Bài 3: Thúc đẩy việc làm thời COVID-19

Thứ hai, 22/06/2020 12:15
(ĐCSVN) - Thực tế cho thấy, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với thị trường lao động đã khiến nhiều gia đình mất thu nhập và thậm chí mất cả nguồn sinh kế. Điều này không những dẫn đến những biến động trên thị trường lao động, mà tác động của nó còn mang tính xã hội.

Bài 1: Giải pháp nào phục hồi nền kinh tế sau COVID-19

Bài 2: Phục hồi ngành du lịch thời COVID-19

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Tác động của COVID-19 đến việc làm

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch COVID-19 có thể khiến 1,5-2 triệu người lao động bị nghỉ việc tạm thời và 250.000 người thất nghiệp. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong quý I/2020, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019. Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, logistics và các ngành định hướng xuất khẩu. Theo đó, khoảng 70-80% doanh nghiệp đã phải giảm phạm vi hoạt động kinh doanh. Chỉ riêng những lĩnh vực này đã chiếm khoảng 15% tổng lao động tại Việt Nam.

Những biến động trên thị trường lao động thường dẫn đến việc sa thải nhân viên, thay vì tuyển dụng mới, do đó tình hình việc làm có xu hướng phục hồi chậm sau những cú sốc kinh tế. Những biến động này thường dẫn đến hệ quả lớn hơn khi lao động di cư từ nông thôn và thành thị trở về nhà sau khi mất việc làm; và sau đó không còn muốn tiếp tục với công việc cũ hoặc những công việc này cũng đã không thể tồn tại do doanh nghiệp bị phá sản do ảnh hưởng của đại dịch. Do tính kết nối với nền kinh tế toàn cầu thông qua các quan hệ thương mại và chuỗi giá trị, các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 từ bên ngoài lãnh thổ vào nước ta, có thể làm chậm tốc độ phục hồi việc làm trong nước.

Ngoài việc dịch COVID-19 đã tác động tức thời đến thu nhập trước mắt, thì tình trạng thất nghiệp có thể để lại những hậu quả tiêu cực trong dài hạn. Thất nghiệp không những làm giảm thu nhập, mà có thể làm cho người lao động mất đi kỹ năng nếu không được làm việc. Những ảnh hưởng này đặc biệt nghiêm trọng đối với người lao động không được tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội, khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn khi họ mất đi nguồn thu nhập. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, phụ nữ là đối tượng đặc biệt chịu nhiều rủi ro do họ hầu như đảm nhận những công việc có mức lương thấp, không yêu cầu tay nghề cao, mà đây là nhóm công việc dễ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Tình trạng mất việc làm của nam giới cũng có thể liên quan đến tình trạng gia tăng bạo lực đối với gia đình do phải hạn chế đi lại để phòng chống dịch.

Mất thu nhập cũng ảnh hưởng nhiều đến các hộ gia đình phải thực hiện giãn cách xã hội, dù các biện pháp giãn cách xã hội nhằm giúp kiểm soát dịch bệnh. Nhiều người cho rằng, các chỉ số sức khoẻ nói chung sẽ giảm xuống khi người dân giảm những hoạt động có lợi cho sức khoẻ như tập thể dục, thể thao cũng như việc tiếp cận với nguồn cung thực phẩm có phần nào khó khăn. Nước ta cũng ghi nhận thời gian tạm đóng cửa trường học dài nhất từ trước đến nay, điều này dẫn đến học sinh dễ mất đi kiến thức, kỹ năng, nhất là ở các vùng, khu vực khó tiếp cận với công nghệ thông tin, làm ảnh hưởng đến khả năng học tập tại nhà. Điều này cũng có thể dẫn tới có thể có một số học sinh không trở lại trường học tập sau khi các trường hoạt động trở lại, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; và như vậy, có thể xảy ra nguy cơ làm mất nguồn vốn nhân lực trong tương lai do COVID-19.

Thúc đẩy việc làm và tăng cường vốn nhân lực

Để bảo vệ và tạo việc làm, cần có những chính sách hiệu quả để thúc đẩy việc làm và tăng cường vốn nhân lực.

Thứ nhất, trong ngắn hạn, các cơ quan hữu quan cần tập trung các biện pháp đảm bảo thu nhập cho người lao động và hộ gia đình cũng như hạn chế tình trạng mất việc làm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Có chính sách hỗ trợ tiền lương để khuyến khích doanh nghiệp duy trì và tuyển dụng lao động thuộc các nhóm dễ bị tổn thương như lao động nghèo, tay nghề thấp hoặc lao động phi chính thức, lao động di cư, phụ nữ, người khuyết tật,… Hỗ trợ này cần được thực hiện phù hợp với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó khuyến khích ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, người khuyết tật; đồng thời tổ chức các lớp đào tạo miễn phí về khởi nghiệp cũng như kỹ năng lao động.

Thứ hai, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, dù vẫn cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ thu nhập, thì cần tập trung kết nối việc làm và thúc đẩy tạo việc làm trong các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi việc làm nhanh hơn bằng cách cải thiện các luồng thông tin và cơ chế việc làm linh hoạt. Đặc biệt, các dịch vụ việc làm cần được triển khai để kết nối người lao động thuộc các nhóm dễ bị tổn thương và mất việc làm với công việc, như hỗ trợ tìm việc làm, cung cấp thông tin về thị trường lao động và trợ cấp tìm kiếm việc làm.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ việc làm, tập trung vào người lao động di cư bởi họ cần kết nối với người sử dụng lao động ở các đô thị. Tăng cường tạo sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các nhà cung cấp dịch vụ việc làm tư nhân, cũng như bảo đảm sự linh hoạt trong khung pháp lý, như trong thời gian nghỉ việc tạm thời và chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, người lao động có thể làm việc cho một đơn vị sử dụng lao động thứ hai.

Thứ ba, tổ chức đào tạo, phát triển các kỹ năng theo yêu cầu của lao động bị thất nghiệp thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, như điều chỉnh hoạt động đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động cho các ngành có tiềm năng tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi hoặc tập trung vào các kỹ năng số, kỹ thuật tiên tiến và khởi nghiệp kinh doanh. Cung cấp trợ cấp dưới hình thức phiếu thanh toán để sử dụng cho các khoá đào tạo và coi đó như là một khoản phụ cấp ngoài lương để thúc đẩy cơ hội việc làm của từng nhóm lao động cụ thể.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu việc làm trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều do COVID-19, như du lịch, thương mại, giao thông vận tải,… Hỗ trợ tính thanh khoản cho các doanh nghiệp, đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội duy trì hoạt động. Biện pháp này cũng có thể bao gồm hỗ trợ xây dựng các nền tảng và hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Nghiên cứu phương thức sử dụng các tổ chức tín dụng vi mô, trong đó kết hợp tín dụng với đào tạo khởi nghiệp kinh doanh để phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp quy mô hộ gia đình.

Thứ năm, tiếp tục cung cấp các dịch vụ y tế ưu tiên, nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là trong cộng đồng đồng bào thiểu số để người lao động có đủ sức khoẻ để làm việc cũng như nâng cao khả năng đề kháng dịch bệnh. Trong giai đoạn hậu khủng hoảng, cần tiếp tục kiểm soát các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người, nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro thiên tai và điều chỉnh quy hoạch đô thị để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh với các tình huống dịch bệnh có thể bùng phát trong tương lai.

Thứ sáu, có biện pháp hỗ trợ học tập phù hợp để hạn chế tình trạng học sinh mất kiến thức, kỹ năng, đồng thời xây dựng hệ thống học tập từ xa hiệu quả hơn ở tất cả các cấp học trong dài hạn. Các cơ quan hữu quan cần tăng cường thu thập dữ liệu đánh giá tình trạng học sinh mất kiến thức, kỹ năng do thời gian đóng cửa trường học kéo dài, đặc biệt là với nhóm học sinh dễ bị tổn thương bằng cách sử dụng các đánh giá nhanh, phạm vi nhỏ. Tăng cường huy động sự tham gia của các doanh nghiệp để xây dựng danh mục các doanh nghiệp về công nghệ giáo dục có khả năng thực hiện giảng dạy từ xa; xây dựng nền tảng để hỗ trợ hệ thống giáo dục hiệu quả hơn, như tăng cường đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo, giáo viên và phát triển hạ tầng kỹ thuật số với từng trường và học sinh…

(còn nữa…)

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực