Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, ngành Hải quan cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển hiện đại hóa ngành trong giai đoạn 5 năm cũng như từng năm. Mục tiêu cốt lõi là xây dựng Hải quan Việt Nam trở thành một lực lượng chính quy, hiện đại, ngang tầm với các cơ quan Hải quan tiên tiến trên thế giới.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MP) |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin và hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy. “Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ, đảm bảo hoạt động hiệu quả ngay từ đầu, không để xảy ra tình trạng gián đoạn công việc hay ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo quá trình sắp xếp tổ chức phải được thực hiện có lộ trình rõ ràng, đảm bảo giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến các đối tượng chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, ngành Hải quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để tham mưu các chính sách phù hợp cho Ban Chỉ đạo.
“Quan điểm của chúng tôi là tinh gọn nhưng hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách vừa duy trì hoạt động thông suốt của bộ máy. Các chính sách hỗ trợ cho những đối tượng bị tác động cũng cần được triển khai đồng bộ và hợp lý,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu ngành Hải quan tập trung xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với mô hình tổ chức mới và yêu cầu quản lý hiện đại. Đồng thời, Hải quan cần chủ động nắm bắt và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật.
Về nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Hải quan được yêu cầu bám sát các giải pháp của Chính phủ và chương trình hành động của Bộ Tài chính, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý thuế, tăng cường rà soát nguồn thu, chống thất thu ngân sách.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ quan Hải quan trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và phòng chống ma túy. “Ngành Hải quan cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong kiểm soát và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, đảm bảo an ninh kinh tế và an toàn xã hội,” Bộ trưởng chỉ đạo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, trong năm 2025, ngành Hải quan sẽ tập trung đánh giá tác động của các thay đổi về pháp luật, nghiệp vụ, tổ chức bộ máy, công nghệ thông tin, chính sách cán bộ và hậu cần tài chính. Trên cơ sở đó, Tổng cục sẽ đưa ra các biện pháp đồng bộ để triển khai bộ máy mới một cách hiệu quả, đúng với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, việc cải cách hành chính, hiện đại hóa quy trình hải quan và đảm bảo công khai, minh bạch sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. “Chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại,” ông nói.
|
Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: MP)
|
Năm 2025, ngành Hải quan cũng sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát rủi ro, kiểm tra sau thông quan, tăng cường công tác thanh tra và hoàn thiện cơ chế phối hợp trong công tác thu ngân sách nhà nước. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh vai trò của Hải quan trong việc tạo thuận lợi thương mại, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia thông qua các hoạt động phòng chống ma túy, gian lận thương mại và buôn lậu.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 14/12/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 745,38 tỷ USD, tăng 15,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 384,4 tỷ USD (tăng 14,46%), còn nhập khẩu đạt 360,98 tỷ USD (tăng 16,32%).
Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì thặng dư 23,42 tỷ USD, dù con số này thấp hơn so với mức thặng dư 25,71 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 782,33 tỷ USD, xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD.
Nhờ sự tăng trưởng tích cực của thương mại, số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan từ ngày 1/1 đến 14/12/2024 đạt 402.680 tỷ đồng, vượt 7,4% so với dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, tổng thu cả năm 2024 sẽ đạt từ 418.000 đến 420.000 tỷ đồng, bằng 111,5% đến 112% dự toán được giao.
Một điểm sáng trong năm 2024 là việc ngành Hải quan tiếp tục triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN. Đến nay, có 250 thủ tục hành chính từ 13 bộ, ngành đã được kết nối với hơn 75.400 doanh nghiệp. Cơ chế này không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu mà còn nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý nhà nước.
Ngành Hải quan cũng duy trì kết nối trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN và đang phối hợp mở rộng với các đối tác thương mại lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, các đề án như mô hình cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn hay mô hình cửa khẩu số cho các cửa khẩu đường bộ đã được triển khai tích cực, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Với những kết quả ấn tượng trong năm 2024 và các kế hoạch cải cách mạnh mẽ, ngành Hải quan bước vào năm 2025 với quyết tâm tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa và đồng hành cùng doanh nghiệp. Mục tiêu không chỉ là hoàn thiện bộ máy tổ chức và cơ chế quản lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.