Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Thứ hai, 28/09/2020 20:16
(ĐCSVN) - Ủy ban châu Âu (EC) đã từng nêu ý kiến: Tàu cá Việt Nam tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, phía EC tiếp tục khẳng định không gỡ “thẻ vàng” nếu tình trạng này không chấm dứt.

Vì vậy, việc ngăn chặn và tiến tới giải quyết triệt để được vấn đề tàu cá khai thác ở vùng biển ở nước ngoài đang là bài toán đặt ra cho ngành thủy sản Việt Nam.

 Xây dựng nghề cá có trách nhiệm, hội nhập quốc tế là hướng đi của ngành thủy sản Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: ĐT)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến từng nhấn mạnh, “đã hết thời kỳ nghề cá nhân dân, giờ đã chuyển sang nghề cá có trách nhiệm và hội nhập quốc tế”. Việc triển khai các giải pháp để chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định không chỉ đơn thuần để nhằm tháo gỡ được thẻ vàng cho ngành thủy sản từ phía EC mà quan trọng là xây dựng cho bản thân nghề cá của Việt Nam ngày càng vững chắc và đáp ứng được các yêu cầu của quốc tế. Đó cũng là điều kiện quan trọng để nâng cao giá trị và uy tín cho nghề cá của nước nhà.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 31/8/2020, Việt Nam ghi nhận đã xảy ra 57 vụ/92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 53 vụ/89 tàu. Trong đó, các vụ việc được xác định do vi phạm: 34 vụ/54 tàu; bị bắt giữ tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử và chưa rõ tọa độ bắt giữ: 23 vụ/38 tàu. Địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định,…

Nhìn chung, tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tính đến hiện nay có giảm so với cùng kỳ nhưng chưa vững chắc. Các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, đặc biệt là Kiên Giang, các vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý chưa giảm.

Theo EC, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn phức tạp, trong đó có tình trạng tàu cá sử dụng biển số giả hoặc không có số đăng ký, không treo cờ bị nước ngoài bắt giữ, xử lý nhưng thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu là người Việt Nam. Phía EC đề nghị kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến đi khai thác thủy sản trên biển đảm bảo đúng quy định và xử lý nghiêm nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Bên cạnh đó, phía EC tiếp tục đề nghị cần có quy định xử phạt ngay đối với tàu cá vượt ra khỏi ranh giới vùng biển Việt Nam mà không cần chứng minh hành vi khai thác IUU.

Về vấn đề này, theo bà Phan Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản), phía Tổng cục Thủy sản đã nghiên cứu văn bản tham mưu cho các địa phương theo hướng với vùng biển Việt Nam có phân giới rõ ràng, dĩ nhiên các địa phương cần phải quyết liệt xử phạt khi có tàu cá vi phạm. Đối với những vùng biển còn chồng lấn, các địa phương sẽ lập toàn bộ danh sách những tàu bị nước ngoài hoặc bị các lực lượng chức năng của Việt Nam thông báo. Đây sẽ là căn cứ để Việt Nam làm việc với Ủy ban châu Âu về nội dung này. Bởi phía EC đã đồng ý chấp nhận với đề xuất của Việt Nam với những tàu cá được xác định có vi phạm nhưng ở vùng biển có chồng lấn thì tạm thời Việt Nam lập một danh sách tàu cá để theo dõi mà chưa cần tiến hành xử phạt ngay đối với những tàu này.

Theo đại diện của Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản), trong thời điểm hiện nay, rất cần các đơn vị liên quan cùng phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền để các tàu cá không vi phạm vùng biển nước ngoài. Các địa phương đã tuyên truyền rất nhiều, tuy nhiên, hình thức tuyên truyền hiện nay vẫn còn chưa phù hợp.

Về vấn đề tháo gỡ thẻ vàng của EC, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, với những tỉnh nào còn chậm, cần gọi điện trực tiếp ngay cho các tỉnh. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đặc biệt, về vấn đề xử lý vi phạm, đề nghị tham mưu cho các tỉnh xử đều như nhau.

“Bây giờ nơi xử thấp, nơi xử cao cùng một hành vi vi phạm thành ra sẽ không ổn. Đồng thời, cần hướng dẫn cho các đơn vị chuyên môn, thậm chí có những buổi tập huấn thật kỹ để tổ chức thống nhất đối với 28 tỉnh, thành phố” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Bên cạnh đó, quản lý đội tàu, cần có danh mục của những tàu có nguy cơ cao vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Mặt khác, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng về vấn đề tàu cá vi phạm.

“Chốt cuối cùng là phải gỡ được thẻ vàng, phải triển khai khẩn trương. Không chỉ là gỡ thẻ vàng, đây còn là nghề cá của nước mình, mình lo để xuất khẩu thu ngoại tệ. Cần thông tin tuyên truyền những địa phương nào làm tốt để nêu gương, để các tỉnh chưa làm được nhìn vào đấy để noi theo” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Bộ NN&PTNT cho biết thêm, để tiếp tục giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương tập trung triển khai các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, trong đó chú trọng việc siết chặt công tác quản lý, phòng ngừa sớm, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Về phía Bộ NN&PTNT, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Các Bộ, Ban, Ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố ven biển căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU, đảm bảo người dân cập nhật, tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về chống khai thác để nắm rõ và tuân thủ thực hiện theo quy định./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực