Giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ bảy, 16/12/2023 11:16
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thời gian qua, cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, cải thiện Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Báo Chính phủ) 

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực triển khai của các Bộ, ngành, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã đạt được một số cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, như: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 85/2019/NĐ-CP, Nghị định số 07/2020/NĐ-CP, Nghị định 13/2022/NĐ-CP…

Nghị định ban hành đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất để thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành trên nền tảng kết nối thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia; cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành của tổ chức, cá nhân; minh bạch, công khai phương pháp, tiêu chí kiểm tra chuyên ngành; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong kiểm tra chuyên ngành và tình trạng một mặt hàng cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức quản lý, kiểm tra; tạo cơ sở để chấm dứt tình trạng ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mã số hàng hóa, trình tự, thủ tục kiểm tra.

Mặt khác, Bộ Công Thương bãi bỏ quy định cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng thép; Bộ Thông tin và Truyền thông bãi bỏ quy định cấp Giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện; Bộ Khoa học Công nghệ bãi bỏ việc kiểm tra nhà nước về đo lường đối với hàng hóa khi nhập khẩu. Nhiều Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS được ban hành, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra.

Bên cạnh đó, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng trong công tác quản lý; Nhiều thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành được điện tử hóa. Công tác xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành ngày càng được chú trọng. Đặc biệt, nhiều tổ chức được chỉ định thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Các quy định chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành cũng đã được xử lý. Trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng, phần lớn hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu được chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã thông quan. Trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu chủ yếu chỉ phải kiểm tra hồ sơ thay vì lấy mẫu từng lô hàng để kiểm tra.

Ngoài ra, nhằm tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” với 07 nội dung cải cách. Trên cơ sở đó, từ năm 2021 đến nay, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu làm cơ sở triển khai các nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ- TTg.

Việc đổi mới mô hình kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian, giúp tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm lô hàng phải kiểm tra, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa.

Chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá cũng như kỳ vọng

Mặc dù công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và từ thực tế triển khai thực hiện quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, đồng thời qua quá trình rà soát quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn nhiều tồn tại, bất cập.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. Đây là kết quả của việc cắt giảm danh mục hàng hóa chuyên ngành của các Bộ, ngành, tuy nhiên với số lượng mặt hàng được cắt giảm là 12,600 trên tổng số 82,698 mặt hàng (số liệu quý 2/2015) là rất thấp (15,2%). Việc cắt giảm này chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ là phải cắt giảm được 50% hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Hiện nay có tới hơn 400 văn bản quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Quy định nhiều nhưng chưa thống nhất giữa các văn bản với thực tế triển khai như: quy định về quy trình, thủ tục kiểm tra; phương thức kiểm tra.

Số lượng mặt hàng thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, một mặt hàng áp dụng đồng thời nhiều biện pháp quản lý ngoại thương. Chưa có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành kèm mã số hàng hóa phù hợp. Nhiều hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa được chi tiết danh mục. Quy định hàng hóa phải kiểm tra nhưng chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra. Trình tự, thủ tục kiểm tra còn nhiều nội dung cần cải cách trình tự, thủ tục còn phức tạp, chưa áp dụng hoặc áp dụng nhưng chưa hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Hiện nay, cơ quan kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu và thực hiện không thống nhất. Ngoài ra, để thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp phải đến rất nhiều cơ quan, tổ chức để tiến hành thủ tục.

Các Bộ, ngành đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tuy nhiên việc áp dụng còn chưa đầy đủ, chưa thực chất dẫn đến tỷ lệ kiểm tra còn cao, tỷ lệ hàng hóa được áp dụng miễn giảm kiểm tra rất thấp. Việc áp dụng kiểm tra đối với từng lô hàng của từng chủ hàng dẫn đến tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp. Còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Việc áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương ở một số nhóm mặt hàng đang có sự áp dụng đồng thời nhiều hơn 01 biện pháp (vd: vừa áp dụng hạn ngạch vừa cấp giấy phép, vừa áp dụng điều kiện tiêu chuẩn quy chuẩn vừa cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu...)

Nhiều giải pháp để cải cách kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Để khắc phục khó khăn, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để thực hiện các chỉ đạo liên quan đến cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, cụ thể:

Rà soát các quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tập hợp để kiến nghị các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành hoặc có ý kiến để kịp thời hướng dẫn các Cục Hải quan và doanh nghiệp thực hiện thống nhất.

Tham gia, góp ý vào các dự án xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành do các Bộ, ngành xây dựng, ban hành theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước; Phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm danh mục, loại bỏ chồng chéo, chi tiết tên hàng kèm mã số HS; Triển khai các thủ tục hành chính trên cổng thông tin một cửa quốc gia.

Xây dựng Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” và Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Căn cứ các nhiệm vụ, chỉ đạo tại Quyết định 38/QĐ-TTg, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để triển khai các nội dung cải cách của Đề án tại giai đoạn 1. Dự thảo Nghị định là cơ sở pháp lý để triển khai các nội dung cải cách của Quyết định 38/QĐ-TTg.

Với những nội dung cải cách quyết liệt của Đề án và được thể chế hóa tại dự thảo Nghị định, theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế: ước tính trong 01 năm tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng (xấp xỉ 59,1 triệu đô-la Mỹ) cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu đô la Mỹ) cho nền kinh tế.

Dự thảo Nghị định có nhiều nội dung cải cách nên chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thay đổi mang tính đột phá. Do vậy, để đảm bảo sự phù hợp và tính khả thì của quy định tại dự thảo Nghị định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, cơ quan hải quan đã tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn của từng Bộ đang có ý kiến chưa đồng thuận đối với nội dung dự thảo Nghị định để rà soát, đánh giá các nội dung của dự thảo Nghị định một cách toàn diện theo nguyên tắc phải đảm bảo phù hợp với các Luật chuyên ngành, đảm bảo tính khả thì khi triển khai thực hiện, đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực