Chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3,15%

Thứ năm, 29/12/2022 11:45
(ĐCSVN) - Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2021

Sáng 29/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và 2022.

Báo cáo tại cuộc họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, thông thường, mặt bằng giá giai đoạn gần Tết sẽ tăng cao hơn. Ở thời điểm cận Tết như tháng này, việc chỉ số giá tiêu dùng giảm một mặt cho thấy có những nhân tố quan trọng tác động đến lạm phát, nhưng cũng cho thấy hoạt động mua sắm để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán của người dân vẫn chưa sôi động. "Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước", đại diện Tổng cục Thống kê lý giải.

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 (Ảnh: HNV) 

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết, tác động đến việc CPI tháng 12 giảm nhẹ so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước và 9 nhóm hàng tăng giá.

CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, chịu sự tác động của nhiều nguyên nhân kiềm chế giá cũng như làm tăng giá.

Về nguyên nhân tăng CPI, trong năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 đợt, trong đó giá xăng A95 giảm 2.590 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.030 đồng/lít. So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%, làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong năm 2022, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 7 đợt, bình quân năm 2022 gas tăng 11,49% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết làm cho giá gạo năm 2022 tăng 1,22% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2022 tăng 1,62% so với năm 2021, làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá thịt bò tăng 0,8%; giá thịt gà tăng 4,29%.

Giá nhà ở và vật liệu xây dựng năm 2022 tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục năm 2022 tăng 1,44% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023.

Do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về nguyên nhân làm giảm CPI, trong năm 2022, giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước, làm CPI chung giảm 0,36 điểm phần trăm do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước, làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm, giá giảm chủ yếu trong các tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,37% so với năm 2021 do giá điện thoại di động giảm.

Liên quan đến một yếu tố cầu tiêu dùng tác động đến CPI, cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Oanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.

Ở phía cung, do kinh tế nước ta năm 2022 phục hồi nhanh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cùng với tác động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đã đẩy giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý IV và năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Về lạm phát cơ bản, lạm phát cơ bản tháng 12/2022 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 4,99% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,55%). Nguyên nhân được cho là chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 12 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

 Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Nhận định xu hướng giá cả năm tới, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá cho rằng áp lực lạm phát còn rất lớn. Nguyên nhân là do diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ucraina vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.

"Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023", Vụ trưởng Nguyễn Thu Oanh khuyến nghị./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực