Bến Tre: Khắc phục hạn, mặn, tiếp tục xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 05/06/2020 21:54
(ĐCSVN) - Tình hình hạn, mặn trong mùa khô 2019-2020 đã có những tác động không nhỏ tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh Bến Tre, đòi hỏi địa phương cần tìm các giải pháp khắc phục để tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

 Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn, mặn tại Bến Tre (Ảnh: TTXVN)

Bến Tre là tỉnh còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt 15-18 tiêu chí, 56 xã đạt 10-14 tiêu chí, 17 xã đạt 5-9 tiêu chí và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Chợ Lách đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

 “Ngày Chủ Nhật Nông thôn mới” là một hoạt động mang tính chất riêng biệt, đột phá của tỉnh. Theo hướng dẫn của tỉnh, các xã tổ chức đồng đều vào ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng, các chủ đề được các xã lựa chọn xoay quanh 19 tiêu chí xã nông thôn mới, mục tiêu chính của hoạt động nhằm khơi dậy phong trào trong dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. “Ngày Chủ Nhật Nông thôn mới” đã được thực hiện hơn 1 năm, mang lại hiệu ứng tích cực trong cộng đồng dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã.

Bên cạnh đó, với việc Bến Tre được chọn là một trong 12 tỉnh chỉ đạo điểm triển khai thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những tháng đầu năm 2020, tỉnh đã tổ chức Hội nghị trao Giấy công nhận sản phẩm OCOP đối với các chủ thể sản xuất gồm có 37 sản phẩm (25 sản phẩm đạt 4 sao và 12 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm đạt OCOP đã được gắn kết tiêu thụ với đơn vị phân phối bán lẻ như: Trung tâm thương mại Big C, VNPost,….

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bến Tre vẫn còn không ít khó khăn cần tập trung tháo gỡ. Hiện tỉnh vẫn còn 18 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Tác động của dịch bệnh COVID– 19, dịch bệnh trên vật nuôi và giá cả nông sản xuống thấp đã tác động lớn đến sản xuất, thu nhập và sức đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, mùa khô 2019-2020, mặn xâm nhập sớm, diễn biến phức tạp, gay gắt, khốc liệt hơn năm 2016. Ngay từ giữa tháng 11/2019 mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính. Đến đầu tháng 12/2019, mặn xâm nhập nhanh, rất sâu vào trong các sông chính, độ mặn 1‰ bao phủ toàn tỉnh Bến Tre. So với trung bình nhiều năm, mặn xâm nhập sớm hơn từ 2-3 tháng.

Tình hình xâm nhập mặn cao, chưa từng xảy ra trong lịch sử đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Hầu hết diện tích các loại cây trồng đều bị ảnh hưởng đến sinh trưởng, ước giá trị thiệt hại trên lĩnh vực trồng trọt đến nay hơn 1.223,45 tỷ đồng. Tương tự, tất cả diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn đều bị ảnh hưởng. Ước giá trị thiệt hại trên lĩnh vực thủy sản đến nay hơn 2.588,8 tỷ đồng.

Gắn với chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tiêu chí Tổ chức sản xuất (do hạn, mặn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi), từ đó lợi nhuận mang lại không cao, ảnh hưởng đến tiêu chí Thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc thiếu nước sạch, nước ngọt sử dụng ảnh hưởng đến tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm,… Riêng các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, tiến độ bị chậm lại do thiếu nước ngọt phục vụ cho công tác thi công.

Trong giai đoạn tới, để thực hiện xây dựng nông thôn mới bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn và hạn hán, tỉnh Bến Tre xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân về các chủ trương chính sách xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn sau năm 2020.

Triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách mới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, ấp nông thôn mới kiểu mẫu, mô hình sản xuất kiểu mẫu. Đối với Chương trình OCOP, các sản phẩm 4 sao tập trung phát triển và hoàn thiện thành sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao thông qua hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất. Đồng thời, địa phương sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu, xuất khẩu tại chỗ. Tổ chức Hội chợ OCOP tỉnh Bến Tre năm 2020, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội,…

Đặc biệt, nhằm phục vụ cho xây dựng nông thôn mới, công tác phòng, chống hạn mặn trong thời gian tới cần được quan tâm hàng đầu. Trong đó, cần huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện đến xã và người dân, thực hiện đồng bộ cả 2 giải pháp công trình và phi công trình. Nhất là vai trò tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp phòng chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn là hết sức cần thiết.

Công tác cảnh báo, dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn sớm, dài hạn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần được thực hiện kịp thời. Đồng thời, bố trí lịch thời vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong điều kiện hạn mặn./.

Phương Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực