|
Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 15 tỷ USD |
Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, tăng 26,8% so với 6,28 tỷ USD năm 2021. Điện thoại các loại và linh kiện có giá trị cao nhất với 1,52 tỷ USD, tăng 18,4% so với 1,29 tỷ USD trong năm 2021; tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,03 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, trong các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, cà phê là mặt hàng có giá trị tăng cao nhất so với năm 2021, tăng 164,7% từ 21,69 triệu USD năm 2021 lên 57,40 triệu USD năm 2022, tiếp theo là sắt thép các loại, tăng 96,8% từ 113,46 triệu USD năm 2021 lên 171,10 triệu USD năm 2022; mặt hàng giày dép các loại, tăng 96,8% từ 113,46 triệu USD lên 223,35 triệu USD năm 2022.
Mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm nhiều nhất là thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 76,5% từ 98,18 triệu USD xuống còn 23,04 triệu USD, tiếp theo là than đá giảm 46,4% từ 14,31 triệu USD trong năm 2021 xuống còn 7,68 triệu USD trong năm 2022.
Xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỉ trọng lớn nhất trong năm 2022 đạt gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tương đương 1,522 triệu USD; tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,034 triệu USD chiếm 13% tỷ trọng; và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 804 triệu USD chiếm 10,10% tổng giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ.
Tổng giá trị nhập khẩu từ Ấn Độ trong năm 2022 đạt giá trị 7,09 tỷ USD tăng 1,8% so với 6,96 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu sắt thép các loại đạt giá trị cao nhất đạt 774,68 triệu USD, tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu đã giảm mạnh so với năm 2021, giảm 44,6% so với 1,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước; nhập khẩu máy móc thiết bị, công cụ, phụ tùng khác đứng thứ hai đạt 549,31 triệu USD, tăng 28,3% so với 428 triệu USD năm 2021; nhập khẩu kim loại thường khác đạt 515 triệu USD tăng 26,3% so với 428 triệu USD trong năm 2021.
Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại tăng 181,1% đạt 35 triệu USD năm 2022 so với 12,46 triệu USD trong năm 2021; nhập khẩu hàng rau quả tăng 80% đạt 53,45 triệu USD so với 29,72 triệu USD cùng kỳ năm trước.
Xét về cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu, mặt hàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong năm 2022 là sắt thép các loại, chiếm 11% tổng kim ngạch nhập khẩu; tiếp theo ngành hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 7,75% tỷ trọng; tiếp đến mặt hàng kim loại thường chiếm 7,3%.
Nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện từ và linh kiện giảm mạnh, tổng giá trị nhập khẩu trong năm 2022 chỉ đạt 37,3 triệu USD, giảm 53,3% so với 79,9 triệu USD năm 2021; nhập khẩu giấy các loại giảm 50,4%; nhập khẩu sắt thép các loại giảm 44,6%.
Ấn Độ có nhiều ngành sản xuất truyền thống, lâu đời, còn Việt Nam là nước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rất nhanh và hiệu quả, nên hai nước có lợi thế bổ sung cho nhau. Ấn Độ là nơi sản xuất và cung cấp nguyên vật liệu quan trọng, Việt Nam có nhu cầu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng hàng đầu đối với một số ngành của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm.
Ấn Độ là một thị trường lớn với dân số khoảng 1,4 tỷ người, nhu cầu thị trường phong phú, đa dạng nằm ở nhiều phân khúc khách hàng… là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường.