Tăng trưởng ấn tượng
Sau gần 3 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Quảng Ninh đã có mức tăng trưởng ấn tượng với những con số “thần kỳ” mà trước đó tưởng như rất khó để chạm đến. 10 tháng năm 2022, Quảng Ninh đón 9,7 triệu lượt, gấp 3,55 lần so với cùng kỳ 2021, trong đó khách quốc tế đạt 177.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 20.864 tỷ đồng , gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và vượt mục tiêu 19.000 tỷ đồng đặt ra từ đầu năm.
Để có được kết quả ấn tượng đó, trước thời điểm mở cửa chính thức (15/3/2022), Quảng Ninh đã sẵn sàng các điều kiện và phương án chào đón du khách trở lại. Tỉnh tiếp tục duy trì áp dụng chính sách giảm 50% phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh và Khu di tích Yên Tử đến hết tháng 6/2022; ban hành chương trình kích cầu du lịch với 65 sự kiện văn hóa, thể thao cấp tỉnh và địa phương; chuẩn bị chu đáo cho SEA Games 31, Ngày Quốc tế Yoga và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022... Ngành du lịch luôn sẵn sàng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, xây dựng “vùng xanh du lịch”, thương hiệu điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp với các địa phương trong nước và quốc tế.
|
Trước thời điểm mở cửa chính thức (15/3), Quảng Ninh đã sẵn sàng các điều kiện và phương án chào đón du khách trở lại. (Ảnh: G.H) |
Bên cạnh đó là rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, như chương trình Âm nhạc đường phố do các nghệ sĩ trẻ thể hiện vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, lễ hội âm nhạc điện tử EDM, hay các đại nhạc hội, giải thể thao… thu hút sự tham dự của hàng vạn du khách, khán giả… Cùng với đó, nhiều sản phẩm mới như: Bay trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long từ trên cao; bay thủy phi cơ từ đảo Tuần Châu đi đảo Cô Tô... cũng gia tăng sức hút cho du lịch Quảng Ninh.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thủy, để hoàn thành mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách trong năm 2022, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá điểm đến; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng thị trường, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch mới, đa dạng; nâng chất các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đậm bản sắc dân tộc, kết nối các không gian du lịch, tạo thành trải nghiệm riêng có, phù hợp với thị hiếu của du khách trong nước, quốc tế.
Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã nỗ lực, xây dựng nhiều sản phẩm hấp dẫn, khẳng định thương hiệu Quảng Ninh - Điểm đến 4 mùa. Các khu nghỉ dưỡng như Legacy Yên Tử, khu nghỉ dưỡng suối nóng Yoko Onsen Quang Hanh đều tập trung quảng bá, phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe, khai thác tối đa dịch vụ sẵn có, nâng chất sản phẩm. Các tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long không chỉ phụ thuộc vào khách quốc tế mà còn mở rộng thị trường khách du lịch nội địa, tập trung khu vực phía Nam. Nhiều đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch tích cực liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn thực hiện chương trình phúc lợi đoàn viên, tổ chức các gói du lịch ưu đãi dịp cuối năm, chương trình MICE đoàn lớn…
Kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường quốc tế
Đến thời điểm này, dòng khách quốc tế vẫn chưa quay trở lại đông là do nhiều nguyên nhân khách quan. Trong đó, một số thị trường lớn, truyền thống của du lịch Quảng Ninh vẫn đang áp dụng những hạn chế trong di chuyển, nhập cảnh để phòng, chống dịch. Cụ thể, Trung Quốc - thị trường luôn dẫn đầu về lượng khách đến Quảng Ninh vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế. Hay như Hàn Quốc cũng liên tục thay đổi các chính sách du lịch quốc tế cho người dân trong nước. Bên cạnh đó, tình hình xung đột chính trị ở một số nước gây ảnh hưởng tiêu cực đối với việc ra nước ngoài của khách du lịch châu Âu, cũng như gây khó khăn cho việc di chuyển từ Mỹ và châu Âu tới Việt Nam. Thêm nữa, những lo ngại của du khách về khả năng có thể xuất hiện những vấn đề như nhiễm COVID-19 khi du lịch nước ngoài, điều kiện chữa trị, lưu trú, cách ly, phát sinh chi phí... cũng dẫn đến những e dè khi quyết định đi du lịch quốc tế của du khách.
|
Quảng Ninh đón chuyến tàu biển du lịch đầu tiên sau dịch COVID-19 được khống chế. (Ảnh: TTXVN) |
Tuy nhiên, xác định không bỏ lỡ cơ hội mở rộng và phát triển thị trường khách quốc tế, ngành du lịch đã chủ động xúc tiến du lịch trực tuyến và trực tiếp ngay cả trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19. Quảng Ninh đã tham mưu văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đón khách du lịch quốc tế; triển khai đón khách du lịch quốc tế giai đoạn I, II; thẩm định hồ sơ đăng ký tham gia phục vụ khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh; thông báo danh sách doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tham gia đón khách du lịch quốc tế; chủ trì hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh cũng tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, đón các đoàn famtour, famtrip quốc tế đến khảo sát và tìm hiểu các điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Đặc biệt, ngay khi các nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Quảng Ninh đã trực tiếp tổ chức các đoàn xúc tiến tại Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Qua đó, không chỉ giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách mà còn ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác tổ chức chương trình lễ hội đa quốc gia, kết nối đường bay, khai thác tối đa hiệu quả của sân bay Vân Đồn.
Cùng với đó, đầu tháng 8/2022, du lịch Quảng Ninh đã đón đoàn Ấn Độ gồm các hãng lữ hành, hàng không và truyền thông hàng đầu Ấn Độ đến trải nghiệm và khảo sát thực tế sản phẩm nghỉ dưỡng trên Vịnh Hạ Long. Đây là đoàn khảo sát đầu tiên của phía Ấn Độ tìm hiểu các điểm đến, dịch vụ du lịch tại Quảng Ninh kể từ sau dịch bệnh, cũng là kết quả của những nỗ lực quan tâm xúc tiến từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và ngành du lịch Quảng Ninh thời gian qua. Trải nghiệm từ chuyến đi là cơ sở để các doanh nghiệp du lịch Ấn Độ định hướng thị trường, xây dựng các sản phẩm đưa khách đến Quảng Ninh, Việt Nam.
Gần đây nhất, ngày 12/10, tàu Le Lapérouse (quốc tịch Pháp) đã đưa hơn 100 du khách quốc tế, chủ yếu từ thị trường Âu - Mỹ cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (TP Hạ Long) để tham quan Hạ Long - Quảng Ninh. Việc tàu Le Lapérouse đưa khách cập cảng Quảng Ninh sau gần ba năm gián do đại dịch COVID-19 có dấu ấn vô cùng quan trọng với ngành du lịch Quảng Ninh - tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch tàu biển. Đặc biệt, vịnh Hạ Long nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới, nhất là lại gần với Trung Quốc, nơi có cảng biển trung chuyển của nhiều hãng tàu quốc tế.
Bên cạnh đó, Hạ Long cũng là điểm gần nhất đến những thị trường Bắc Á khác như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... nên càng có điều kiện để thu hút du khách.
Từ nay đến cuối năm, Quảng Ninh dự kiến có nhiều hoạt động kinh tế, xã hội có quy mô quốc tế và quốc gia. Đây sẽ là cơ hội để Quảng Ninh tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố của cả nước và quốc tế, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông về du lịch, đạt số khách đã điều chỉnh và cùng phục hồi trong thời kỳ mới.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế, ngành du lịch Quảng Ninh đang tập trung mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn khách. Đồng thời tận dụng triệt để tiềm năng du lịch 4 mùa, phát triển các loại hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, đón đầu mùa cao điểm khách quốc tế từ quý IV. Sở Du lịch khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng, làm mới và phát triển mới các sản phẩm du lịch tạo sức hấp dẫn, mới lạ của các điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ; nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch ở một số thị trường ngoài nước có nhiều tiềm năng, triển vọng... Đặc biệt, đơn vị sẽ làm việc với các hãng hàng không và lữ hành để mở đường bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo hình thức chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến), tổ chức chương trình khảo sát tại Quảng Ninh cho hãng lữ hành, báo chí quốc tế; đẩy mạnh hoạt động e-marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường./.