Thanh Hóa là tỉnh có các sản phẩm đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, một số sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực địa phương được nhiều người biết đến. Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.
Từ năm 2018 đến năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã có 158 sản phẩm OCOP của 89 xã, phường, thị trấn (24 huyện, thị xã, thành phố) với 103 chủ thể (38 DN, 36 HTX, 4 THT, 25 Hộ SXKD); 1 sản phẩm 5 sao, 40 sản phẩm 4 sao, 117 sản phẩm 3 sao. Trong đó, thực phẩm: 108; đồ uống: 9; TCMN: 24; Thảo dược: 17; nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: Mắm tôm Hậu Lộc; cói Nga Sơn, Quế ngọc Thường Xuân, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập; bánh gai - Thọ Xuân; nước mắm Ba Làng - Thị xã Nghi Sơn; cam Vân Du - Thạch Thành; gà đồi Như Xuân, chè lam Phủ Quảng, tương Làng Ái…
|
Sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026
(Ảnh: Báo Thanh Hóa)
|
Sản phẩm OCOP được công nhận đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp chủ thể nâng quy mô sản xuất và doanh thu tăng hàng năm từ 15-20%. Một số doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, được tiêu thụ ổn định. Nhiều sản phẩm không chỉ tiêu thụ rộng trên thị trường nội địa mà còn tiếp cận với thị trường xuất khẩu như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 64 siêu thị ở Hoa Kỳ; Ghế tre thư giãn cao cấp của công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Đức, Mỹ; Dứa đóng hộp Trường Tùng xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia. Nhiều sản phẩm OCOP đang hướng đến làm quà tặng sang trọng và có giá trị cao như: Sâm báo, yến chưng…
Năm 2021, trước tình hình tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực ứng dụng công nghệ số đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện nhất. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, HTX và người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn…
Ngoài việc các chủ thể chủ động tự tìm trang để bán sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đưa các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và trên sàn thương mại điện tử với tên miền: www.langnghethanhhoa.vn. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cũng xây dựng website Chương trình OCOP với tên miền: ocoptinhthanhhoa.com.vn để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Văn phòng cũng phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho các chủ thể OCOP; mời đại diện các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki về trao đổi, hướng dẫn cách thức để đưa sản phẩm lên sàn thuận tiện nhất.
Bên cạnh đó, từ 1 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Thanh Hóa, đến nay đã có 16 điểm và có thêm 1 HTX OCOP Thanh Hóa kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các chủ thể tham gia OCOP hoàn thiện sản phẩm. Qua đó đã góp phần lan tỏa Chương trình OCOP đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân...
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quảng bá, tiếp thị theo hướng xúc tiến thương mại. Đối với các sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để đăng tải và duy trì sản phẩm trên trang thương mại điện tử có thu phí… Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có đề xuất hỗ trợ một lần, với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để quảng bá, tuyên truyền, thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa tiếp tục triển khai hiệu quả và đồng bộ Chương trình OCOP với các nhiệm vụ ưu tiên: Triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn; Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh sản phẩm OCOP Thanh Hóa trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu...
Mục tiêu Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu ít nhất 559 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, phấn đấu bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.