Triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện A Lưới và thị xã Hương Thủy đã có những cách làm sáng tạo, hấp dẫn để phát triển du lịch cộng đồng.
Độc đáo miền núi A Lưới
A Lưới là căn cứ địa cách mạng, nhiều di tích lịch sử, địa danh nổi tiếng. Thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, địa hình nhiều suối thác, khung cảnh tuyệt đẹp, phù hợp phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá; Nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, giàu truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa truyền thống, phù hợp phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng…
|
Khách du lịch rất thích học gói món ăn đặc sản A Quát của đồng bào miền núi A Lưới. |
Du khách Bùi Văn Thị (46 tuổi) chia sẻ, những năm gần đây A Lưới phát triển nhiều điểm điểm du lịch sinh thái cộng đồng thú vị như: Thác A Nôr, các điểm du lịch cộng đồng Hồng Hạ, các homestay... Mỗi lần lên vùng cao A Lưới đều cảm thấy vô cùng thú vị khi được các nghệ nhân giới thiệu quy trình dệt Dèng truyền thống tại Làng văn hóa Paris - Kavin, xã Lâm Đớt… Có các điểm bán hàng nông sản, đặc sản, các quầy bán hàng lưu niệm tại các chợ và các điểm du lịch trên địa bàn. Ngoài ra gia đình còn được ngắm các vườn hoa, vườn nông sản và vườn trồng thảo dược truyền thống…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện A lưới cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện đã xác định việc phát triển du lịch A Lưới trở thành ngành kinh tế quan trọng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở. Phát triển du lịch gắn với giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự chỉ đạo quản lý thống nhất từ huyện đến xã, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch. Để du lịch phát triển phải mang tính bền vững phải đi kèm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương với bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, phát triển du lịch lấy văn hóa, con người làm nền tảng, phát huy bản sắc riêng, độc đáo khác biệt trong phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch. Ngoài ra, còn kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, điều kiện khí hậu để phát triển du lịch A Lưới.
Việc tăng cường liên kết du lịch với các địa phương lân cận, các huyện giáp ranh thuộc các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam… đặc biệt được chú trọng. Đồng chí Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện A Lưới cho biết, huyện đã liên kết được trên 15 công ty lữ hành thường xuyên đưa khách đến A Lưới. Thiết lập được các tour du lịch ngoại tỉnh với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam và thành phố Huế. Bên cạnh đó, đặt du lịch A Lưới trong điều kiện mở, nằm trong mối liên kết với du lịch trong khu vực Quảng Trị, Quảng Nam và Huế. Kết nối tuyến du lịch của 4 huyện miền núi: A Lưới, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam; mở rộng phạm vi kết nối trên tuyến du lịch thuộc huyện Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị) và tuyến biên giới thuộc các vùng bản Ka Lô, huyện Ka Lưm và bản Cô Tai, huyện Sa Muội, và một số vùng có tiềm năng thuộc các huyện của tỉnh Salavan và tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào.
|
Anh Viên Đăng Phú, một trong những người làm kinh tế giỏi tại huyện A Lưới đang giới thiệu cho du khách các món ăn ẩm thực của người đồng bào. |
Thời gian vừa qua, huyện đã cụ thể hóa thế mạnh về du lịch của du lịch A Lưới trong mối tương quan với du lịch miền Trung - Tây Nguyên để định vị sản phẩm du lịch chủ đạo cho từng khu điểm du lịch trọng yếu của huyện, tạo nên một bức tranh Du lịch A Lưới hoàn thiện với những nét riêng, không trùng lặp với các địa phương khác trong vùng. Xây dựng phong phú các sản phẩm du lịch; tour, tuyến du lịch kết nối tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng nhằm thu hút du khách đến với A Lưới ngày càng nhiều hơn, lưu lại lâu hơn, sớm đưa du lịch A Lưới trở thành ngành kinh tế quan trọng. Thông qua các dịp lễ hội, liên hoan ẩm thực cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch tại các làng du lịch cộng đồng ở A Hươr - Pa E (xã Quảng Nhâm), A Ka1 (xã A Roàng), A Nôr (xã Hồng Kim), các nhà hàng và tại một số điểm du lịch sinh thái như: Suối A Lin, Thác A Nôr, suối Pâr le... huyện A Lưới đang xây dựng chương trình du lịch theo chu kỳ của 4 mùa trong năm phù hợp với điều kiện khí hậu, văn hóa truyền thống của các dân tộc và điều kiện cơ sở vật chất tạo giá trị tiện ích cho du khách.
Anh Viên Đăng Phú (người Tà Ôi, 34 tuổi), một trong những người làm kinh tế giỏi tại huyện A Lưới chia sẻ, sau khi tốt nghiệp đại học, vì tâm huyết với quê hương, anh đã từ bỏ sự nghiệp ở thành phố để về vùng cao A Lưới thực hiện ước mơ của mình. Lúc đầu khởi nghiệp làm du lịch của anh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng.
“Chính quyền đã thường xuyên tuyên truyền, chuyển biến nhận thức về vai trò của du lịch, “phát triển du lịch không chỉ là kinh tế mà còn là niềm tự hào, sự phát huy tiềm năng” tạo sự đồng thuận; có cơ chế, chính sách để phát huy nội lực, khai thác ngoại lực, vận động Nhân dân và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng làm du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch di tích lịch sử, du lịch văn hóa cộng đồng, cảnh quan nguyên sơ, làng nghề thủ công truyền thống…Nhờ thế tôi cùng gia đình đã triển khai rất tốt mô hình của mình đến khách du lịch gần xa”- Anh Viên Đăng Phú cho biết thêm.
Gắn kết các giá trị văn hóa địa phương với sự tham gia tích cực của cộng đồng…
Cũng phát triển du lịch cộng đồng, thị xã Hương Thủy có nhiều đổi mới trong việc phát triển du lịch. Đồng chí Nguyễn Thanh Minh, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy khẳng định, du lịch xanh một loại hình du lịch tất yếu dựa vào tự nhiên, văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp nỗ lực cho việc bảo tồn, phát triển bền vững và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững, phù hợp với tình hình mới. Những năm gần đây, địa phương đã và đang được quan tâm đầu tư, phát triển, cùng sự tham gia hỗ trợ tích cực từ chính quyền và cộng đồng dân cư, du lịch tiếp tục phát triển và mở rộng nhiều điểm, không những gắn với các giá trị văn hóa mà còn khai thác du lịch cộng đồng với các tài nguyên thiên nhiên, sinh thái... Điều này tạo ra hiệu ứng mới, đầy triển vọng cho du lịch Hương Thủy về khai thác thêm các sản phẩm bổ trợ, kết nối các điểm du lịch hấp dẫn, trải nghiệm mới đáp ứng nhu cầu phát triển. Qua đó, thị xã Hương Thủy đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó chú trọng phát triển Du lịch Xanh và Nghị quyết số 54-TQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Bà Nguyễn Thị Nữa - người làm du lịch tại xã Thủy Thanh đang hướng dẫn du khách nước ngoài làm món bánh xèo nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế. |
Đồng chí Nguyễn Thanh Minh cho biết, Hương Thủy là địa phương có 15 di tích và hơn 130 hệ thống công trình, địa điểm và danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ như nhà rường, Thác Chín Chàng, Hồ Ba Cửa, Hồ Châu Sơn, Độn Sầm... Ngoài ra, Hương Thủy có truyền thống cách mạng kiên cường, có nền văn hóa đậm nét Huế và mang bản sắc văn hóa vùng miền riêng biệt như các nghi thức cúng tế ở Thủy Phù, các hội làng, lễ tế làng xã.... Đặc biệt, Cầu ngói Thanh Toàn - Một trong 4 cây cầu nổi tiếng của Việt Nam - là địa điểm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan qua các kỳ Festival - Lễ hội Chợ quê ngày hội. Bài chòi Hương Thủy là một phần của Bài chòi Thừa Thiên Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2018. Chiến khu Dương Hòa được công nhận là Xã An toàn khu... 10 năm sau khi Hương Thủy công bố lên thị xã, Hương Thủy là đơn vị đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Nữa (60 tuổi), người làm du lịch tại xã Thủy Thanh, thị Xã Hương Thủy vui vẻ kể những câu chuyện thú vị khi làm du lịch cộng đồng với phóng viên. Bà được chính quyền xã cho đi tham dự các lớp tập huấn thuyết trình, thuyết minh và học các món ăn ẩm thực do các tập đoàn du lịch tài trợ. Từ đó gia đình người phụ nữ vui vẻ và cởi mở này đã khơi nguồn ý tưởng kinh doanh du lịch. Tận dụng lợi thế nhà vườn, bà đã từng bước hoàn thiện và làm thành công dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp, ẩm thực, dạy nấu ăn cho rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Có nhiều du khách nước ngoài đã đưa gia đình quay trở lại trải nghiệm trong kỳ nghỉ tiếp theo của họ.
Một du khách nước ngoài chia sẻ: “Gia đình chúng tôi đã có những trải nghiệm rất tuyệt vời tại nhà bà Nữa, chúng tôi được đi bắt cá, trồng rau. Lần đầu tiên, con chúng tôi được dạy cách làm các món bánh đặc sản Huế và các con chúng tôi được tự vào bếp để nấu các món ăn truyền thống của người Huế. Chúng tôi mong muốn sẽ trở lại đây vào ngày gần nhất.”
|
Cầu ngói Thanh Toàn - Một trong 4 cây cầu nổi tiếng của Việt Nam - là địa điểm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan qua các kỳ Festival |
Cần thêm trợ lực thúc đẩy phát triển du lịch xanh
Ông Phan Mạnh Linh (35 tuổi) Giám đốc HTX Nông nghiệp Vân Thê (xã Thủy Thanh, Thị xã Hương Thủy) là một trong những cá nhân rất nỗ lực trong việc triển khai theo mô hình du lịch xanh. Ông Linh cho biết, vừa qua, thị xã Hương Thủy đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó chú trọng phát triển du lịch xanh và Nghị quyết số 54-TQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như một động lực để ông cùng gia đình tiếp tục làm kinh doanh du lịch. Vị giám đốc mong muốn, ngoài các diễn đàn xúc tiến về du lịch, chính quyền các cấp hãy cùng người dân để hoàn chỉnh các mô hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cần đồng hành cùng người dân để kết nối các doanh nghiệp, các công ty du lịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trên thực tế, tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng ở các địa phương nói trên đã được khẳng định nhiều năm qua và góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đặc sắc mang thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế nói chung và các địa phương nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển du lịch của các địa phương theo hướng du lịch xanh chứng minh rằng nhiều sản phẩm được đầu tư, kỳ vọng rất lớn nhưng sau thời gian thì không đạt hiệu quả như mong muốn. Hạn chế chung của các địa phương là mô hình du lịch xanh còn hạn chế, chưa xây dựng các tour tuyến phù hợp với nhu cầu, quỹ thời gian của khách, sự kết nối với doanh nghiệp lữ hành chưa tốt, khách đến chủ yếu là khách lẻ, hoặc khách đoàn có đến tham quan rồi đi, chứ chưa dừng lại lâu để tăng nguồn thu cho người dân. Các mô hình du lịch tham quan làng nghề, cộng đồng, sinh thái cũng rơi vào tình thế tương tự, sự kết nối chưa tốt giữa “ba bên”, nên các tour dù trước đó có kế hoạch triển khai cũng khó thu hút được khách.
“Du lịch cộng đồng, một hình thức của du lịch xanh, không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch, giúp cho du khách có thêm trải nghiệm mà đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng địa phương, bảo tồn nét văn hóa bản địa. Sở Du lịch tỉnh đang hướng đến định hướng chung để giúp cho các địa phương phát triển du lịch cộng đồng một cách hài hòa, đồng thời hỗ trợ, kết nối giữa các địa phương để cùng phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng của mình”- Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ.
|
Du lịch xanh, du lịch cộng đồng ở huyện A Lưới và thị xã Hương Thủy đã khẳng định được thương hiệu nhiều năm qua và góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đặc sắc của Thừa Thiên Huế. |
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, theo định hướng đến năm 2025, ngành du lịch sẽ bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế, du lịch cũng được định hướng là ngành kinh tế chủ lực của các địa phương nói trên. Vì vậy, trong thời gian tới, để du lịch xanh trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo và mang ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển bền vững của du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và các địa phương như A Lưới, Hương Thủy nói riêng cần tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch qua các kênh thông tin đại chúng; mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.
“Cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng từ các cấp, các ngành, sự sáng tạo của địa phương, sự gắn kết chặt chẽ của doanh nghiệp, đặc biệt là nhận thức và hành động của cộng đồng - những yếu tố quyết định đến sự thành công trong phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và các địa phương trên địa bàn tỉnh nói riêng. Có như thế, chúng ta mới triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”- Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế trăn trở. /.