|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tiếp ông Karl Van Den Bossche - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam. |
Ngày 15/12, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi tiếp ông Karl Van Den Bossche - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chào mừng ông Karl Van Den Bossche, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, hoan nghênh Tập đoàn Solvay đến thăm và làm việc tại Bộ Công Thương để tìm kiếm có hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ông Karl Van Den Bossche cho biết trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023), chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 12 năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng; góp phần đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn phát triển mới, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, nhất là về thương mại - đầu tư; đồng thời, khẳng định coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhân dịp này, Đại sứ bày tỏ mong muốn thúc đẩy các đối tác phía Bỉ cũng như Liên minh châu Âu (EU) hợp tác với các đối tác phía Việt Nam trong nhiều lĩnh vực trong đó có các lĩnh vực hóa chất, khai thác và chế biến khoáng sản cùng hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam. Đây là mục tiêu mà cả phía Bỉ và phía Việt Nam cũng như EU hướng tới với tầm nhìn 2050. Đại sứ cũng giới thiệu Tập đoàn Solvay, một trong những tập đoàn hóa chất lớn nhất ở Bỉ có hiện diện ở 63 quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam từ năm 2015, có mong muốn mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt nam và phát triển hợp tác với các đối tác Việt Nam đặc biệt là Vinacomin.
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, hợp tác đầu tư giữa Bỉ và Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng với những nền tảng thuận lợi đến từ EVFTA và tới đây là EVIPA. Bộ Công Thương luôn hoan nghênh và tạo điều kiện và khuyến khích những nhà đầu tư EU nói chung và Bỉ nói riêng mang công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đầu tư vào các ngành Việt Nam đang có nhu cầu như hóa chất, chế biến khoáng sản. Do vậy Solvay có rất nhiều cơ hội ở Việt Nam và cần mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
Quan hệ kinh tế thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ trong thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp, ở cả cấp trung ương và cấp vùng, cộng đồng, tạo ra các mối hợp tác đa dạng, phong phú, bổ sung cho nhau, phát huy được các thế mạnh của cả hai bên.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Vương quốc Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong số các nước thành viên EU. Giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt từ 6-10%/năm và chỉ ghi nhận mức sụt giảm gần 10% năm 2020.
Bước sang năm 2021, thương mại hai chiều đã bật tăng mạnh mẽ lên đến 53,8% so với năm 2020, đạt 4,29 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu tăng đến 55,7% so với năm 2020, đạt 3,6 tỷ USD; nhập khẩu tăng 44,7%, đạt 685,5 triệu USD. Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Bỉ đạt hơn 3,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu đạt 675,2 triệu USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Bỉ trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 3 tỷ USD.
Về hợp tác đầu tư, tính đến ngày 20/11/2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Bỉ vào Việt Nam có 82 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 1,1 tỉ USD, chiếm 3,95% tổng vốn FDI của EU tại Việt Nam; đứng thứ 6/24 trong các quốc gia thành viên EU đầu tư tại Việt Nam và thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các nhà đầu tư Bỉ đầu tư vào 15/21 ngành nghề kinh tế tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như cấp nước và xử lý nước thải (tổng số vốn đăng ký là 409 triệu USD, chiếm 37,3%); kinh doanh bất động sản (tổng số vốn đăng ký là 372 triệu USD, chiếm 33,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo (tổng số vốn đăng ký 229,8 triệu USD, chiếm 20,9%). Một số dự án tiêu biểu của Bỉ tại Việt Nam là Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn, Dự án đầu tư xây dựng & kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Cảng quốc tế Hải Phòng và Dự án Nhà máy sản xuất sợi thép và sợi thép bện tại Dung Quất.