Sự hình thành và phát triển của các mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất
Khu công nghiệp VSIP Bình Dương (Ảnh: Thanh Nguyễn)
Theo đó, trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới (1991-1994), để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới, các mô hình khu chế xuất (KCX) được hình thành với việc thành lập KCX Tân Thuận năm 1991.
Giai đoạn 2 (từ 1994 - 1997), gắn với việc hình thành khu công nghiệp (KCN) và chuyển đổi một số KCX thành KCN để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đa dạng hóa phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nhẹ, hướng tới xuất khẩu.
Giai đoạn 3 (từ 1997 – 2003), gắn với việc phát triển lan tỏa KCN, hình thành khu công nghệ cao (KCNC), thí điểm và thành lập khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) với việc thành lập KKTCK Móng Cái năm 1996 và KCNC Hòa Lạc năm 1998.
Giai đoạn 4 (từ 2003 - nay), thí điểm thực hiện khu kinh tế (KKT) mở và phát triển KKT ven biển để tạo thành các vùng động lực phát triển kinh tế, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp nặng tại khu vực ven biển. Đồng thời, trong giai đoạn này, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong một số lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin, nông nghiệp, các mô hình mới như khu công nghệ thông tin tập trung (KCNTTTT), khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNƯDCNC) đã được thành lập.
Về cơ bản, hiện nay, có 06 mô hình khu nêu trên đã được phát triển tại Việt Nam. Các mô hình này đều có ranh giới địa lý xác định, hoạt động theo các cơ chế chính sách riêng và là cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, phát triển mô hình Khu hành chính kinh tế đặc biệt tại Việt Nam.
Chỉ tính riêng mô hình KCN và KCX cũng có thể thấy, sự hình thành và phát triển của nó gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế được khởi xướng từ Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986). Tiếp theo đó, Đại hội VII đã kịp thời đề ra những đường lối, chủ trương đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nền kinh tế, tiến hành công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) đất nước, được cụ thể hoá bằng Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000. Hàng loạt các chương trình phát triển kinh tế – xã hội được triển khai để thực hiện Nghị quyết của Đại hội VII, trong đó có chính sách phát triển KCN, KCX với sự ra đời của KCX Tân Thuận tại thành phố Hồ Chí Minh (1991) và việc ban hành Quy chế KCX (Nghị định 322/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 18/10/1991) và Quy chế KCN (Nghị định 192/CP của Chính phủ ngày 28/12/1994).
Tiếp đó, định hướng chiến lược về quy hoạch phát triển và phân bố KCN, KCX được xác định cụ thể tại Nghị quyết Đại hội VIII (năm 1996): "Hình thành các khu công nghiệp tập trung (bao gồm cả khu chế xuất và khu công nghệ cao), tạo địa bàn thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở công nghiệp mới. Phát triển mạnh công nghiệp nông thôn và ven đô thị. Ở các thành phố, thị xã, nâng cấp, cải tạo các cơ sở công nghiệp hiện có, đưa các cơ sở không có khả năng xử lý ô nhiễm ra ngoài thành phố, hạn chế việc xây dựng các khu công nghiệp mới xen lẫn với khu dân cư".
Báo cáo Chính trị Đại hội IX (năm 2001) về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 tiếp tục khẳng định: "Quy hoạch phân bố hợp lý công nghiệp trên cả nước. Phát triển có hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng một số khu công nghệ cao, hình thành các cụm công nghiệp lớn và các khu kinh tế mở". Báo cáo chính trị tại Đại hội X (năm 2006) một lần nữa khẳng định chủ trương “Phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế, nâng cao hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất”, đồng thời nhấn mạnh chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững KCN, KCX.
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XI (năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đã định hướng phát triển KCN, KCX bền vững và theo chiều sâu: “Bố trí hợp lý công nghiệp trên các vùng; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm, tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 “...tất cả các cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung”.
Những kết quả nổi bật trong hoạt động của KCN và KCX
Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, mô hình KCN, KCX ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thể hiện ở những kết quả chủ yếu sau:
Về quy hoạch và thành lập KCN, KCX: tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có 325 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 95 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64 nghìn ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó, 220 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 61 nghìn ha và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 31,8 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%, cao hơn 2% so với cuối năm 2015, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%, cao hơn 6% so với cuối năm 2015.
Về kết quả hoạt động: các KCN, KCX đã phát huy được lợi thế về kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, theo đó, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn cả trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hàng năm, số lượng vốn FDI đầu tư vào KCN chiếm khoảng từ 60-70% tổng vốn đầu tư FDI thu hút được của cả nước. Trung bình trong giai đoạn 2011-2015, các KCN thu hút được khoảng 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước. Năm 2016, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 31,8 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%, cao hơn 2% so với cuối năm 2015, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%, cao hơn 6% so với cuối năm 2015.
Lực lượng doanh nghiệp trong KCN dần được hình thành và phát triển mạnh, trong đó, có cả những doanh nghiệp được đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia lớn như: Tập đoàn Hyosung, Samsung, LG (Hàn Quốc), Tập đoàn Robert Bosch (Đức)…, tạo cơ hội để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp trong KCN tạo ra doanh thu lớn, đóng góp khoảng 30% vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tạo việc làm cho khoảng trên 2 triệu lao động, có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình KCN, KCX
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển KCN, KCX, bên cạnh kết quả đạt được, mô hình KCN, KCX còn có những mặt hạn chế cần phải tiếp tục nghiên cứu, khắc phục trong thời gian tới.
Chất lượng công tác quy hoạch KCN, KCX và triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Chất lượng công tác xây dựng quy hoạch KCN, KCX chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành; tiềm năng, lợi thế của địa phương và của vùng. Việc triển khai Quy hoạch KCN, KCX đã được duyệt của các địa phương còn hạn chế, chưa căn cứ trên khả năng thu hút đầu tư thực tế. Nguyên nhân là tư duy quy hoạch còn mang nhiều tính cục bộ, địa phương, chú trọng lợi ích của địa phương mà chưa tính toán đúng mức tới lợi ích của vùng, quốc gia.
Các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình KCN đa ngành, chú ý nhiều đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để đẩy nhanh việc lấp đầy diện tích đất cho thuê của KCN nhưng chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, xã hội nảy sinh khi phát triển KCN và nâng cao hiệu quả kinh tế của các KCN qua việc hợp tác, liên kết, cụ thể là: giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh KCN; sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để đảm bảo cuộc sống người lao động trong KCN chưa đáp ứng được nhu cầu; liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN và liên kết giữa các KCN với nhau để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng còn yếu.
Cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ” tại KCN, KCX để thuận lợi cho thu hút đầu tư chưa được phát huy. Việc ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KCX thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành về lao động, thương mại, xây dựng, môi trường đối với các hoạt động phát sinh trong KCN, KCX chưa được thực hiện triệt để, thống nhất do pháp luật chuyên ngành thường xuyên thay đổi.