Nhìn lại hai năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp

Thứ tư, 28/04/2021 20:46
(ĐCSVN) – Tính tới nay, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam được hai năm. Trong hai năm này, nhiều cam kết của CPTPP đã được triển khai trên thực tế, những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP, và các dữ liệu về công tác cải cách thể chế thực thi cam kết CPTPP ở Việt Nam.

Là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là cột mốc có tính bước ngoặt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu của Việt Nam.

Sau hai năm,  nhiều cam kết của CPTPP đã được triển khai trên thực tế (Ảnh tư liệu)

Với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực và với mức độ tự do hóa mạnh hơn phần lớn các FTA đã có của Việt Nam, CPTPP được dự báo sẽ tạo ra những tác động tích cực cả về kinh tế và thể chế cho Việt Nam. Đồng thời, với những cam kết tiêu chuẩn cao so với thế giới trong nhiều khía cạnh quy tắc, CPTPP đặt ra những thách thức đáng kể đối với Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định.

Mặc dù vậy, ở cấp độ vi mô, có rất thông tin thực tiễn về ảnh hưởng và tác động thực tế của CPTPP từ góc độ các doanh nghiệp cụ thể, đặc biệt là các doanh nghiêp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp Việt Nam đang hiểu biết về Hiệp định như thế nào, đã tận dụng được cơ hội từ đây ra sao, phải chịu những thiệt hại như thế nào và điều gì đang ngăn cản họ tiếp cận những cơ hội được cho là rất đáng kể từ Hiệp định này… là những điều lâu nay mới chỉ được phỏng đoán hoặc nhận diện đơn lẻ. Cũng như vậy, chưa có những thông tin rõ ràng về cảm nhận và đánh giá của doanh nghiệp về CPTPP, về việc thực thi Hiệp định trong thời gian qua cũng như dự định của họ đối với việc tận dụng Hiệp định trong giai đoạn tới, với bối cảnh COVID-19 và thương mại toàn cầu biến động.

Trong khi đó, hiệu quả thực sự của CPTPP nói riêng và các FTA nói chung phụ thuộc một phần không nhỏ vào dự tính và hành động của các doanh nghiệp cụ thể. Vì vậy, những thông tin về thực tiễn tận dụng CPTPP của doanh nghiệp, khó khăn, hy vọng và đề xuất của họ sẽ là chỉ dấu có ý nghĩa cho các cơ quan hoạch định chính sách và quản lÝ liên quan. Trên cơ sở những thông tin này, Chính phủ có thể có điều chỉnh thích hợp ở nhiều khía cạnh nhằm đưa những cam kết CPTPP đến gần hơn với các doanh nghiệp, hỗ trợ để những cơ hội tiềm tàng của CPTPP trở nên khả thi hơn với các chủ thể kinh doanh.

Việt Nam sau hai năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp

Báo cáo được thực hiện trên cơ sở phân tích kết quả Khảo sát doanh nghiệp thực hiện trong khoảng tháng 8-10/2020 về các khía cạnh liên quan tới thực tiễn thực thi CPTPP và các FTA của doanh nghiệp. Để cung cấp bức tranh toàn cảnh, làm tiền đề cho việc so sánh, kiến giải các thông tin từ Khảo sát, Báo cáo cũng phân tích các số liệu thống kê về tình hình thương mại và đầu tư chung giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP và công tác xây dựng pháp luật thực thi CPTPP trong hai năm 2019-2020.

Báo cáo phản ánh việc thực thi CPTPP trong hai năm đầu từ góc nhìn của doanh nghiệp, làm rõ các đánh giá cũng như cảm nhận của doanh nghiệp về tác động của CPTPP với hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian qua, cũng như những dự báo của họ về ảnh hưởng CPTPP trong giai đoạn “bình thường mới” hậu COVID-19 sắp tới.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho việc nghiên cứu, khảo sát và xây dựng Báo cáo này.Với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% (8,1% nếu chỉ tính các đối tác đã phê chuẩn CPTPP; 26-36% ở các thị trường mới như Canada, Mexico…) so với năm 2018, nhập khẩu tăng rất nhẹ (0,7%), CPTPP đã ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực, đặc biệt là các thị trường mới. Tuy nhiên, trong trung bình, mức tăng kim ngạch xuất khẩu với CPTPP thấp hơn mức chung xuất khẩu ra thế giới (8,4%). Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác. Năm 2020, dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, xuất khẩu sang các nước CPTPP vẫn giữ được kim ngạch tương tự 2019, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan đã được cải thiện hơn (4%) dù vẫn còn là thấp.

Từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Kết quả này ít nhiều gây thất vọng, đặc biệt khi (i) tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn năm 2019 vẫn tăng 7,2% và (ii) tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP vẫn tăng 51,3% trong năm này. Điểm sáng trong bức tranh này là vốn FDI từ các đối tác mới trong CPTPP vào Việt Nam (Canada, Mexico) hoặc các đối tác truyền thống nhỏ (Brunei, New Zealand) lại được cải thiện đáng kể.

Năm 2020, tình hình được cải thiện hơn, khi tổng vốn đầu tư thu hút từ các đối tác CPTPP đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với 2019 trong bối cảnh tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút trong năm này giảm gần 25%.Từ góc độ hoàn thiện thể chế, đã có tổng cộng 18 văn bản được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung để thực thi cam kết CPTPP trong hai năm qua. Mặc dù hoàn thành yêu cầu về số lượng, phần lớn các văn bản này không đáp ứng yêu cầu về tiến độ (chậm từ nửa tháng tới 20 tháng so với thời hạn yêu cầu).  

Về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP, 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Tuy nhiên, cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Về các tác động tổng thể, CPTPP nằm trong tốp 3 FTA được doanh nghiệp đánh giá cao nhất, với 51% doanh nghiệp cho rằng Hiệp định có tác động tương đối hoặc rất tích cực với hoạt động kinh doanh của mình thời gian qua. Về các tác động cụ thể của CPTPP, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm các lợi ích từ Hiệp định này. Nhóm lợi ích phổ biến nhất với các doanh nghiệp này vẫn là thuế quan, đặc biệt là ở các thị trường mới như Canada, Mexico.

Với các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua. Trong số các doanh nghiệp đã từng có giao dịch với các thị trường này nhưng chưa hưởng lợi CPTPP, lý do được phần lớn (75%) doanh nghiệp đề cập là họ không biết có cơ hội nào từ CPTPP; cũng có một tỷ lệ đáng kể (60%) không thấy có cam kết CPTPP liên quan hoặc do đã hưởng ưu đãi khác phù hợp hơn; một số ít doanh nghiệp (14- 16%) nêu các lý do khác như các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thủ tục hưởng ưu đãi phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn, hay khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu của doanh nghiệp còn hạn chế… Nhật Bản là thị trường có mối liên hệ chặt chẽ nhất với doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP nhưng Canada là thị trường có tỷ lệ doanh nghiệp từng có lô hàng tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP cao nhất (50% doanh nghiệp, so với mức 21-29% ở các thị trường còn lại). Lý do khiến doanh nghiệp “tích cực”, như thuế MFN đã là 0% nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan (43% doanh nghiệp đề cập), hay đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác (37%)…

Hai là các nguyên nhân “tiêu cực”, như không biết về ưu đãi thuế (45%), không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ (40%), gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ (20%), thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết (15%)….

Hơn phân nửa thời gian có hiệu lực của CPTPP, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn theo cách chưa từng có bởi đại dịch COVID-19. Trước tương lai “bình thường mới” hậu COVID-19, đa phần các doanh nghiệp tỏ thái độ khá bình tĩnh, với 60,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, 13,3% thậm chí có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên cũng có khoảng 17,2% doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, và gần 1% tính tới việc ngừng kinh doanh tạm thời hoặc vĩnh viễn trong thời gian tới.

Về tác dụng của CPTPP và FTA trong tương lai “bình thường mới”, 60% doanh nghiệp cho rằng CPTPP và các FTA sẽ tương đối hoặc rất hữu ích, 10% doanh nghiệp cho rằng CPTPP và các FTA hầu như sẽ không có Ý nghĩa gì, 29% doanh nghiệp không chắn chắn về chuyện CPTPP hay các FTA có thể có tác động gì, tiêu cực hay tích cực. Trong một tương lai xa hơn, doanh nghiệp cũng tỏ ra rất lạc quan về các tác động tích cực của CPTPP và các FTA. 91,5% doanh nghiệp kỳ vọng ở mức độ khác nhau vào một/các lợi ích CPTPP và các FTA có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh của họ. Ở đó, các cơ hội về hợp tác liên kết kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu được các doanh nghiệp nhấn mạnh (94-96%) hơn là các cơ hội trực tiếp về thương mại hàng hóa (85-90%). Doanh nghiệp cũng có quan ngại về một số yếu tố sẽ cản trở mình hiện thực hóa các cơ hội này, trong đó hàng đầu là sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ (51% doanh nghiệp đề cập), tiếp theo các các biến động và bất định của thị trường (45%), các hạn chế trong công tác thực thi của các cơ quan Nhà nước chỉ đứng hàng thứ ba (41-43%).  

Để chuẩn bị cho một tương lai xa mà ở đó CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, 3/4 các doanh nghiệp cho biết họ đã/đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các Hiệp định này. Trong các kế hoạch này, doanh nghiệp ưu tiên cho các điều chỉnh để củng cố bản thân - cải thiện năng lực cạnh tranh nền tảng của doanh nghiệp, sau đó mới tới các tính toán để tận dụng các cơ hội thị trường trực diện từ CPTPP và các FTA, và cuối cùng là các kế hoạch để sẵn sàng cho những cơ hội tầm xa.

 Một hội thảo liên quan tới nội dung CPTPP tại Hà Nội ngày 28/4/2021 (Ảnh: HNV)

Đối với 1/4 các doanh nghiệp còn lại không có kế hoạch điều chỉnh gì cho tương lai hội nhập CPTPP và các FTA, lÝ do lớn nhất lại là bởi họ không có đủ năng lực, nguồn lực để làm hoặc không biết phải điều chỉnh thế nào dù biết là điều chỉnh là cần thiết (39% doanh nghiệp, chủ yếu là siêu nhỏ, nhỏ). 28-36% doanh nghiệp lựa chọn không điều chỉnh do không nhìn thấy sự cần thiết của việc điều chỉnh hay chuyển đổi. Họ hoặc là tự tin năng lực hiện tại đã đủ để tận dụng các cơ hội từ các FTA, hoặc là cho rằng các FTA không có tác động gì tới tương lai kinh doanh của họ. Chỉ có 5% doanh nghiệp lựa chọn không điều chỉnh bởi không tin việc này có tác dụng gì cho mình.

Đề xuất kiến nghị để triển khai hiệu quả thiết thực hơn

Từ các kết quả thực thi hai năm đầu thực thi CPTPP, có thể thấy Hiệp định này đã có những tác động tích cực bước đầu cho nền kinh tế, mang tới những lợi ích thực tế cho một số doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, mà nguyên nhân không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch COVID-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính các doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước và các chủ thể khác có liên quan.

Từ các thực tế được nhận diện, có thể thấy phần lớn các doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ, thậm chí đã nhận diện rất rõ ràng về những vấn đề tồn tại trong năng lực cạnh tranh của chính mình cũng như các giải pháp cần tập trung thực hiện để khắc phục. Tuy nhiên, cũng từ bức tranh chung về quan ngại của doanh nghiệp trong quá trình này, có thể rút ra một số lưu ý sau đây cho các doanh nghiệp khi thực hiện các kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.

Trong đó, các điều chỉnh kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội hội nhập CPTPP và các FTA có thể được thực hiện dần dần, từng bước, bắt đầu từ những vấn đề tồn tại cản trở năng lực cạnh tranh lớn nhất của doanh nghiệp tới những vấn đề xa hơn; Không phải mọi giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh đều đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng chắc chắn cần một quyết tâm rõ ràng và cách thức thực hiện đúng; doanh nghiệp có thể tìm kiếm các hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước (đặc biệt là trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh như đề cập ở trên), từ các tổ chức như VCCI, hiệp hội ngành nghề cho các kế hoạch điều chỉnh của mình;

Về ưu tiên điều chỉnh, các doanh nghiệp dân doanh được khuyến cáo ưu tiên các điều chỉnh hướng tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tận dụng các cơ hội CPTPP và các FTA; Các doanh nghiệp Nhà nước có lẽ cần tập trung tăng cường khả năng linh hoạt, cơ động trong sắp xếp chuỗi cung ứng và tổ chức dây chuyền sản xuất kinh doanh để có thể đáp ứng các quy tắc xuất xứ, qua đó chớp được các cơ hội thuế quan từ CPTPP nói riêng và các FTA nói chung.

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần hợp tác, liên kết, liên doanh với các đối tác để cùng kinh doanh tận dụng cơ hội từ CPTPP và các FTA là kỳ vọng ở tầm xa của nhiều doanh nghiệp. Đồng thời, hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp khác trong các vấn đề khác ngoài kinh doanh nhưng có tác động trực tiếp và hữu ích tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng là điều cần chú ý.  

Bên cạnh các hình thức hợp tác kinh doanh thường thấy và rất hữu ích trong việc triển khai các hợp đồng lớn hay đáp ứng yêu cầu của các đối tác lớn, hình thức hợp tác dưới dạng tham gia chuỗi sản xuất cũng rất đáng chú ý.

Ví dụ xuất khẩu trực tiếp hay tiếp cận các thị trường lớn hoặc còn lạ lẫm trong CPTPP và các FTA tận dụng các cơ hội từ các HIệp định này có thể không phải điều mà tất cả các doanh nghiệp đều có thể làm được, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Tuy nhiên, nếu có thể tham gia cùng các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu, như là một đối tác cung ứng một phần sản phẩm cho các hợp đồng xuất khẩu của họ, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng có thể hưởng lợi từ CPTPP hay các FTA thông qua hình thức xuất khẩu gián tiếp này.

Một số hoạt động có tác động trực tiếp hay gián tiếp tới triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập CPTPP và các FTA có thể được thực hiện một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nếu có sự kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp. Ví dụ các chiến dịch xúc tiến thương mại; công tác tìm kiếm và cập nhật thông tin thị trường; hoạt động vận động chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh… Với các hoạt động này, doanh nghiệp có thể tự làm một cách đơn lẻ nhưng sẽ hoặc là rất tốn kém, hoặc là khó đạt hiệu quả không được như mong đợi (nhất là với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa). Vì vậy việc liên kết cùng hành động với các doanh nghiệp khác, đặc biệt trong khung khổ các liên kết sẵn có (ví dụ các hiệp hội ngành hàng, các câu lạc bộ, hội doanh nghiệp có cùng mối quan tâm…) là giải pháp hiệu quả cần được chú ý khai thác.

Có thể thấy, thực thi CPTPP là một chặng đường dài. Hai năm đã qua là những bước khởi đầu, tuy chưa có mấy thành tựu và còn nhiều ngập ngừng dò dẫm, nhưng có ý nghĩa quan trọng cho rất nhiều bước tiếp theo sau đó. Một trong các lý do làm nên ý nghĩa đó chính là ở những bài học rút ra từ những lợi ích và vấp váp đã nếm trải. Hy vọng rằng với sự trợ giúp của những kinh nghiệm đã qua, với niềm tin về tương lai CPTPP và với quyết tâm sắt đá hội nhập để cùng thịnh vượng, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ đi những bước dài hơn, nhanh và hiệu quả hơn trong chặng đường thực thi tiếp theo của Hiệp định quan trọng này./.

 Với mục tiêu đưa ra bức tranh toàn cảnh về hai năm thực hiện CPTPP từ góc độ doanh nghiệp, đồng thời nhận diện được các thực tế về năng lực, hoạt động, cảm nhận và mong muốn cụ thể của doanh nghiệp, qua đó đưa ra các hàm ý chính sách cần thiết với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để triển khai hiệu quả CPTPP trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Trung tâm WTO và Hội nhập) đã thực hiện Báo cáo tổng hợp “Việt Nam sau 02 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp”.
Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực