Tin tưởng các nhà đầu tư quốc tế sẽ coi Việt Nam là một điểm đến tin cậy

Thứ hai, 19/12/2022 17:50
(ĐCSVN) - Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực. Trong đó, đáng chú ý là sự tham gia tích cực của các Quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững

Điều này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2022) diễn ra ngày 19/12 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn (Ảnh: HNV) 

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều chính sách về tài khóa và tiền tệ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh sau COVID-19, tạo tiền đề cho nhiều Quỹ đầu tư kết nối, tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, gặp gỡ doanh nghiệp, thúc đẩy các thương vụ đầu tư tại Việt Nam. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á. Các Quỹ đầu tư cũng đồng thời đóng vai trò như các đơn vị ươm tạo, tăng tốc cho nhiều startups. Các Quỹ đã hỗ trợ toàn diện cho các startups về nguồn hỗ trợ tài chính, kiến thức, năng lực vận hành, phát triển, thương mại hóa sản phẩm, góp phần tạo ra những giá trị vượt trội cho startups Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn và chất lượng hơn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là cơ quan tham mưu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiều năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hết sức quan tâm đến những chuyển biến của hoạt động đầu tư toàn cầu, những tác động và khả năng ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam trong giai đoạn này.

Thực tế, kinh tế thế giới đang trải qua những biến động lớn do các vấn đề xung đột địa chính trị, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng về năng lượng và hàng hóa, nguy cơ lạm phát cao, suy thoái hiện hữu tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam với vị trí đặc thù và là một nền kinh tế mở nên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động của kinh tế toàn cầu.

Đứng trước những khó khăn, thách thức hiện nay, Chính phủ Việt Nam luôn bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục đẩy lùi dịch bệnh và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp sớm phục hồi sau đại dịch. Mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực về kinh tế. Trong 11 tháng năm 2022, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt gần 20 tỷ đô-la Mỹ, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng cao nhất của 11 tháng trong 5 năm trở lại đây. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường từ đầu năm đến hết tháng 11 tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đối với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu đô-la Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ. Số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ 2021, chứng tỏ một lượng lớn các công ty startups Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Có thể nói, trong nhiều năm qua, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm và đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số cho doanh nghiệp… Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách cho CMCN 4.0 được quốc tế đánh giá cao. Tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo (GII), chỉ số xếp hạng về Thể chế tăng hạng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và 2021, lên vị trí thứ 51 năm 2022. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra tiền đề cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống các đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.

“Tuy nhiên, ngoài việc phát triển các chủ thể hệ sinh thái, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch. Trong nội dung phát biểu tại Techfest Việt Nam 2022 cách đây 2 tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tại Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng đã đề ra định hướng rà soát, sửa đổi thể chế về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ” – Bộ trưởng nói.

Việt Nam cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất
(Ảnh tư liệu)

Bộ trưởng cho rằng, để thực hiện được yêu cầu, nhiệm vụ về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, các Quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là những đối tác quan trọng của Chính phủ, các Bộ ngành để cùng chia sẻ, hỗ trợ và đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam có được một môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn trong khu vực và trên thế giới. “Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới sẽ là nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng” – Bộ trưởng cam kết

Dịp này, Bộ trưởng cũng đề nghị các Quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn, các startups cùng đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thành lập cơ chế đầu tư, hỗ trợ thật hiệu quả, khai thác tốt các nguồn lực dành cho đổi mới sáng tạo.

Việc tăng cường trao đổi thảo luận, làm rõ bức tranh về dòng chảy đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới và tại Việt Nam, những lĩnh vực công nghệ thu hút đầu tư, cũng như đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, với chủ đề “Dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu”, Bộ mong muốn có thể phản ánh sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế. Sự dịch chuyển đó không chỉ là dòng vốn mà chính là dòng chảy của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính tri thức, công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ được tạo nên từ quá trình đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo giá trị cho hoạt động đầu tư tài chính. Vì thế, Diễn đàn lần này là cơ hội để trao đổi sâu hơn, toàn diện hơn về dòng chảy giá trị, bao gồm cả tri thức, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn vốn trên thị trường, để thấy được những xu hướng, những thách thức và cả cơ hội của khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu.

Cũng dịp này, Bộ trưởng đã bày tỏ tin tưởng các nhà đầu tư và cộng đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tham gia Diễn đàn sẽ tìm được những kết nối mới, cơ hội mới và quan trọng hơn là nhìn thấy Việt Nam như một điểm đến tin cậy./.

Hân Nguyễn (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực