Đắk Lắk hướng đến phát triển cà phê đặc sản

Thứ tư, 13/03/2019 09:53
(ĐCSVN) – Ở Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 đang diễn ra từ ngày 9 - 16/3 tại TP.Buôn Ma Thuột, cụm từ “Cà phê đặc sản” liên tục được nhắc đến. Bởi đây là một sản phẩm mới từ cây cà phê của vùng đất bazan này, đồng thời loại sản phẩm này với giá trị của nó đang mở ra hướng đi mới cho ngành cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Tái hiện cảnh săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Đắk Lắk nỗ lực cải thiện môi trường thu hút đầu tư

Trên 70 nghìn tỷ đồng cam kết đầu tư vào Đắk Lắk

Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7- năm 2019

44 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột- Những chặng đường lịch sử

Một trong những hoạt động góp phần quảng bá cà phê Buôn Ma Thuột
lần này là Hội thi Nhà nông đua tài năm 2019

Để quảng bá cho thương hiệu cây cà phê địa phương, đặc biệt là thương hiệu cà phê đặc sản Đắk Lắk, trong khuôn các hoạt động tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7- năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan việc đến trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ cà phê nói chung và cà phê đặc sản nói riêng.

Trao đổi tại Hội thảo cà phê đặc sản do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào chiều ngày 10/3, nhiều đại biểu đã chia sẻ, đây là lần đầu cà phê đặc sản được nhắc đến tại một kỳ lễ hội, và cũng là sản phẩm mới xuất hiện trong 2 mùa cà phê gần đây, song cà phê đặc sản đang được ví như làn sóng cà phê thứ 3 và trở thành sân chơi dành cho những người đam mê cà phê trên cả nước. Không đơn thuần là tạo nên sự độc đáo từ khâu rang xay hay pha chế, sự khác biệt của cà phê đặc sản thể hiện từ yếu tố thời tiết, khí hậu vùng sản xuất, đến khâu đầu tư chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế của người nông dân, cuối cùng mới đến công đoạn rang xay, pha chế.

Ông Trần Phi Hùng, Chuyên gia thử nếm cà phê cho biết, cà phê đặc sản từ khâu hái phải lựa chọn rất kỹ, tỷ lệ chín của trái và độ chín vừa đủ, tức là trái không quá chín hay chưa đủ chín. Khi lựa những quả chín như vậy sẽ mang lại những hương vị đặc trưng của cà phê, đó là sự khác biệt giữa cà phê đặc sản và cà phê thông thường.

Cũng theo ông Hùng, cà phê được gọi là “đặc sản” là loại cà phê đạt 80 điểm trở lên theo thang điểm 100 của Hiệp hội Cà phê đặc sản Hòa Kỳ. Thang điểm này được xây dựng theo nhiều tiêu chí, trong đó có các yếu tố liên quan đến thổ nhưỡng, mùi hương, độ chua, ngọt, chất lượng hạt và phương thức chế biến.

Trước đó, trong hai niên vụ cà phê 2015 - 2016 và 2016 - 2017, tỉnh Đắk Lắk đã gửi 130 mẫu cà phê tại vùng nguyên liệu chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột để các chuyên gia thử nếm đánh giá về chất lượng. Kết quả, có hơn 10% mẫu cà phê đạt điểm số thử nếm từ 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản. Trên cơ sở đó, những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được định hướng và hỗ trợ sản xuất cà phê đặc sản. Một trong những đơn vị tiên phong về sản xuất cà phê đặc sản ở tỉnh Đắk Lắk là công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9.

Nói về các yêu cầu đảm bảo chất lượng của cà phê đặc sản, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk cho rằng: Để đảm bảo hương và vị đặc sắc và ngon của cà phê thì chúng ta có những cách tiếp cận về phương pháp chế biến, rang xay, chọn lọc…cả quy trình từ người nông dân đến người chế biến mới tạo ra được hệ thống về cà phê đặc sản.

Là người trồng cà phê với nhiều năm kinh nghiệm, ông Lê Anh Tiến ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết, gần 1 năm nay, ông đã tham gia vào hợp tác xã sản xuất cà phê đặc sản. “Việc sản xuất cà phê  đặc sản phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch và đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tốn kém chi phí chăm sóc, nhưng đổi lại giá bán được doanh nghiệp thu mua khá cao”- ông Tiến khẳng định.

Trước đó, trong báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhận thấy giá trị cao từ cà phê đặc sản, từ năm 2018 tỉnh này xây dựng đề án về phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 tổ chức liên kết với nông dân sản xuất cà phê đặc sản, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Sản lượng thu hoạch năm 2018 là hơn 1.000 tấn và được xuất khẩu theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản.

Đa dạng hoá các sản phẩm từ cà phê của Đắk Lắk

Khẳng định về giá trị mang lại của cà phê đặc sản, ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc HTX Ea Tân, Krông Năng (Đắk Lắk) cho rằng, theo xu thế thị trường thì giá cà phê hiện đang ở mức thấp so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, do HTX của ông tham gia vào cà phê đặc sản nên đã kéo cái giá trị bán được của cà phê đơn vị lên cao.

Theo Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, hiện tỉnh Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, với hơn 200.000 hecta. Hiện nay, hơn 120.000 hecta được bà con sản xuất theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, trong đó có hơn 17.000 hecta  thuộc vùng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, với sản lượng hơn 47.000 tấn mỗi năm. Đây là tiềm năng để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển cà phê đặc sản trong tương lai.

Chia sẻ thêm về định hướng mới mà Hiệp hội cà phê địa phương đang dự kiến, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết: Một trong những hướng giải quyết tạo uy tín cho thương hiệu cà phê địa phương là nên phát triển một phân khúc thị trường với chất lượng cao hơn nữa và cái chất lượng đó tương đương với cái thừa nhận chung của thế giới về cà phê đặc sản. Vì thế, chúng tôi cũng có hướng phát triển cà phê chỉ dẫn địa lý theo hướng cà phê đặc sản với một thị trường quy mô nhỏ hơn và giá trị gia tăng cao hơn.

“Tuy nhiên, cho đến nay, việc phát triển cà phê đặc sản ở Đắk Lắk mới chỉ ở đoạn đầu, với diện tích và sản lượng chưa nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cùng hy vọng rằng, qua Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, với mục tiêu đẩy mạnh quảng bá giá trị cà phê đặc sản, sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho dòng sản phẩm cà phê cao cấp này”- ông Trịnh Đức Minh chia sẻ thêm./.

Cà phê đặc sản trên thế giới được hình thành cách đây khoảng 30 năm, đầu tiên là ở Mỹ, sau đó là các nước châu Âu, Nhật Bản .v.v. Thị phần cà phê đặc sản chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê trên toàn cầu, giá trị cao gấp 5-10 lần so với cà phê thông thường. Tại Việt Nam nói chung, Đăk Lăk nói riêng cà phê đặc sản là sản phẩm mới và được xem như là một nghệ thuật ẩm thực trong thưởng thức, kinh doanh cà phê. Tuy là sản phẩm mới, phân khúc thị trường hẹp, song chỉ sau những đánh giá khả quan về độ thích hợp về thổ nhưỡng, khí hậu một số doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn Đắk Lắk đã mạnh dạn đầu tư sản xuất cà phê theo phân khúc này.

 

 

 

 

 

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực