Nhiều người gọi Bạc Liêu là xứ muối, ban đầu gọi là muối Ba Thắc, sau này còn gọi là muối Long Điền (vì ở Long Điền, huyện Đông Hải có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh). Hơn 100 năm phát triển, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất, với người như một phần hương vị không thể thiếu của quê hương.
|
Nguồn: BTC Festival nghề muối Bạc Liêu |
Gia tăng giá trị sản xuất
Điểm lại lịch sử, nghề muối Bạc Liêu xưa đóng góp rất lớn về tăng trưởng kinh tế cho tỉnh, không chỉ thế, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa giá trị văn hóa đặc biệt. Nghề phản ánh bản sắc, điều kiện tự nhiên độc đáo của Bạc Liêu. Làm ra những hạt muối không có vị chát - đó là điểm đặc biệt, là tinh hoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của diêm dân Bạc Liêu.
Có thể thấy, muối Bạc Liêu không chỉ là hàng hóa thuần túy kinh tế mà còn là mang tính sáng tạo và phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, điều kiện tự nhiên khác biệt của vùng đất. Đặc biệt, những câu chuyện có thật hay giai thoại xung quanh nghề muối và hạt muối Bạc Liêu chính là giá trị hữu hình và là những tiềm năng để làm du lịch.
Chia sẻ về nghề làm muối ở Bạc Liêu hiện nay, ông Ngô Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thống nhất với tỉnh Bạc Liêu tổ chức sự kiện Festival muối diễn ra từ ngày 6-8/3/2025, nhân sự kiện này, địa phương cũng mời gọi các nhà đầu tư vào để tìm hiểu, khảo sát, đánh giá thực tế để xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ muối trong và ngoài nước.
“Hiện tại có một số nhà đầu tư đã triển khai đăng ký xây dựng nhà máy sản xuất muối, khu trưng bày tại tỉnh Bạc Liêu đồng thời một số nhà đầu tư ở Hà Nội đã vào thực hiện chuỗi liên kết sản xuất cùng với các HTX để bao tiêu sản phẩm và xây dựng kho bãi trữ muối, được giá lúc nào bán lúc đó", ông Phong cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Ngô Nguyên Phong, để giá trị hạt muối được nâng cao thì cần tập trung đầu tư xây dựng kho bãi để trữ muối, khi nào giá ổn định, có lời thì xuất bán. Qua xúc tiến đầu tư, tỉnh Bạc Liêu đã tìm được một số đối tác nước ngoài như Trung Quốc để tạo liên kết tiêu thụ muối. “Muốn giá trị hạt muối được nâng lên thì phải nâng cao chất lượng, khi có chất lượng thì tự động giá muối sẽ cao. Tỉnh sẽ định hướng sản xuất theo cách thức tăng dần chất lượng sản phẩm muối từ 3 sao lên 4 sao, 4 sao lên 5 sao. Hiện Bạc Liêu đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 2 sản phẩm muối đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 5 sao trong năm nay”, ông Phong cho hay.
Ông Phong khuyến cáo, đối với bà con diêm dân, trong quá trình sản xuất muối nên cần quan tâm đến chất lượng nguồn nước, để nâng dần chất lượng sản phẩm. Hiện tại, hạt muối không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó, nhu cầu của thị trường nước ngoài luôn đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm rất khắt khe, do đó, bà con nên tập thói quen sản xuất muối đạt chất lượng tốt nhất. Hơn nữa, sản xuất muối còn phụ thuộc vào thời tiết cho nên người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để có hướng sản xuất phù hợp, tránh trường hợp thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng tới vụ mùa. “Muốn sản phẩm đủ lớn mạnh, không có cách nào khác ngoài sản xuất theo mô hình kinh tế HTX. Bởi sản xuất theo loại hình này, diêm dân sẽ sản xuất được theo chuỗi liên kết, được bao tiêu sản phẩm. Từ đó, tăng dần giá trị sản xuất, chứ sản xuất nhỏ lẻ thì giá bấp bênh do đầu ra không ổn định”, ông Phong yêu cầu.
|
Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu (Ảnh: HNV) |
Phát triển nghề muối theo hướng bền vững
Thiết nghĩ, để nghề muối phát triển bền vững, thị trường muối được ổn định, không còn tình trạng giá cả bấp bênh lệ thuộc vào thương lái thì diêm dân cần xóa bỏ tư duy, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thay vào đó, phải mạnh dạn tham gia loại hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác (THT), HTX để được nhà nước hỗ trợ các chính sách, nhất là được sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, được cam kết bao tiêu sản phẩm. Từ đó, bà con diêm dân mới có thể an tâm sản xuất mà không phải thấp thỏm âu lo hạt muối thu hoạch không có người thu mua hoặc bị ép giá. Thực tế thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng cho đồng muối và quyết tâm giữ cho được nghề muối truyền thống. UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối” giai đoạn 2021-2030.
Đáng chú ý, để bảo tồn diện tích muối hiện có, với việc áp dụng các chính sách, đề án phát triển thương hiệu muối Bạc Liêu gắn với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 130 tỷ đồng cho đề án nâng cấp cánh đồng muối của tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, nâng cấp hạ tầng cánh đồng muối, các hộ dân nằm trong dự án sẽ được đầu tư điện, nâng cấp lộ, nạo vét thủy lợi; nâng cao hiệu quả và chất lượng muối, giúp diêm dân ứng dụng công nghệ để tăng năng suất muối. Đồng thời, kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến muối để xây dựng thương hiệu muối thực phẩm, muối dược liệu, quà tặng du lịch...; xây dựng khu trưng bày muối, công cụ, phương tiện sản xuất muối và lịch sử hình thành ngành muối để kết nối du lịch.
Bên cạnh đó, Quỹ Môi trường toàn cầu của Liên hợp quốc, đơn vị tài trợ thực hiện Dự án “Bảo tồn và nâng cao giá trị nghề muối truyền thống gắn với phát triển du lịch vùng ven biển huyện Hòa Bình” cũng đã triển khai thi điểm mô hình Làng du lịch muối thông minh gắn với bảo tồn Làng nghề muối truyền thống ở ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình).
Có thể nói, bên cạnh giá trị kinh tế, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa giá trị văn hóa đặc biệt. Những câu chuyện xung quanh nghề muối và hạt muối Bạc Liêu chính là giá trị hữu hình và là những tiềm năng để làm du lịch. Bạc Liêu sẽ xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; xây dựng lễ hội muối và tổ chức định kỳ hằng năm nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức. Hiện nay, Bạc Liêu có 10 sản phẩm muối đã được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, gồm 7 sản phẩm của Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đạt 4 sao (Muối tinh Bạc Liêu, muối tôm Bạc Liêu, muối chay Bạc Liêu, muối hạt Bạc Liêu, muối ớt Bạc Liêu, muối tiêu Bạc Liêu) và 3 sản phẩm của Công ty Cổ phần Muối Đông Hải đạt 3 sao (Muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy Iod).
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng khẳng định rõ ràng rằng, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã trải qua hơn 100 năm với nhiều thăng trầm, hạt muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất đã ăn sâu vào tâm thức và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng diêm dân Bạc Liêu luôn quyết tâm bám trụ lấy nghề với niềm hi vọng, nghề muối sẽ khởi sắc.
Tỉnh Bạc Liêu quyết tâm phải giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều này được khẳng định thông qua việc phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu đến năm 2030, duy trì diện tích sản xuất muối 1.500 ha, sản lượng muối đạt 66.000 tấn/năm. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực các hạng mục của đề án nâng cấp cánh đồng muối của tỉnh Bạc Liêu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, tỉnh Bạc Liêu còn tích cực quan tâm hỗ trợ các công ty muối đổi mới quy trình công nghệ để chế biến các sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Song song, tỉnh tập trung khai thác và phát triển thương hiệu "Muối ăn Bạc Liêu" được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với phát triển du lịch, xem đây là giải pháp nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững nghề muối Bạc Liêu./.