Vì sao phải phát triển công trình xanh ở nước ta hiện nay?

Thứ tư, 14/06/2017 19:44
(ĐCSVN) – Theo PGS. TS. Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cùng với xu thế của khu vực và thế giới, Việt Nam cần có một mô hình hợp lý, hiệu quả về công trình xanh (CTX), chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo đó, tập trung vào lãnh đạo và điều hành Phong trào CTX ở Việt Nam để các nhà đầu tư, những người làm kiến trúc cũng như xây dựng nhanh chóng chung tay cùng thế giới chống lại BĐKH. Có thể tham khảo mô hình tương tự BCA Singapore.

Sự xuất hiện của CTX và phong trào CTX

PGS.TS Phạm Đức Nguyên (Ảnh: VNREA)

Công trình xanh (tên tiếng Anh là Green Building) là một phong trào xây dựng công trình thân thiện với hệ sinh thái (xanh) xuất hiện từ cuối thế kỷ 20 (1990- 1995) cho tới nay, nhằm đánh giá các tòa nhà (Buildings) đã xây dựng và đưa vào sử dụng từ 2 đến 3 năm về mặt thân thiện với thiên nhiên, vận hành không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực và đô thị, giảm nhiều nhất tiêu thụ năng lượng hóa thạch, nhờ đó giảm phát thải khí CO2, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước và tạo được môi trường sống tốt nhất cho con người và mọi loài sinh vật.

Các tòa nhà được đánh giá bằng điểm số theo “Hệ thống tiêu chí đánh giá CTX” của mỗi nước, sẽ được cấp  “Chứng chỉ Công trình xanh” theo bốn mức Bạch kim (cao nhất), Vàng, Bạc và Đạt yêu cầu (thấp nhất). “Chứng chỉ Công trình xanh” không phải là giải thưởng, mà  là sự thừa nhận và tôn vinh của xã hội, cộng đồng đối với các nhà đầu tư, các tác giả thiết kế và xây dựng công trình, nhằm khuyến khích xây dựng thật nhiều các tòa nhà xanh.

“Hệ thống tiêu chí đánh giá CTX” không được coi là quy chuẩn thiết kế hoặc xây dựng công trình (Building Code), bởi Quy chuẩn là các tiêu chí bắt buộc thấp nhất (giới hạn sàn) phải đạt được để được cấp phép xây dựng. Các tiêu chí CTX là những mong muốn cao hơn Quy chuẩn vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội và xa hơn cho cả Trái đất trong tương lai (ta sẽ nói tới ở phần sau).

Thực tế, Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên của Liên hợp quốc (UCN) là nơi đầu tiên báo động về sự phát triển không bền vững của Trái đất trong bản Tuyên bố Chiến lược bảo tồn Thế giới (World Conservation Strategy) tại Thụy Sỹ năm 1980. Tuyên bố đó nói rằng, bền vững phải được coi là mắt xích không thể tách rời với phát triển. Năm 1987, Hội đồng thế giới về Môi trường và Phát triển (World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc (LHQ) được thành lập và công bố bản báo cáo Tương lai chung của chúng ta (Our Common Future), đã đưa ra định nghĩa có tính nguyên tắc là: “Tăng trưởng kinh tế cần được quản lý để tài nguyên thiên nhiên sử dụng sao cho cuộc sống của các thế hệ tương lai được bảo đảm. Phát triển bền vững bao hàm các đường lối phát triển chính trị và kinh tế xã hội đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng tới nhu cầu của các thế hệ tương lai” hay nói ngắn gọn thì “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Năm 1991, 03 tổ chức quốc tế (IUCN/UNEP/WWI) công bố văn kiện “Chăm lo cho Trái đất: Một chiến lược vì sự tồn tại bền vững”, đã đưa ra định nghĩa nổi tiếng về sự phát triển bền vững là “Sự nâng cao chất lượng đời sống con người trong lúc đang tồn tại, trong khuôn khổ đảm bảo của các hệ thống sinh thái”, còn tính bền vững là “một đặc điểm đặc trưng của một quá trình hoặc một trạng thái có thể duy trì mãi mãi”.

Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển (Conference on Environment and Development) tại Rio de Janeiro, Brazin có 179 nhà lãnh đạo thế giới tham gia, đã thông qua Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) về các giải pháp phát triển bền vững chung cho toàn thế giới trong thế kỷ 21. 10 năm sau, năm 2002, tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tại Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi với 166 nước tham gia đã khẳng định lại các nguyên tắc đã đề ra và cam kết thực hiện đầy đủ chương trình nghị sự. Trên cơ sở đó, các nước đã đưa ra Chương trình nghị sự 21 của mình. Đó chính là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam” được phê duyệt năm 2012.

Cần thiết phải phát triển mô hình CTX

Mô hình công trình xanh (Ảnh tư liệu. Nguồn: tietkiemnangluong.vn)

Sự phát triển của xã hội văn minh với khoa học kỹ thuật tiên tiến và công nghệ cao luôn gắn liền với đô thị hóa. Dân cư từ nông thôn sẽ chuyển ra sinh sống tại các đô thị, từ lao động nông nghiệp thô sơ do chưa được công nghiệp hóa sẽ chuyển sang lao động có kỹ năng trong các nhà máy, xí nghiệp, công ty. Năm 1880 mới chỉ có 4% dân số thế giới sống trong các đô thị. 20 năm sau, năm 1900, dân số đô thị đã tăng lên 14%, và sau 50 năm tiếp theo (1950) tỷ lệ dân số đô thị đã lên tới 30%. Đến năm 2007, đã có hơn 50% dân số thế giới, tức khoảng 3,2 tỷ người sống trong các đô thị. Theo dự báo của LHQ và Ngân hàng thế giới (WB) tới năm 2025 sẽ có 2/3 dân số thế giới, khoảng 5 trong 8 tỷ người, sống trong các đô thị. Một dự báo khác, năm 2050 trên thế giới sẽ có 85% dân số sống trong các thành phố.

Riêng tại Việt Nam, năm 1986, tỷ lệ dân cư sống tại đô thị là 19% (khoảng 11,8 triệu người), đến năm 1999 có 17,9 triệu người là dân đô thị, chiếm 23,45% dân số. Năm 2010 dân số đô thị chiếm tỷ lệ 30,52% (26,31 triệu người), tăng 0,34% so với năm 2009. Theo “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050”, năm 2015, dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38%, đến năm 2025 dân số đô thị khoảng 52 triệu, tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.

Đô thị hóa gây sức ép rất lớn lên hệ sinh thái và môi trường. Trước hết, đất nông nghiệp trở thành đất đô thị để xây dựng các nhà ở, văn phòng, các công trình phục vụ người dân, hệ thống giao thông, các khu công nghiệp. Không chỉ ruộng đồng mà cả rừng cây, thảm cỏ, ao hồ, sông ngòi cũng dễ dàng bị mất. Các sinh vật bị đuổi khỏi nơi sinh sống. Thay cho các bề mặt tự nhiên là bề mặt của công trình xây dựng, giao thông, hấp thụ mạnh bức xạ mặt trời, làm cho nhiệt độ các đô thị tăng cao. Cùng với các chất thải (rắn, khí, lỏng) từ hoạt động của con người trong các đô thị, của giao thông vận tải, của công nghiệp, môi trường đô thị bị thay đổi mạnh so với môi trường tự nhiên, bất lợi không chỉ đối với con người mà còn góp phần tạo ra những biến đổi lớn, có tính tích lũy, gây đột biến đối với hệ sinh thái và môi trường khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là đô thị hóa đòi hỏi tăng cường sản xuất điện năng từ đốt nhiên liệu hóa thạch để phục vụ con người, thải vào khí quyển Carbon dioxide (CO2), là “khí nhà kính  chủ yếu do nồng độ lớn, làm nóng Trái đất, gây ra BĐKH.

Năng lượng sử dụng trong công trình xây dựng bao gồm từ việc sản xuất vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết kế và thi công xây dựng công trình, năng lượng vận hành công trình trong suốt cuộc đời, kể cả việc bảo dưỡng, cải tạo, sửa chữa, tới khi phá hủy công trình. Toàn bộ năng lượng này trong tất cả các công trình xây dựng đóng góp khoảng gần một nửa lượng CO2 trong khí quyển.

Theo Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC), năng lượng sử dụng hàng năm của nhà ở và nhà thương mại là 39%, cộng thêm năng lượng tự thân khi chế tạo vật liệu xây dựng, vận chuyển chúng đến nơi xây dựng và lắp đặt vào công trình, thì tổng năng lượng tiêu thụ cho nhà cửa là 48%. Trong khi đó, nghiên cứu tại Đài Loan cho biết tỷ lệ phát thải CO2 gắn với công nghiệp xây dựng – kiến trúc là trên 40% ở các nước xứ lạnh.Còn Hội thảo về CTX châu Phi năm 2010 đánh giá “hoạt động xây dựng công trình đã tiêu hao 56% năng lượng của khu vực”. Điều này cho thấy lĩnh vực xây dựng nói chung và nhà cửa nói riêng góp khoảng “một nửa nguyên nhân” gây ra BĐKH.

Đây cũng là lý do dẫn tới sự xuất hiện CTX. Một nhà nghiên cứu Mỹ đánh giá, ban đầu CTX chỉ như một làn sóng, đến năm 2006 đã trở thành cơn bão và đến 2009 – 2010 được coi là “Cuộc cách mạng CTX”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh COP 21 Paris, 12/2015, các nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên công nhận “CTX phải và sẽ là một phần giải pháp cho BĐKH”. Vì  vậy, CTX cần trở thành một Phong trào rộng khắp trong toàn lĩnh vực xây dựng thế giới. CTX sẽ làm thay đổi môi trường để cuộc sống con người trên thế giới trở nên tốt đẹp hơn và ngăn chặn BĐKH toàn cầu. Vì lẽ đó, đã có gần 100 quốc gia đã biến hoạt động này thành một Phong trào quốc gia.

Đơn cử như, năm 2002, Đài Loan đưa CTX thành chính sách quốc gia và năm 2008 coi đó là thách thức lớn trong “Chương trình trọng đại phát triển quốc gia”. Sau 7 năm thực hành CTX (2000 – 2007) đã tiết kiệm được 432 triệu kWh điện, giảm được 285.000 tấn CO2, tương đương lượng hấp thụ của 950 ha rừng, giảm 18,3 triệu m3 nước sạch.

Tại Singapore năm 2012 đã có 1500 công trình được nhận chứng chỉ CTX, chiếm 21% tổng số lượng các công trình xây dựng. Tại nước này CTX đã phát triển sang lĩnh vực hạ tầng và công viên (hiện có và mới xây dựng).

Năm 2005 – 2010, Singapore có chương trình lớn quốc gia về CTX lần thứ nhất. Tiếp đó, năm 2010, đã ban hành Chương trình CTX tiếp theo cho năm 2010 – 2030 với mục tiêu tới năm 2030 sẽ có 80% công trình đạt chứng chỉ CTX.

Tổng kết 200 dự án đầu tiên được nhận chứng chỉ CTX tại Mỹ, đã giảm được khoảng 30% nước cấp và 30 – 50% năng lượng. Nhờ đánh giá này, năm 2000, tại Mỹ có 1.500 tòa nhà và năm 2006 đã có 5.000 công trình được cấp chứng chỉ CTX với tổng diện tích sử dụng là 50 triệu m2.

Năm 2003, tại Tây Ban Nha, khu thương mại Alvenco ở Madrid diện tích gần 35.000 m2 là công trình đầu tiên ở châu Âu nhận chứng chỉ Bạc của LEED, hệ thống năng lượng tiết kiệm được 31% và hệ thống nước tiết kiệm 44%.

Học kinh nghiệm từ việc phát triển CTX của các nước

Kinh nghiệm phát triển CTX ở Đài Loan cho thấy, trong số 700 dự án được xem xét để cấp Chứng chỉ CTX lần đầu tiên (năm 2003), điểm trung bình chỉ đạt 4,3, trong đó chỉ có 2,5% dự án đạt điểm 6 – 9 theo thang điểm 100 [3]. Sau 7 năm thực hiện, chương trình CTX Đài Loan cho thấy có 50% kỹ thuật xanh áp dụng giữ nguyên giá, 30% giảm giá và chỉ có 20% tăng giá. Khẩu hiệu của CTX Đài Loan là “Giàu có gấp đôi, tài nguyên một nửa”.  Vì vậy, Đài Loan là đất nước có phong trào CTX phát triển mạnh hàng đầu trong khu vực.

Tại Mỹ, có vài nghiên cứu về vấn đề này. Một số nghiên cứu cho kết quả là để đạt chứng chỉ LEED, chi phí dự án tăng trung bình 1,84%, để đạt chứng chỉ vàng, chi phí xây dựng cao hơn từ 1 đến 5%, (nghiên cứu 33 dự án tại California năm 2003 của Gregory Kats). Nhưng một nghiên cứu khác của Tập đoàn quản lý giá quốc tế Davis Langdon năm 2006, dựa trên 94 dự án xây dựng, lại thấy rằng không có bằng chứng nào nổi bật để kết luận rằng chi phí cho mỗi m2 CTX nhiều hơn một công trình truyền thống. Các nhà nghiên cứu đánh giá “từ phân tích này chúng ta kết luận được rằng, nhiều dự án đạt được tiêu chuẩn bền vững chỉ với kinh phí ban đầu hay chỉ cần thêm một khoản tiền hỗ trợ rất nhỏ…”.

Về quan hệ giữa giá đầu tư, hiệu quả năng lượng và thời gian hoàn vốn, Công ty tư vấn IEN (IEN Consultants) Đan Mạch hoạt động rất hiệu quả ở Malaysia với công thức: 5 – 50 – 5 với ý nghĩa: vốn đầu tư tăng thêm 5%, hiệu quả năng lượng tăng 50% và hoàn vốn sau 5 năm và họ đã thành công.

Tổng kết từ các nghiên cứu tại nhiều nước, có thể thừa nhận CTX có thể làm tăng giá thành công trình trung bình từ 2 đến 5%. Nhưng lợi ích CTX không chỉ mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng, mà quan trọng hơn là đóng góp hiệu quả vào việc ngăn chặn Biến đổi khí hậu trái đất. Một  thống kê tại Mỹ có thể làm yên lòng các nhà đầu tư, là các công trình đạt chứng chỉ CTX có thể được định giá cao hơn, nhưng lại được mua nhanh hơn.

Để phát triển được Phong trào CTX, cần có một tổ chức lãnh đạo và thực hiện phong trào này. Theo đó, phải công bố một “Hệ thống đánh giá CTX” khoa học, chuẩn xác, phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội, khí hậu, công nghệ xây dựng của mỗi nước. Có thể tham khảo hệ thống LEED của Mỹ, Green Star của Australia, BCA Green Mark của Singapore hay Green Building Index của Malaysia.

PGS.TS Phạm Đức Nguyên cho rằng, sau khi nghiên cứu nhiều hệ thống đánh giá CTX thế giới, chúng tôi nhận thấy chỉ có hệ thống BCA Green Mark Singapore là xét tới điều kiện khí hậu nhiệt đới, thể hiện rõ nhất trong ưu tiên thông gió tự nhiên trong các tòa nhà. Khi được Bộ Xây dựng giao xây dựng một Hệ thống đánh giá CTX cho Việt Nam, chúng tôi đã áp dụng điều này và bổ sung thêm các đặc điểm xây dựng khác mà chỉ Việt Nam mới có.

Thêm nữa, sự tham gia của cấp ủy, chính quyền trong triển khai phong trào CTX sẽ thuận lợi trong việc đề ra các chính sách khuyến khích phong trào. Quan trọng hơn nữa là đánh giá cấp chứng chỉ CTX do cơ quan chuyên môn lãnh đạo thực hiện. Tuy nhiên, công việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về CTX tới cộng đồng và tới các nhà đầu tư cũng là nội dung cần chú trọng.

Sau hơn 20 năm ra đời, CTX đã thực sự là một Phong trào lớn mạnh trên toàn cầu, đã và sẽ có đóng góp hiệu quả chống lại BĐKH, mang lại môi trường sống tốt đẹp, sức khỏe cho người dân các đô thị.

Riêng với Việt Nam, cần chủ động và tham khảo kỹ lưỡng kinh nghiệm khu vực, quốc tế để phong trào CTX của nước ta nhanh chóng theo kịp thế giới.

Tháng 11/1999, Hội nghị thành lập Hội đồng CTX thế giới ở California gồm 08 đại diện từ Hội đồng CTX các quốc gia: Australia, Canada, Japan, Tây Ban Nha, Nga, Cộng hòa A Rập thống nhất, Vương quốc Anh và Hoa kỳ. Báo cáo thường niên năm 2015/2016 của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới xác nhận: đã có 49% Hội đồng CTX các nước thực hiện Hệ thống cấp Chứng chỉ CTX cho các công trình xây dựng ở nước mình với tổng diện tích 1,04 tỷ m2 CTX, bằng 10 lần diện tích của Paris. Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu COP 21 tháng 12/2015 tại Paris, thông qua Thỏa thuận hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2oC. Hơn 30 Hội đồng CTX các nước cam kết chung đầy tham vọng, đến năm 2020 sẽ có thêm 1,25 tỷ mét vuông không gian công trình xanh trên thế giới, gấp gần hai lần diện tích của Singapore - và đào tạo cung cấp 127.000 các chuyên gia CTX.  

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực