Bà Rịa – Vũng Tàu: Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo từng chuyên ngành

Thứ hai, 31/10/2022 15:53
(ĐCSVN) - Năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 9,82% so với năm 2021. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh này đã và đang triển khai tích cực đề án, kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp…
Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy lợi thế kinh tế cảng biển. (Ảnh: K.V) 

Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn chú trọng phát triển công nghiệp có chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực, thế giới, giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể thấy, ngay sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã và đang phục hồi và có nhiều dấu hiệu khả quan, việc thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua tổ công tác hỗ trợ, tỉnh tiếp cận đầy đủ thông tin và xem xét những nội dung mà doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, Tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường, nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là nhóm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực có đóng góp lớn ngân sách, giải quyết việc làm như: cơ khí chế tạo, may mặc, vật liệu xây dựng, giấy. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng cường công tác khuyến công, thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022.

Theo Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh này có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) tăng gần 9%, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của kinh tế tỉnh với chỉ số tăng gần 10%. Giá trị tăng thêm của giá trị sản xuất công nghiệp chủ yếu nằm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Những năm qua, tỉnh Bà Rịa -V ũng Tàu đã phát huy mạnh mẽ những tiềm năng và lợi thế hiếm có của một tỉnh nằm ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, trong đó tĩnh tập trung phát triển mạnh về công nghiệp chế biến, chế tạo; phát huy lợi thế là một trong hai cảng biển nước sâu của quốc gia, nhất là hệ thống cảng biển đặc biệt Cái Mép-Thị Vải, nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Đồng thời, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển nhanh và bền vững, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, vừa bảo đảm an sinh xã hội vừa bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp, trong đó tập trung các định hướng lớn như quan tâm thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới. Phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.

Được biết, giai đoạn 2020 - 2025, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, gồm công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp theo từng chuyên ngành; tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển; chú trọng các ngành công nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ lệ gia công trong ngành dệt may, da giày. Hạn chế hoặc không tiếp nhận các ngành công nghiệp thuộc một số lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; những lĩnh vực phi sản xuất làm gia tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên và đất đai, công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động.

Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ các dự án công nghiệp lớn đưa vào hoạt động. Phát triển các ngành công nghiệp hóa dầu để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của ngành hóa chất trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Thành lập thêm 02 khu công nghiệp với diện tích 1.730 ha (khu công nghiệp tại thị xã Phú Mỹ và tại huyện Xuyên Mộc). Hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Trên cơ sở các khu, cụm công nghiệp hiện có, định hướng hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung, thực hiện liên kết ngành trong các khu công nghiệp hỗ trợ, từng bước tạo ra mạng lưới cung ứng cho các ngành công nghiệp chế tạo, đóng tàu, hóa chất, dầu khí... trên địa bàn tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phát triển hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp và hệ thống hạ tầng xã hội của khu vực. Phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng đến một nền công nghiệp sản xuất xanh, sạch; bảo đảm đến năm 2023, 100% khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn loại A.

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường công tác phòng trừ dịch hại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Tiếp tục phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến bảo quản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường bền vững.

Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung tạo quỹ đất để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 4.000 ha tại các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ. Xây dựng đưa vào hoạt động 4 vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Triển khai kế hoạch tiếp cận nông nghiệp 4.0, nông nghiệp đô thị. Tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 gấp 1,5 lần so với hiện nay…./..

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực