Đổi mới thể chế để phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm

Thứ tư, 12/06/2019 17:52
(ĐCSVN) - Đổi mới thể chế, phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm có nội hàm rộng, có mối quan hệ phức tạp, phụ thuộc vào nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên thế giới nhưng những nội dung này thể hiện cụ thể trong bối cảnh của Việt Nam ra sao là một câu hỏi lớn cần phải được làm sáng tỏ.

Chiều ngày 12/6, tại Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo “Đổi mới thể chế để phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm: Kinh nghiệm của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam”.

Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của giới chuyên môn cũng như các cơ quan quản lý trong và ngoài nước. Hội thảo đã thu hút được nhiều bài báo cáo, tham luận có chất lượng đến từ UNDP, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, Trường Đại học Meiji – Nhật Bản, Trường Đại học Nagoya City – Nhật Bản, các Trường đại học, các viện nghiên cứu trên cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VA

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh, trong giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đã thực hiện Chiến lược phát triển bền vững thông qua việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Cho đến nay, việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020, đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ từ đó thúc đẩy phát triển theo hướng bao trùm, sáng tạo. Đất nước đã bước đầu giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo và kém phát triển, tạo cơ hội việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước còn 2% (2018), giáo dục và chăm sóc sức khỏe người dân được chú trọng.

PGS Bùi Anh Tuấn bày tỏ, nhìn nhận lại giai đoạn vừa qua, có thể thấy, thể chế đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược này và việc nghiên cứu đổi mới thể chế nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm là một yêu cầu mang tính lý luận và thực tiễn, là một đòi hỏi mang tính cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Đổi mới thể chế là nội dung quan trọng nhất của các chính sách Đổi mới mà Việt Nam thực hiện từ năm 1986 và đổi mới thể chế có vai trò quyết định đối với sự thành công của Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua. Câu trả lời cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới không thể thiếu nội dung này.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ, sự chuyển biến nhanh chóng trên thế giới, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ đã làm thay đổi nội dung của các yếu tố địa chính trị, thể chế, kinh tế, văn hóa, môi trường và thay đổi cách thức các yếu tố này tác động tới tăng trưởng và phát triển của các quốc gia. Những thay đổi này đòi hỏi bài toán phát triển bền vững của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải có những lời giải mới, phù hợp hơn.

Nghiên cứu để thay đổi tư duy, điều chỉnh chiến lược và mô hình phát triển, đổi mới thể chế, thay đổi cách thức quản lý nhằm kiến tạo sự phát triển bền vững cho đất nước là nhiệm vụ đặt ra không chỉ đối với Đảng, Nhà nước mà còn là nhiệm vụ của các nhà khoa học, lãnh đạo của các tổ chức, cộng đồng các doanh nghiệp.

Tuy vậy, theo PGS Phạm Văn Linh đổi mới thể chế, phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm có nội hàm rộng, có mối quan hệ phức tạp, phụ thuộc vào nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên thế giới nhưng những nội dung này thể hiện cụ thể trong bối cảnh của Việt Nam ra sao là một câu hỏi lớn cần phải được làm sáng tỏ.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh hai nội dung chính: Một là, nghiên cứu kinh nghiệm đổi mới thể chế của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể là, những bài học thành công và thất bại trên thế giới trong quá trình đổi mới thể chế hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm có thể vận dụng được ở Việt Nam như thế nào? Hai là, rút ra những khuyến nghị, đề xuất cho Việt Nam trên cơ sở bối cảnh và các điều kiện cụ thể hiện nay cũng như những triển vọng và thách thức trong thời gian tới. Cụ thể là, Việt Nam cần phải đổi mới thể chế như thế nào trong thời gian tới để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững?

Thế giới đang chứng kiến nhiều điểm sáng trong phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm nhờ những định hướng đổi mới thể chế đúng đắn và đồng thời cũng xuất hiện những trường hợp đổi mới thể chế không thành công trong vài thập kỷ gần đây ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Những thành công và thất bại trên thế giới sẽ là những bài học hữu ích cho Việt Nam trong thời gian tới./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực