Gìn giữ và phát huy nghề mộc truyền thống ở Thanh Lãng

Thứ năm, 17/08/2023 15:45
(ĐCSVN) - Nghề mộc truyền thống ở Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) có từ vài trăm năm trước. Thợ làng Thanh Lãng nổi tiếng với nghề mộc truyền thống “cha truyền con nối” cho tới ngày nay...

Về thăm làng mộc Thanh Lãng, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vào một ngày giữa tháng 8, tiết trời sang thu mát mẻ, ấn tượng ban đầu là không khí làng nghề với tiếng đục đẽo “lốc cốc”, tiếng máy cưa, máy bào rền vang khiến không khí thị trấn nhỏ trở nên vui tươi, sôi động lạ thường; các ngả đường dẫn về làng xe cộ ra vào tấp nập vận chuyển hàng đồ gỗ tỏa đi các nơi.

Theo gia phả của làng, nghề mộc Thanh Lãng đã ra đời và phát triển hàng trăm năm qua. Mấy chục năm trước, sản phẩm mộc ở Thanh Lãng khá đơn điệu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đa số người dân địa phương với giá rẻ. Chính vì thế mà đời sống người dân rất khó khăn, bà con phải bám chặt ruộng đồng hay phiêu bạt khắp nơi làm đủ mọi nghề để kiếm sống.

Một góc thị trấn Thanh Lãng, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)

Vào những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, những người thợ mộc Thanh Lãng vô cùng chật vật vì thiếu thị trường, thiếu việc làm. Để tồn tại, người dân làm mộc đã cùng nhau thành lập những tổ hợp sản xuất; đồng thời, tích cực đầu tư máy móc, phát triển ngành nghề, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm mộc ở Thanh Lãng không những đẹp về kiểu dáng, mẫu mã mà còn đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật, mỹ thuật, độ tinh xảo, ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề mộc ở Thanh Lãng hiện vẫn đứng vững, với nhiều sản phẩm nổi tiếng cả nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Để có được kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của biết bao thế hệ người dân Thanh Lãng trong việc gìn giữ và phát huy nghề mộc truyền thống của cha ông mình.

Ông Nguyễn Công Xuyến (78 tuổi) có thâm niên hơn 60 năm gắn bó với nghề mộc truyền thống làng Thanh Lãng chia sẻ: “Gia đình tôi 3 đời làm nghề mộc, năm 14 tuổi tôi cũng đã tập tành đục đẽo theo nghề. Lúc đầu làm cũng vì mưu sinh nhưng sau này mê lúc nào không hay, ngày nào mà không đụng tới gỗ là tôi cảm thấy thiếu thiếu gì đó, không chịu nổi…”.

Cũng như ông Xuyến, gia đình ông Trịnh Văn Công thừa hưởng “lửa nghề” từ ông cha, gắn bó với gỗ, với đục từ khi còn rất nhỏ, chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của làng nghề… Nhờ sự kiên trì, bền bỉ gắn bó với nghề truyền thống, mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận từ 700 - 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Công chia sẻ: Nghề mộc ở đây là “cha truyền con nối”. Từ xa xưa, những bàn tay tài hoa của người thợ mộc Thanh Lãng đã từng có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc với những công trình nhà cửa, đình chùa, miếu mạo được chạm khắc điêu luyện, tinh xảo, thế nên nghề mộc và sản phẩm mộc của Thanh Lãng vẫn “sống khỏe” cho tới bây giờ...

"Để làm ra được một bộ sản phẩm gỗ mỹ nghệ chất lượng cao, đòi hỏi từ người thiết kế mẫu đến người thực hiện phải có óc thẩm mỹ, tài hoa, kết hợp với kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm của người thợ lành nghề", ông Công bộc bạch.

 Thợ mộc làng nghề Thanh Lãng chế tác các sản phẩm mộc cao cấp.

Còn anh Lưu Quốc Hưng, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp Hưng Hoa cho biết, dù là con nhà nòi nhưng anh vẫn bỏ nhiều năm đi làm thuê cho nhiều xưởng mộc lớn trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc để học hỏi thêm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường. Sau đó, anh mạnh dạn mở xưởng sản xuất và xây dựng trung tâm trưng bày sản phẩm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hưng còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương, với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Anh Hưng khẳng định: Sản phẩm mộc Thanh Lãng luôn có nét đặc trưng riêng, là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, các sản phẩm luôn được làm với mẫu mã và chất lượng tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, các sản phẩm làng nghề được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường ngày càng mở rộng. Nhiều sản phẩm nổi tiếng như sập gụ, tủ, bàn ghế đã được các thợ kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, hài hòa, tinh tế. Sản phẩm sập gỗ mỹ nghệ có giá phổ biến từ 30 đến 40 triệu đồng/chiếc; bộ bàn nghề mỹ nghệ dành cho phòng khách có giá phổ biến từ 25 đến 30 triệu đồng/bộ.

Cũng theo anh Hưng, không phải ai sinh ra ở làng mộc truyền thống cũng theo được nghề, bởi làm nghề mộc ngoài cần cù, chịu khó thì điều quan trọng nhất vẫn là sự sáng tạo, năng khiếu thẩm thấu nghề. Nghề mộc rất cần những người thợ có tố chất cẩn thận và tỉ mỉ, và một điều quan trọng nữa là phải thật yêu nghề, tâm huyết với môn đục đẽo...

Làng nghề mộc ở Thanh Lãng hiện đang sản xuất các mặt hàng chính như: Làm nhà gỗ, tủ chè, bàn ghế, sập, gụ, tràng kỷ, án gian, lục bình, tranh chân dung, hình chim thú, rồng, phượng… Các loại gỗ được sử dụng để sản xuất tại làng nghề Thanh Lãng gồm nhiều chủng loại như: Lim, gõ đỏ, hương, trắc, cẩm, xoan đào; gỗ rừng trồng trong nước như keo, quế, mỡ, trẩu đến gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu (tần bì, dẻ gai, sồi) và ván công nghiệp. Nhờ sự nhạy bén, linh hoạt để thay đổi hướng tiếp cận với khách hàng nên trải qua hàng trăm năm, nghề mộc ở Thanh Lãng ngày càng khẳng định được chỗ đứng vững chắc, góp phần phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

 Làng nghề mộc ở Thanh Lãng hiện đang sản xuất các mặt hàng chính như: Làm nhà gỗ, tủ chè, bàn ghế, sập, gụ, tràng kỷ, án gian, lục bình, tranh chân dung, hình chim thú, rồng, phượng… 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Bảy, Chủ tịch UBND Thị trấn Thanh Lãng cho biết: Nghề mộc là nghề truyền thống đặc sắc lâu đời chiếm tới 60% tổng sản phẩm của địa phương. Do đó những năm qua địa phương đặc biệt chú trọng đến việc mở rộng hạ tầng phát triển ổn định nghề mộc truyền thống; tổ chức bảo tồn, phát triển nghề cho các thế hệ trẻ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Nghề mộc cũng là tiền đề quan trọng để địa phương tiến tới phát triển kinh tế du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề truyền thống.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Bảy thông tin thêm: Hiện tại, thị trấn Thanh Lãng có 48 máy xẻ; 81 máy đục tự động; 16 doanh nghiệp hoạt động ngành nghề mộc; 248 hộ chủ xưởng mộc; hơn 50% tổng số hộ gia đình tham gia sản, xuất kinh doanh nghề mộc, với khoảng 6.000 lao động thường xuyên đã tạo nên những nét đặc trưng riêng của thị trấn. Các sản phẩm của nghề mộc Thanh Lãng đã nức tiếng gần xa, thậm chí xuất khẩu sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á, đem về nguồn thu cho địa phương khoảng 400 tỷ đồng/năm. Nhờ đó đời sống, kinh tế của người dân vì thế cũng khấm khá hơn...

Theo thời gian và trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thị trường ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn, nhất là với các sản phẩm chế tác từ gỗ. Các thế hệ trên mảnh đất Thanh Lãng vẫn đang nỗ lực ngày đêm để giữ lửa nghề truyền thống, không ngừng đổi mới, sáng tạo để làm phong phú mẫu mã, nâng cao giá trị cho từng sản phẩm, góp phần khẳng định “chất riêng” của thương hiệu mộc Thanh Lãng và làm giàu chính đáng từ chính nghề truyền thống của cha ông mình./. 

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực