động, nhân lực con người là nguồn lực duy nhất có khả năng phát hiện, khơi dậy và cải biến các nguồn lực tự nhiên và xã hội khác.
Nhân lực chất lượng cao - Nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế ASEAN
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore được coi là hình mẫu về phát triển nguồn nhân lực. Thực tế đã minh chứng, Singapore đã rất thành công trong việc xây dựng một đất nước có trình độ dân trí cao và hệ thống giáo dục phát triển hàng đầu châu Á.
Nguồn nhân lực chất lượng cao đã đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế ASEAN. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế tính theo đầu người của ASEAN đã tăng gần gấp đôi, từ 2.882 USD năm 2000 lên 5.581 USD năm 2011. Điều kiện sống ở các nước thành viên ASEAN được cải thiện với tỷ lệ số người nghèo có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày (tính theo sức mua tương đương) trong khối đã giảm, từ 45% năm 2000 xuống 16% năm 2011 ở các nước Campuchia – Lào – Myanmar và Việt Nam (CLMV) và từ 29% xuống 15% ở các nước ASEAN 6.
Tiến bộ của khu vực ASEAN được thể hiện rõ nét qua chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên hợp quốc, khi đã tăng từ 0,635 điểm năm 2005 lên 0,657 điểm năm 2010, trong đó sự chênh lệch cùng kỳ giữa các nước ASEAN 6 và các nước CLMV cũng được thu hẹp từ 25% xuống 23%.
Có nhiều chỉ số để đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chỉ số tổng hợp chung nhất là chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI).
Theo chỉ số phát triển nguồn nhân lực 2013 (HDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng, Singapore đứng thứ ba toàn cầu và đứng thứ nhất ở châu Á về cách khai thác nguồn tài nguyên con người. Quốc gia ASEAN tiếp theo có thứ hạng cao là Malaysia (xếp thứ 22), trước Hàn Quốc (xếp thứ 23) .
Kế hoạch hợp tác phát triển cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cần một nguồn nhân lực để bắt kịp đà phát triển. Tuy nhiên, sự hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao là điểm yếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia ASEAN. Tại Malaysia, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT giai đoạn 2011-2015 là 120.000 người, trong đó cần 15.000 người nhập từ các nước. Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia cần nhân lực ngành CNTT rất lớn để tương xứng với tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Việt Nam vẫn thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cao. Trong số 500.000 kỹ sư xây dựng đang hành nghề, chỉ có 138 kỹ sư được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp. Năm 2010, nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán và thẩm định giá của Việt Nam cần khoảng 13.500 người, trong khi Việt Nam mới chỉ có 300 kỹ thuật viên có chứng chỉ hành nghề quốc tế. Phần lớn các sinh viên mới ra trường đều không đáp ứng được yêu cầu do qui trình đào tạo trong nhà trường chưa phù hợp với thực tế công việc. Tiêu chuẩn để được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, bao gồm: có tối thiểu 7 năm kinh nghiệm, trong đó có ít nhất 2 năm chủ trì các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng; tinh thông nghề nghiệp, có năng lực và kỹ thuật thực hành và tổ chức sản xuất kinh doanh; có khả năng sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao càng trở nên cấp thiết khi Cộng đồng ASEAN (AEC) được thành lập (2015) và tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á được triển khai.
Nhìn chung, các nước ASEAN đều thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế có tới 59% trên tổng số 966 doanh nghiệp ở Việt Nam rất khó kiếm được nhân sự có chuyên môn cao quản lý. Đây là tỉ lệ cao nhất trong khối ASEAN và là tình trạng hết sức nghiêm trọng. Tiếp theo là Thái Lan, với tỉ lệ 43,2%. Các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Philippines mức thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao khả quan hơn, với tỉ lệ tương ứng khoảng từ 36% đến 38% .
Tóm lại, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp ASEAN khi AEC ra đời là tình trạng chảy máu chất xám của nguồn nhân lực chất lượng, bởi lao động lành nghề sẽ đi tìm những công việc có thu nhập cao do AEC cho phép luân chuyển tự do lao động trong khu vực. Vì vậy, ASEAN đang có những chính sách tốt hơn để thu giữ nhân lực có trình độ trong khu vực.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình