Nhân rộng tiêu chuẩn VietFarm trong sản xuất nông nghiệp

Thứ ba, 13/10/2020 16:40
(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn VietFarm nằm trong chương trình được sự tài trợ của sứ quán Ireland tại Việt Nam với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), nhằm thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam sản xuất với các giá trị bền vững về môi trường và xã hội phù hợp với những người sản xuất nhỏ khi tham gia thị trường và đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của thị trường quốc tế và trong nước.

Tiêu chuẩn VietFarm – Từ Nông trại đến Bàn Ăn được xem là phương thức khuyến khích sản xuất an toàn, hữu cơ cung cấp trực tiếp đảm bảo thực phẩm bảo tươi vì sức khoẻ của người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn VietFarm là hệ thống tiêu chuẩn độc lập, hài hoà các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước, nhưng phù hợp với điều kiện và văn hoá sản xuất của Việt Nam.

Nông dân Đoàn Thị Thuý  tại Mộc Châu, Sơn La bên sản phẩm bí trồng theo VietFarm (Ảnh: PV)

Đầu tháng 10 này, CDI cùng đoàn sứ quán Ireland tại Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Mộc Châu, Sơn La để khảo sát lại kết quả chương trình “Phát triển toàn diện và dự án kết nối thị trường cho người sản xuất nông nghiệp nhỏ” do Irish Aid tài trợ.

Theo đó, có 4 Hợp tác xã, các nhóm nông dân, phụ nữ dân tộc sản xuất ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đạt tiêu chuẩn VietFarm để cung cấp cho thị trường với gái trị cao hơn. Nhân dịp này, bà Phó đại sứ Ireland tại Việt Nam Elisa Cavacece đã gặp gỡ và trao đổi với các nông dân HTX nông sản an toàn Mộc Châu, qua đó thấu hiểu các khó khăn, thách thức nông dân gặp phải trong bối cảnh COVID-19 hiện nay. Để đối mặt và phục hồi, nay các nông dân tại Xã Tân Lập, Xã Chiềng Đi, Mộc Châu đã tổ chức lại thành lập Hợp tác xã và liên kết với nhau, cam kết sản xuất sạch, hữu cơ để có thể cung cấp thẳng từ nông trại đến bàn ăn theo mô hình “từ nông trại đến bàn ăn - VietFarm to Table”. Đây là cách nâng cao giá trị thực phẩm tươi – bổ - an toàn, phục vụ người tiêu dung thành thị nhưng cũng có thể thiết lập một cơ chế khuyến khích sản xuất hữu cơ, an toàn cho một thị trường ổn định về giá và người tiêu dùng có thể thiết lập niềm tin với người sản xuất. Mô hình này cũng đã được phát triển  thành công ở Ireland và nhiều nước, thiết lập một hình thức cung ứng hữu cơ, sản phẩm tươi và vì sức khoẻ tới tận cửa nhà người tiêu dùng. 

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, một nông dân của HTX Mộc Châu cho biết, do hạn chế đi lại vì dịch, hàng hoá tồn đọng, bị vứt bỏ đi rất nhiều. Chị Đoàn Thị Thuý tâm sự, một quả bí 4-5kg năm trước được 25.000đ thì năm nay giảm phải bán với giá 4.000đ-5.000đ, chỉ bằng 1/5 giá năm cũ và thấp chỉ bẳng 1/2 giá sản xuất. Chuỗi tiêu chuẩn VietFarm có chỉ dẫn kỹ thuật sát sao. Do đó, nông dân muốn kết nối với các chuỗi tiêu thụ trực tiếp, ít phải qua các cầu thương lái. Lo nhất là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Nông dân Nguyễn Văn Nghĩa, Mộc Châu, Sơn La  thu hoạch susu được trồng theo tiêu chuẩn VietFarm(Ảnh: PV)

Nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp an toàn dần đang trở thành yêu cầu và xu hướng trên thị trường. Người tiêu dùng và cả thị trường quốc tế sẽ đòi hỏi khắt khe hơn, và mong đợi có những sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khoẻ.

Tiêu chuẩn VietFarm được xây dựng với 10 chủ đề lĩnh vực và 105 tiêu chí trong đó có cả yêu cầu cả về yếu tố về năng lực tổ chức và sản xuất của tổ nhóm người sản xuất nhỏ, cam kết không sử dụng lao động trẻ em, không phân biệt đối xử, yêu tố bền vững về môi trường, an toàn trong sản xuất,  sản phẩm tự nhiên, an toàn và chất lượng và truy xuất nguồn gốc, thương mại công bằng và minh bạch trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc thực hiện được tiêu chuẩn sẽ yêu cầu nông dân đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, canh tác và tổ chức theo tổ nhóm để có thể tuân thủ tốt hơn và có cơ chế tự giám sát. Việc truy xuất và minh bạch trong chuỗi cung ứng của tiêu chuẩn cũng làm giảm thiểu việc các cửa hàng trong chuỗi cung ứng có thể thu mua sản phẩm thường và cho vào các bao bì có nhãn chất lượng. Việc đảm bảo lòng tin của người tiêu dùng đối với người sản xuất được thực hiện bằng hệ thống truy xuất trong cả chuỗi cung ứng.

Tiêu chuẩn VietFarm khuyến khích mình bạch trong chuỗi cung ứng, để có thể cung cấp trực tiếp hơn, giảm các cầu trung gian. Mô hình liên kết chuỗi cung ứng có thể giải quyết đầu ra ổn định và giá cả tốt hơn, công bằng hơn cho người sản xuất.

Điều đặc biệt là khi áp dụng tiêu chuẩn VietFarm, thông qua tổ chức của tổ nhóm, hợp tác xã, người sản xuất nhỏ đã biết tập hợp nhau để có sức mạnh hơn trong thương lượng gía, do có thể sản xuất với sản lượng cao hơn và hiểu được giá nào có thể chấp nhận, không bán dưới giá sản xuất vì chi phí sản xuất theo hướng hữu cơ đã bỏ ra nhiều công lao động hơn, chi phí đầu tư cho môi trường bền vững về giống, nước, đất và đa dạng sinh học cao hơn cách sản xuất thâm canh.

 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực